“Giá từng thước đất”

(NTO) Cuộc chiến tranh vệ quốc, giải phóng dân tộc của nhân dân ta không chỉ là “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”, là “đường ra trận, mùa này đẹp lắm” hay lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên nóc hầm kẻ địch… Chiến tranh còn là những mất mát, đau thương, là máu xương của biết bao người lính đã ngã xuống, đánh đổi sự sống bản thân mình để làm “xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”.

Tọa lạc ở ngay ngã ba Quốc lộ 1A đi Ninh Chử, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh uy nghi và “lẫm liệt” khi “kề đầu” bên núi Cà Đú cao trên 300m, in dáng lên nền trời bao la và khoáng đạt. Hướng về ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh những ngày này như đông người hơn thường lệ. Không ồn ào, náo nhiệt, họ có thể là đồng đội, là người thân của các anh hùng liệt sĩ, hay có thể là những bạn trẻ ĐV-TN - thế hệ trẻ hôm nay… đến đây để gởi tấm lòng tri ân sâu sắc đến những người lính đã hy sinh qua nén hương, bông hoa, ngọn nến thành kính đặt trước mỗi phần mộ nơi này.

Đoàn viên - thanh niên thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ
tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Văn Miên

Khi những nén hương, ngọn nến được thắp lên, cũng là lúc những khoảng lặng im trong tâm hồn mỗi người còn sống bắt đầu “lên tiếng”. Trong làn khói hương cuộn bay mờ ảo, không gian trở nên thanh tịnh, ấm áp và trang nghiêm lạ thường, nén hương lúc này như sợi dây liên lạc giữa thế giới hữu thực với thế giới tâm linh. Đứng trước mỗi mộ phần, từng con người hiện hữu nghiêng mình trong sự hoài nhớ và biết ơn công phúc của các anh hùng liệt sĩ, của các thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình, đổi “máu” để giành “hoa” cho đất nước tự do, độc lập.

Có giọt nước mắt vừa lăn trên đôi má nhăn nheo của những bà mẹ - cái tuổi mà nước mắt gần như đã cạn và nỗi đau thường “trở ngược” vào trong. Lại có vệt buồn qua ánh mắt một vài bạn ĐV-TN mặc áo xanh tình nguyện vừa thắp nến trước các phần mộ liệt sĩ “vô danh”. Những ngọn nến không chỉ sưởi ấm giấc ngủ ngàn thu cho các liệt sĩ mà còn làm ấm lòng những thân nhân của họ khi các anh còn chưa trở về với đất mẹ, quê cha. Có lẽ trong suy nghĩ của các bạn ĐV-TN, những liệt sĩ vô danh- “Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm), để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, được hưởng tự do và hạnh phúc…

 

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Tấm lòng tri ân thành kính của thế hệ hôm nay dành cho những thế hệ đi trước sẽ luôn tiếp nối và còn mãi tới mai sau, bởi hầu hết mỗi chúng ta đều hiểu và trân trọng “Giá từng thước đất” như nhà thơ Chính Hữu đã từng viết trong bài thơ cùng tên:

“… Khi bạn ta

lấy thân mình

đo bước

chiến hào đi,

Ta mới hiểu

giá từng thước đất,

Các anh ở đây

Trận địa là đây,

Trận địa sẽ không

lùi nửa thước,

Không bao giờ,

không bao giờ

để mất

Mảnh đất

Các anh nằm”