Phước Dinh: Áp dụng mô hình trồng Rong sụn bảo đảm môi trường sinh thái

(NTO) Rong sụn được đưa vào trồng ở thôn Sơn Hải (xã Phước Dinh, Thuận Nam) năm 1993. Ban đầu chỉ có vài ha đến nay đã lên tới hàng trăm ha. Qua thực tế sản xuất, rong sụn phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần vào xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, do hộ trồng rong sụn phát triển tự phát dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cao, rong thường bị nhũn thân, thối rữa trôi dạt khắp mặt biển gây ô nhiễm môi trường.

Chị Nguyễn Thị Liễu, thôn Sơn Hải 2, xã Phước Dinh trồng rong sụn theo phương pháp mới.

Để giúp hộ trồng rong sụn đạt hiệu cao hơn, bắt đầu từ vụ rong đông-xuân 2012 - 2013, từ nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương”, Hội Nông dân xã Phước Dinh (Thuận Nam) triển khai mô hình “Nuôi trồng song sụn bảo đảm môi trường sinh thái”. 25 hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ về vốn, tập huấn kỹ thuật trồng rong sụn theo phương pháp mới. Anh Đàn Văn Hải thực hiện mô hình, cho biết: Trước đây tôi trồng theo phương pháp dây đơn căng trên đáy, tuy chi phí thấp nhưng lại bị cá cắn làm giảm năng suất. Từ khi trồng theo phương pháp mới có giàn căng, phao dây giữ rong gần mặt nước để tận dụng sự dao động của sóng bề mặt, dùng lưới bao quanh giàn phòng ngừa cá ăn, nên năng suất cao gấp rưỡi so với phương pháp cũ.

Các hộ khác nằm trong diện hưởng lợi của dự án cũng thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chuẩn bị vật liệu nuôi trồng đầy đủ, xuống giống đúng lịch thời vụ, nên rong phát triển tốt không bị dịch bệnh. Với 1 tấn giống ban đầu, hộ trồng thu hoạch được 50 tấn rong tươi, cao hơn trồng theo phương pháp dây đơn trên đáy 15 tấn; đặc biệt, có một số hộ thực hiện mô hình năng suất vượt trội, thu được 60 tấn như hộ Đoàn Văn Hải, Trần Ngọc Xuân, Đoàn Văn Hạnh…

Ưu điểm mô hình trồng rong sụn trong lồng lưới là hạn chế cá cắn phá, ngăn được các đợt sóng mạnh đánh gãy cành rong, giảm thất thoát. Đến nay, có thể khẳng định đây là mô hình có tác dụng giúp ngư dân thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở vùng biển. Đồng chí Nguyễn Thái Đạo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Dinh, cho biết: Mô hình đang tiếp tục được nhân rộng trong vụ hè-thu này, hiện rong phát triển tốt, đã cho thu hoạch.