TRUYỆN NGẮN:

Bẫy Chim

(NTO) Hôm nay ngày nghỉ, An được các bạn Quân, Tư rủ đi bẫy chim sẻ. Bẫy Quân mượn của anh mình. Nó biết cách bẫy, Tư có nhiệm vụ kiếm ít thóc, còn An đi theo chỉ để hụ hợ như… xách chim bắt được chẳng hạn. Sở dĩ An đi là muốn kiếm con chim, để nướng cho bà ngoại mình bồi dưỡng. Bà của An là thương binh, đang ốm.

Địa điểm chọn đặt bẫy nơi nhà máy xay xát cuối xóm. Ở đây theo Quân, là địa điểm có nhiều chim sẻ nhất. Quả đúng như Quân nói, khi ba đứa đến, bên hông nhà máy chim sẻ bay vù vù lên từng đàn như ong vỡ tổ. Sau khi Quân đặt bẫy và Tư rải thóc, ba đứa ngồi thu mình vào một bụi cây gần đó, quan sát. Trên mái nhà máy, những con chim sẻ nghiêng đầu, trố mắt nhìn xuống, kêu “nói” inh ỏi. Vài con còn dạn dĩ bay xuống, nhảy cẫng gần bên bẫy và những hạt thóc, rồi như nghi ngại, chúng lại vù lên. Chúng nghi cũng phải ! Nhà máy nghỉ xay xát mấy ngày rồi, phần nhiều những thóc rớt lại đều là hạt lép, có cái chỉ tuyền… vỏ trấu. Mổ đến ê cả mỏ, mươi cái mới kiếm được một. Vậy sao bây giờ… tự dưng lại vương vãi toàn những hạt tròn mây mẩy, nhìn thèm đến… dãi tứa ra cả mỏ thế kia ! Đã thế, những hạt thóc ấy lại nằm trong cái gì… lạ lắm, có lẽ chúng chưa thấy bao giờ ? Ấy là lưới ! Những mắt lưới này, anh của Quân làm bằng loại cước rất trong. Nó trong đến nỗi mắt người như An cũng chưa dễ nhận ra ngay được ! Quân bấm khẽ hai bạn và nhe răng cười khi thấy mấy con chim sẻ háu ăn bay lên, đậu xuống bên cái bẫy. Nhưng cuối cùng rồi do đói quá, chúng đành phải liều…

“Sầm…!”, bẫy sập. Những cánh chim sẻ vù bay tán loạn, tơi tả. Bọn An chạy ào ra. Coi nhiều vậy, nhưng chỉ dính có mỗi một con. Anh chàng háu ăn này bị bẫy đập gãy nát chân trái, kêu “chim… chíp…!” liên hồi, chắc là đau lắm. Quân thẳng tay rứt cái chân gãy quăng đi, cột sợi giây trên cặp đùi và giao nó cho An. Suốt buổi bị chết hụt ấy, đàn chim sẻ không dám xuống nữa. Cũng không còn chỗ nào có nhiều chim để bẫy, bọn An đành về. An có bà ngoại ốm, hai bạn ưu tiên cho con chim sẻ cụt chân.

***

Có chim, để dành sự bất ngờ cho bà về lòng hiếu thảo, An hỏi:

- “Bà ơi… cháu đi bẫy chim, nướng cho bà ăn nhé”?

Bà An:

- “Giỏi! Nhưng cháu định bẫy cho bà chim gì nào?”

An:

- “Thưa… chim sẻ, bà có thích không, hở bà?”

Bà An nói:

- “Chim sẻ ư? Để bà kể cho nghe chuyện này, rồi cháu biết bà có thích hay không…

Ngày trước, thời chống Mỹ, bà ở tù. Có lần do tranh đấu, bà bị biệt giam trong một phòng kín mít. Nối với bên ngoài chỉ là lỗ đưa cơm nước và ô thông gió tít trên cao… Mấy ngày liền, bà rầu rĩ đến cơm cũng chẳng buồn ăn. Cháu biết không, người cách mạng bị tù đòn tra họ không sợ, nhưng sự đơn độc đôi khi lại là một hình phạt thật khủng khiếp. Bởi vậy, biệt giam là hình thức nhằm đánh vào “cân não” của tù nhân. Trong phòng giam lúc ấy, chẳng có bất cứ sinh vật nào để cho bà “làm bạn” cả, ngay đến một con kiến cũng không! Buồn vì đơn độc đã đành nhưng cái chính, bà không biết làm sao thông thương được với những đồng chí ở các phòng giam khác.

Một hôm, thật là bất ngờ như từ trời rơi xuống, nơi chỗ cơm bà không ăn bỗng xuất hiện một con sẻ nhỏ. Có lẽ nó vào từ lỗ đưa cơm. Con chim sẻ nghiêng đầu ngắm bà một cách thân thiện, rồi thong thả nhảy lại mổ mấy hạt cơm. Sau khi ăn xong, nó lại ngó bà, rồi nghiêng đầu vẻ nửa như quan sát phòng giam, nửa như muốn tìm đường bay đi. Bà hoảng quá! Nó mà bay đi thì bà kể như cô độc hoàn toàn. Nhưng nếu có cử chỉ nào đó làm nó hoảng sợ thì cũng không ổn. Lúc đó bà đang nằm, sẵn cánh tay hướng về phía nó, bà bèn xoè nhẹ ra và khe khẽ kêu lên: “Sẻ ơi, đi đâu đó?”. Chắc tưởng bà đã chết, giờ nghe tiếng nói nó ngạc nhiên và nghiêng nhìn bàn tay vừa mở ra của bà. Bà khẽ gọi tiếp: “Sẻ ơi… lại đây chơi nào!”. Thật là kỳ lạ, con sẻ khi nghe gọi lần thứ hai, nó nhảy đến bên bàn tay của bà. Sau khi nghiêng ngó, nó mổ nhè nhẹ vào mấy ngón tay. Những cái mổ mới thân thương và dễ chịu làm sao! Cuối cùng, không hiểu nghĩ thế nào, nó từ từ nằm xuống bên bàn tay của bà. Hóa ra, đây là con chim sẻ chẳng biết sao lại bị thương vào cánh, bay rất yếu. Và thật tội nghiệp, chân trái nó đã bị cụt đâu từ rất lâu rồi! Như người bắt được vàng, bà trỗi dậy vuốt ve và chăm sóc vết thương cho nó… Sau đó, bà tập nó bay và tìm cái que cột cố định vào đùi làm cho nó cái chân giả…

Từ đó qua lỗ đưa cơm, ngày nào con chim sẻ cũng đến chơi với bà, để được ăn cơm và… để được vuốt ve! Một hôm nhân cố định lại cái chân giả cho nó, bà nảy ý cuộn vào đó tờ giấy để may ra liên lạc được với đồng chí của mình. Biết đâu sẻ lại chẳng thân thiết với những bạn tù bà nơi các phòng giam khác, vốn cũng rất yêu chim… Và thật tuyệt vời, ngay hôm sau bà nhận được hồi âm của đồng chí mình từ cái chân giả con chim sẻ cụt! Từ đó, con chim sẻ là liên lạc viên vừa thân thiết, vừa tuyệt mật của bà. Nó không những là bạn thân mà còn nối bà với đồng chí của mình ở ngoài phòng biệt giam…

***

An đem chuyện này kể cho Quân và Tư nghe. Hai bạn rất xúc động và đồng tìm cách cứu chữa vết thương nơi chân cụt của con chim sẻ. Riêng Quân, học theo cách bà ngoại của An, còn làm cho con sẻ một chân giả rất chắc chắn, để thay thế cái mà trước đây nó đã rứt quăng đi.

Buổi tiễn đưa con chim sẻ về với cộng đồng ở nhà máy xay xát thật là cảm động. Nhìn nó đi khập khiểng, rồi… bay phập phù theo bầy, Quân rơm rớm nước mắt nói:

- “Chắc là… nó còn đau!”