HỒ SƠ - VỤ ÁN:

Đấu tranh khám phá các tổ chức phản động trên địa bàn tỉnh

LTS: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các thế lực thù địch đã câu kết với bọn phản động trong nước nhen nhóm hình thành các tổ chức phản động chống phá cách mạng Việt Nam. Tuy được mệnh danh bằng nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tổ chức nào chúng cũng danh xưng "Phục quốc", "Phục hưng", "Cứu nguy dân tộc" để lừa bịp quần chúng.

Được sự chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, lực lượng An ninh tỉnh đã trực tiếp đấu tranh khám phá nhiều tổ chức phản động. Chỉ tính riêng trên địa bàn Ninh Thuận trong khoảng thời gian 15 năm (1975- 1990), lực lượng An ninh đã khám phá 7 tổ chức phản động. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Lực lượng An ninh Nhân dân (12/7/1946 - 12/7/2014), “Ninh Thuận cuối tuần” giới thiệu đến quý bạn đọc một số chiến công của lực lượng an ninh tỉnh.

Tháng 9-1975: Bóp chết tổ chức phản động “Việt Nam quốc hận Đảng Sơn Hà”

Ngày 25-09-1975, đồng chí Trưởng ty Công an Thuận Hải (cũ) nhận được tin báo: có một người dân tên là Tài ở ấp Văn Sơn, xã Văn Hải, đến Công an huyện Ninh Hải tố cáo Nguyễn Ngọc Thanh (còn gọi là Chuối), quê ở thôn Văn Sơn, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải (Nay thuộc Tp Phan Rang- Tháp Chàm) đã tuyên truyền, lôi kéo anh gia nhập đảng "Việt Nam quốc hận". Trong quá trình làm việc với cơ quan Công an, anh Tài cho biết bọn chúng đã tổ chức rải truyền đơn, bàn nhau ám sát Ban Kinh tài huyện.

Lãnh đạo Ty Công an Thuận Hải đã họp, xác định nguồn tin do quần chúng cung cấp phù hợp với nguồn tin do trinh sát nắm được, có khả năng một tổ chức phản động đang nhen nhóm hoạt động chống phá cách mạng. Đồng chí Trưởng ty đã giao nhiệm vụ cho Công an huyện Ninh Hải và lực lượng An ninh của tỉnh sử dụng anh Tài để tiếp cận, điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Ngọc Thanh, đồng thời xây dựng thêm cơ sở thẩm định nguồn tin trên, thu thập thêm tài liệu, nếu đủ điều kiện thì lập chuyên án đấu tranh.

Đêm 26-9-1975, một quần chúng nhân dân khác lại đến gặp cán bộ thôn Văn Sơn báo: Bọn Thanh đang ráo riết chuẩn bị ám hại cán bộ Ban Kinh tài huyện để lấy tiền. Được tin này, cán bộ ấp đến báo cáo với Ban Chỉ huy Trung đoàn 3, sư đoàn 324 đóng tại địa phương và sau đó Ban Chỉ huy Trung đoàn đã kịp thời báo cáo với lực lượng An ninh. Hành vi của chúng đã rõ, nếu không bắt chúng sẽ gây án mạng, lực lượng An ninh tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Ninh Hải bắt giữ Thanh cùng 12 đồng bọn ngay trong đêm.

Qua đấu tranh khai thác được biết tổ chức "Việt Nam quốc hận- Đảng Sơn Hà", do tên Nguyễn Phụng, trú tại ấp Văn Sơn, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải cầm đầu. Đồng bọn của Phụng bao gồm: Trần Ninh Điền, Nguyễn Ngọc Thanh (tức Chuối), Phan Ngọc Nhân (tức Vân), Nguyễn Tuân, Phan Gia (tức Giỏi), Huỳnh Văn Huệ (tức Ngu)… đều trú cùng thôn. Tối Ngày 28-8-1975, tại khu vực núi Hòn Chồng, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải (Nay là Tp Phan Rang- Tháp Chàm), Phụng và đồng bọn đã tổ chức ra mắt "Đảng Sơn Hà", cắt máu ăn thề, tuyên thệ sống, chết cùng nhau, nhằm lật đổ chính quyền Cách mạng.

Sau buổi ra mắt, với tư tưởng chống phá quyết liệt, chúng đã tổ chức in ấn, rải truyền đơn kêu gọi "Vùng dậy giành lại chính quyền của cộng sản", tàng trữ cất giấu vũ khí với ý đồ bạo loạn cướp chính quyền cách mạng. Mặt khác, Phụng và đồng bọn không ngừng lôi kéo những đối tượng trước đây là nguỵ quân, nguỵ quyền, đối tượng bất mãn với cách mạng để phát triển tổ chức. Chúng đã móc nối được 6 tên khác gồm: Nguyễn Thành Long, Trần Văn Trung, Phạm Ngọc Nhân, Lê Thành Trung và Trần Phụng Vũ. Tổ chức của chúng hình thành hai nhóm, nhóm ở Văn Sơn do Nguyễn Phụng cầm đầu, nhóm ở thị xã Phan Rang do tên Trần Phụng Vũ cầm đầu.

Để thực hiện âm mưu chống phá Cách mạng, Phụng đã bàn bạc cùng đồng bọn giết cán bộ kinh tài của huyện Ninh Hải để lấy tiền gây quỹ và mua xe làm phương tiện đi lại hoạt động. Nhưng âm mưu chưa kịp thực hiện thì Phụng và đồng bọn bị bắt giữ. Lực lượng An ninh kịp thời bóp chết từ trong trứng nước tổ chức “Việt Nam quốc hận -Đảng Sơn Hà”.

Tháng 1-1976: Khám phá tổ chức phản động “Lực lượng giải phóng Việt Nam cộng hoà” do Nguyễn Luân cầm đầu.

Nguyễn Luân (SN 1945), linh mục thuộc giáo xứ Thuỷ Lợi (xã Hộ Hải, Ninh Hải) vốn có ý thức căm thù Cách mạng, nhất là sau ngày giải phóng Nguyễn Luận - cha đẻ của Luân, do có nợ máu với Cách mạng bị bắt đi học tập cải tạo, càng làm cho y căm thù Cách mạng sâu sắc hơn. Lợi dụng vị trí linh mục và những khó khăn sau ngày giải phóng để tuyên truyền, nói xấu cách mạng, nhằm kích động những phần tử chống đối theo y chống chính quyền Cách mạng.

Để gây dựng cơ sở, Nguyễn Luân đã ngấm ngầm đưa nhiều tên là nguỵ quân, nguỵ quyền cũ không chịu cải tạo vào "Hội đồng giáo xứ Thuỷ Lợi" như Nguyễn Hữu Đa, Lê Hậu, Nguyễn Công Đền, Nguyễn Minh Hương, Huỳnh Ngọc Tam. Đồng thời lợi dụng các buổi tĩnh tâm do giáo hạt Ninh Thuận tổ chức ở nhà thờ Tấn Tài, Nguyễn Luân đã móc nối với linh mục Nguyễn Hữu Ban (là đại uý, tuyên uý thiên chúa giáo trong quân đội nguỵ), quản xứ tại nhà thờ Phước Thiện liên kết chống Cách mạng. Được sự giúp đỡ của Luân, Ban đã lôi kéo được các tên Trần Đình Mẫn, Nguyễn Ngọc Sang, Nguyễn Công Thưởng, và Nguyễn Văn Hiếu... cùng tham gia

Giữa lúc Ban đang ráo riết phát triển người vào tổ chức thì có giấy của Chính quyền Cách mạng triệu tập đi học tập cải tạo. Ban không chấp hành mà lẩn trốn và đến gặp Nguyễn Luân. Lúc này Luân cũng đang tìm cách bỏ trốn bởi trước đó y đã lợi dụng hệ thống loa phóng thanh của nhà thờ để chống đối, đả kích chính sách ruộng đất của ta. Cả 2 đã gặp gỡ và móc nối với hai anh em Trương Ngọc Phước, Trương Ngọc Bề (trú tại xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải) bí mật thành lập tổ chức phản Cách mạng lấy tên "Lực lượng giải phóng Việt Nam Cộng hoà " nhằm lật đổ chính quyền Cách mạng.

Chúng ra huấn thị tạm thời về nhiệm vụ, tổ chức, hướng dẫn đồng bọn ám sát cán bộ Cách mạng, đề ra chính sách ân thưởng "Chiến công cứu quốc" cho những tên hoạt động tích cực... Đồng thời, đặt mật số cho từng cấp như: Bộ tham mưu là K; cấp quân khu là U, cấp tỉnh là X; cán bộ cấp tỉnh là XT, cấp quận là Y, cán bộ cấp quận là YT, cấp xã là Z, cán bộ cấp xã là ZT, cấp cơ sở là XZ; cán bộ cấp cơ sở là XZT.

Về vấn đề tổ chức, Nguyễn Luân đặc biệt chú trọng việc lôi kéo phát triển nhiều thanh niên vào lực lượng vũ trang để chờ phối hợp với bọn tàn quân nhằm bạo loạn lật đổ Chính quyền Cách mạng. Chúng đã tiến hành điều tra nắm tình hình các đơn vị bộ đội đóng ở phía Bắc tỉnh, đồng thời vạch kế hoạch tác chiến tiến công, cất giấu vũ khí, rải truyền đơn, quyên góp tiền bạc gây tài chính...

Hành động chống phá Cách mạng của Nguyễn Luân và đồng bọn đã rõ, nhằm đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ, ngày 3-01-1976, ta đã kịp thời bố trí, bắt giữ Luân vì tội sử dụng chứng minh thư giả khi hắn đang trên đường ra Nha Trang móc nối cơ sở hoạt động. Với lý do như vậy nên đồng bọn hắn nghỉ rằng Luân chỉ bị bắt vì tội sử dụng giấy tờ giả, do đó bọn chúng vẫn không đề phòng hoặc xóa các dấu vết… Qua công tác đấu tranh xét hỏi đối với Luân, ta tiếp tục bắt giữ đồng bọn gồm 30 tên khác. Tiến hành khám xét nơi ở của Luân, cơ quan An ninh đã thu được nhiều tài liệu phản động và máy móc dùng để in ấn các loại tài liệu phản động. Ta đã đập tan âm mưu hoạt động chống chính quyền của tổ chức phản động do tên Nguyễn Luân cầm đầu, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự sau ngày giải phóng.

Tháng 4-1978: Khám phá tổ chức “Quân lực Việt Nam cứu quốc” hay đơn vị 702 tại địa bàn Ninh Thuận

Ngày 28-12-1977, anh Lê Văn Nhiệm (27 tuổi) ở thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải đến Công an huyện Ninh Hải phản ảnh tên Nguyễn Ngọc Toàn cùng trú tại địa phương đến tuyên truyền anh vào tổ chức của tiểu đoàn 702. Anh Nhiệm cho biết: Toàn có cho anh xem một số giấy tờ có dòng chữ in sẵn "Mặt trận dân tộc tự quyết tiểu đoàn 702".

Tiếp đến, ngày 26-1-1978, Đặng Tâm (32 tuổi), ở phường Bảo An, Tháp Chàm, nguyên trung uý địa phương quân đến Công an huyện An Sơn báo cáo bị đối tượng tên Nguyễn Trường Đẩu, ở xã Đông Hải đến tuyên truyền gia nhập "Đơn vị 702".

Sau khi xem xét, nhận định đây là một tổ chức phản cách mạng, ngày 27-1-1978, Công an huyện An Sơn đã cử đồng chí Mai Bá Uyên (Phó Công an huyện) trực tiếp về Ty Công an Thuận Hải (cũ) báo cáo tình hình. Được lãnh đạo ty đồng ý cho xác lập chuyên án mang bí số Đ.261 do đồng chí Nguyễn Kim Thanh (Phó trưởng Ty) làm Trưởng ban và các thành viên gồm: Đồng chí Mai Bá Uyên (Phó Công an huyện An Sơn kiêm Trưởng Công an thị trấn Tháp Chàm), đồng chí Nguyễn Văn Cầm (trinh sát phòng bảo vệ chính trị II); Nguyễn Đức Phốn và đồng chí Lê Nguyên Cầu.

Ngày 29-1-1978, Ban chuyên án họp, thống nhất nhận định, tuy 2 đối tượng trên ở hai địa bàn khác nhau nhưng thời gian trùng lặp nhau, phát triển vào cùng một tổ chức (đơn vị 702) và tính chất hoạt động giống nhau nên đó cũng chỉ là một tổ chức và phân công bố trí lực lượng điều tra xác minh.

Qua công tác trinh sát được biết: Đây là một tổ chức phản cách mạng mới được hình thành, bao gồm 12 tên do tên Nguyễn Thành Trợ trú tại phường Kinh Dinh (thị xã Phan Rang), nguyên là giáo viên tại phường Phủ Hà cầm đầu. Đồng bọn gồm có các tên Lê Minh Hương, Nguyễn Trường Đẩu, Nguyễn Văn Sạn, Trịnh Văn Quang, Lê Thị Hoa, Cao Văn Phúc, Trần Tấn Sang, Phùng Văn Nhân, Đinh Xuân Hương, Bùi Rê và Lê Lự.

Với phương châm "Bóp chết từ trong trứng", quyết tâm phá án trước Tết Nhâm Ngọ, không để đối tượng manh động, phá hoại trong dịp Tết Nguyên đán, Ban chuyên án chỉ đạo phá án vào lúc 05 giờ 30 sáng, ngày 29-03-1978. Nhưng để bảo đảm yêu cầu về chính trị và nghiệp vụ nên ta chỉ bắt 2 đối tượng Nguyễn Trường Đẩu và Bùi Ngọc Tân về tội hình sự.

Sau khi bắt được Đẩu và Tân, nhanh chóng khai thác bắt giữ thêm Nguyễn Ngọc Toàn và Lê Thị Hoa. Sợ để lâu chúng tẩu tán hết tang vật và bỏ trốn nên ngày 3-4-1978 ta đồng loạt bắt giữ các tên còn lại và thu hồi các tài liệu phản động gồm: các tập Nguyệt san phản động, 12 quyết định bổ nhiệm trong đó có ghi tên, tuổi, cấp bậc, chức vụ, bí số của mỗi tên do thiếu tá Trương Công Đức ký tên, đóng dấu quân lực Việt Nam cứu quốc chỉ huy trưởng đơn vị 702.

Qua đấu tranh khai thác, chúng khai nhận, vốn là nguỵ quân, nguỵ quyền trước đây cộng tác với địch, lại không ưa thích chính quyền cách mạng nên khi được bọn phản động từ Tp Hồ Chí Minh tuyên truyền vào tổ chức, chúng ảo tưởng tin vào sức mạnh đó nên nhanh chóng tập hợp lực lượng nhằm mục đích lật đổ chính quyền cách mạng, phục hồi chế độ cũ, thiết lập một chính quyền do chúng điều khiển bằng quân sự mà chúng gọi là “Quân lực Việt nam cứu quốc”. Tại Ninh Thuận chúng đã hình thành 1 ban điều hành do Nguyễn Thành Trợ làm trưởng ban an ninh, Nguyễn Trường Đẩu làm trưởng ban quân sự, Cao Phúc chính trị viên, Đinh Xuân Hương trưởng ban kế hoạch, Lê Thị Hoa liên lạc viên tình báo. Hoạt động của chúng với nhiều thủ đoạn, tuyên truyền, nói xấu chế độ XHCN, tập hợp lực lượng, tổ chức cơ sở chờ thời cơ lật đổ chính quyền của ta. Tuy mới hình thành, tổ chức có 12 tên nhưng hoạt động của chúng hết sức nguy hiểm, có tài liệu phản động, có động cơ mục đích hoạt động, có kế hoạch tuyên truyền, lôi kéo phát triển tổ chức; có con dấu và các quy định nghiêm ngặt.

Ty Công an đã hoàn thành hồ sơ đưa các bị can ra truy tố trước pháp luật. Tòa án ND tỉnh Thuận Hải đã mở phiên toà xét xử công khai, tuyên phạt tù chung thân đối với 2 tên: Trương Thành Trợ, Nguyễn Thành Đẩu và 4 tên khác có mức án từ 7 năm đến 20 năm tù giam.

Tháng 12-1978: Điều tra khám phá tổ chức “Mặt trận kháng cộng phục hưng” do Đặng Cốc, Nguyễn Minh Thi cầm đầu.

Ngày 5-12-1978, Ty Công an Lâm Đồng thông báo cho Ty Công an Thuận Hải (cũ) biết, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ một số đối tượng từ TP.Hồ Chí Minh lên Đà Lạt lôi kéo phần tử xấu ra rừng móc nối với bọn phản động Fulro. Qua khám xét từng tên đã phát hiện và thu giữ một số giấy tờ, tang vật có nội dung phản cách mạng như giấy uỷ nhiệm thư, hiệu triệu của Uỷ ban Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt, bản thông cáo chung của Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt và mặt trận trung ương Fulro.

Qua khai thác chúng khai nhận đã thành lập tổ chức phản động mang tên "Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt" và phát triển tổ chức được ở các địa bàn gồm TP Hồ Chí Minh, Thuận Hải (cũ), Nha Trang (Khánh Hòa), Nghĩa Bình (cũ) do tên Nguyễn Sanh Thạch cầm đầu. Riêng tỉnh Thuận Hải chúng đã phát triển tổ chức ở các địa bàn Krông Pha, Tháp Chàm, Phan Rang ... do tên Nguyễn Minh Thi (tức Danh Việt Phương) ở Krông Pha và Đặng Cốc ở Phước Đức - Tháp Chàm cầm đầu, tổ chức mang biệt hiệu ZII .

Xét tính chất và mức độ nguy hiểm, Công an tỉnh Thuận Hải đã xác lập chuyên án lấy bí số D.379 do đồng chí Năm Lương, Phó Ty Công an Thuận Hải làm Trưởng ban chuyên án quyết định bắt một số tên cầm đầu, gồm Nguyễn Minh Thi, Đặng Cốc, Trương Văn Thới, Nguyễn Chánh, Vi Quốc Hùng để đấu tranh làm rõ.

Qua công tác điều tra xét hỏi, Nguyễn Minh Thi đã cúi đầu nhận tội "Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt" do một số tên trong các đảng phái phản động, chủ yếu là đảng Duy Dân kết hợp với một số văn nghệ sĩ trí thức cũ với bản chất chống đối cách mạng, nên sau khi giải phóng miền Nam không lâu thì chúng thành lập ra tổ chức này. Âm mưu của chúng là sáp nhập với Mặt trận Fulro, thành lập chính phủ lưu vong và tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền cách mạng. Các tên cầm đầu tổ chức gồm Nguyễn Sanh Thạch, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Đức Khôi. Chúng đã phát triển tổ chức sâu rộng trên nhiều địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Phú Khánh (cũ), Lâm Đồng, Thuận Hải (cũ). Riêng tỉnh Thuận Hải sau khi được Nguyễn Sanh Thạch móc nối, Nguyễn Minh Thi được giữ chức vụ Phó Chủ tịch Uỷ ban trung ương "Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt" phụ trách khu vực phía Bắc tỉnh, cùng tên Đặng Cốc được giao giữ chức Chủ tịch uỷ ban "Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt", chúng đã phát triển được 22 tên vào tổ chức.

Sau khi phối hợp với Công an các tỉnh bạn, ta đã đồng loạt bắt giữ, bóp chết tổ chức "Mặt trận kháng cộng phục hưng nhân dân Việt" khi chúng vừa nhen nhóm hình thành tổ chức.

Tháng 7-1978 đến 6-1979: Điều tra khám phá tổ chức “Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc” do tên Hoàng Ngọc Hạnh cầm đầu.

Qua nguồn tin của quần chúng nhân dân được biết tại nhà Nguyễn Hàng trú tại thôn Gò Sạn, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải (nay thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) thường xuyên chứa chấp người lạ mặt và có nhiều biểu hiện nghi vấn. Qua thẩm tra xác minh, ta khẳng định nguồn tin trên là đúng. Tối ngày 26-7-1978, cơ quan Công an tiến hành kiểm tra hộ khẩu nhà Nguyễn Hàng, phát hiện một người đàn ông lạ mặt cư trú trái phép. Lợi dụng sơ hở của ta kẻ lạ mặt kia đã bỏ trốn. Kiểm tra hành lý của y, lực lượng Công an phát hiện nhiều tài liệu phản cách mạng bao gồm 17 quyết định thành lập tổ chức "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc", 22 "Lời kêu gọi", 4 con dấu mang tên "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc", 1 lá cờ Ba que (cờ của chế độ ngụy)...

Căn cứ tài liệu đã thu được, Ty Công an Thuận Hải ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp các tên: Nguyễn Hàng, Nguyễn Thanh Nước, Đỗ Bá, Trần Diêm đều trú tại thôn Gò Sạn.

Quá trình đấu tranh xét hỏi chúng đã khai nhận, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tên Hoàng Ngọc Hạnh trú tại thôn Mỹ Thành, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định (cũ) đã chạy vào cư trú bất hợp pháp tại thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải để trốn trình diện học tập, cải tạo (trước giải phóng y làm Phó quận hành chánh Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên). Với bản chất chống phá cách mạng, tại đây Hạnh đã tập hợp lực lượng thành lập tổ chức "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc" bao gồm các đối tượng là nguỵ quân, nguỵ quyền một số tên phản động như Trần Quang Sanh, Nguyễn Ra, Nguyễn Liệu, Huỳnh Ngợi, Nguyễn Hiếu… Nhưng trong thời gian này, lực lượng Công an Thuận Hải đã liên tục bóc gỡ nhiều tổ chức nhen nhóm hoạt động chống phá cách mạng đã làm cho Hoàng Ngọc Hạnh sợ hãi, buộc y dẫn theo vợ con bỏ trốn vào Sông Luỹ, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Thuận Hải (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) và cư trú bất hợp pháp tại nhà tên Huỳnh Ẩm. Tại đây, tên Hạnh tiếp tục móc nối Trần Văn Chính, Nguyễn Xuân Lê cùng một số tên khác vào "Mặt trận phục quốc" liên tỉnh do hắn lập ra. Đồng thời, để che giấu tung tích Hạnh đã đổi tên thành Huỳnh Văn Tiết (tức Sáu Bình) để hoạt động. Theo chỉ đạo của Hạnh, đồng bọn đã lập kế hoạch chi tiết để tiến hành các hoạt động vũ trang, gây bạo loạn nhưng chưa kip thực hiện đã bị bắt giữ.

Tháng 1-1977, sau khi kế hoạch bị bại lộ, đồng bọn bị bắt giữ, Hạnh lại cùng gia đình bỏ trốn về thôn Bình Sơn, xã Văn Hải, huyện Ninh Hải (nay thuộc Tp. Phan Rang-Tháp chàm) nhờ Trần Kháng (là bạn với con trai của Hạnh) cam kết với chính quyền địa phương để xin cho Hạnh tạm trú. Sau đó y làm thủ tục xin đăng ký nhập khẩu lấy tên là Nguyễn Công Minh (còn gọi là Thầy Tư) và tiếp tục nhen nhóm tổ chức "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc". Tại thôn Bình Sơn, Hạnh đã nhiều lần gặp các tên Trần Khá, Cao Tứ, Ngô Khoán, Tống Dậu, Thái Hân, Nguyễn Chính, Đỗ Tấn để tuyên truyền phản Cách mạng và lôi kéo đồng bọn tham gia tổ chức. Mỗi lần gặp đồng bọn Hạnh lại lợi dụng những khó khăn của ta sau ngày giải phóng để kích động và y còn dựng lên chuyện các tướng lĩnh nguỵ quân, nguỵ quyền trước đây đã thành lập một chính phủ lưu vong ở hải ngoại... Lực lượng này đã phát triển ở khắp các tỉnh miền Nam, có quân đội trên rừng chờ lệnh tấn công để lật đổ chính quyền Cách mạng. Hạnh cho biết y được giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy hành chính các cấp tại địa phương, tạo chân rết để chờ lực lượng quân đội của chúng phối hợp cướp chính quyền.

Mang bản chất chống cộng sau nhiều năm làm tay sai cho địch, bọn Trần Khá, Cao Tứ, Ngô Khoán, Nguyễn Chính, Đỗ Tấn, Tổng Diệu, Thái Mân đều trú tại thôn Bình Sơn đã viết lý lịch tình nguyện tham gia ra tổ chức của Hạnh. Sau đó tên Hạnh giao nhiệm vụ cho từng tên phải móc nối, lôi kéo thêm người vào tổ chức và quyên góp tiền gây quỹ cho tổ chức hoạt động. Đến tháng 2-1977, Hoàng Ngọc Hạnh đã lôi kéo được Đỗ Bá (là uỷ viên hội đồng giáo xứ thôn Hộ Diêm) tại khu vực Cầu Ngoài, thôn Tân Hội vào tổ chức, đồng thời giao cho Bá nhiệm vụ móc nối người ở thôn Hộ Diêm vào tổ chức.

Trong lúc Hoàng Ngọc Hạnh và đồng bọn ráo riết hoạt động thì bị quần chúng nhân dân phát hiện báo cáo với chính quyền cách mạng. Tối ngày 26-7-1979, Cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ 17 tên, thu hồi nhiều tài liệu phản động gồm danh sách tổ chức phản động, 40 tờ truyền đơn phản cách mạng, 5 con dấu mang tên "Mặt trận phục quốc cứu nguy dân tộc", lời hiệu triệu... Kế hoạch thành lập tổ chức phản cách mạng do tên Hoàng Ngọc Hạnh cầm đầu đã bị ta phá vỡ.

Tháng 6-1985: Khám phá tổ chức phản động “Quân đội cộng hoà”.

Đêm 30 rạng ngày mùng 1 tết năm Ất Sửu, một số quần chúng nhân dân trên địa bàn thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (nay là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) và huyện Ninh Sơn đã nhặt được nhiều tờ truyền đơn có nội dung phản cách mạng của tổ chức phản động mang tên "Chính phủ lâm thời cộng hoà phục quốc Việt Nam". Nội dung vụ việc được báo cáo về Ban Giám đốc Công an tỉnh Thuận Hải (cũ).

Đồng chí Trần Cư, Phó Giám đốc cùng một số cán bộ các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh gấp rút lên đường đi Phan Rang làm việc với Công an thị xã Phan Rang-Tháp Chàm và Công an Ninh Sơn để tiến hành điều tra làm rõ. Tại cuộc họp ngày 22-01-1985 do đồng chí Trần Cư chủ trì đã sơ bộ đánh giá:

- Đây là một vụ án tờ rơi có nội dung chống đối Chính quyền Cách mạng.

- Đối tượng phải nằm trong 1 tổ chức, có trình độ hiểu biết rộng, có thể là số sỹ quan trong chế độ cũ hoặc bọn phản động trong các tôn giáo.

- Truyền đơn có thể in ấn tại địa phương, có thể in ấn từ nơi khác, song người rải truyền đơn phải là người am hiểu địa bàn.

Trong thời gian đó, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã thông báo trên các địa phương gồm Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Phú Khánh, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cũng đã xuất hiện các truyền đơn có nội dung phản động như trên. Trước tình hình phức tạp, lãnh đạo Công an tỉnh quyết định thành lập ban chuyên án lấy bí số là Q.485 do đồng chí Trần Cư, Phó Giám đốc, Trưởng Ban chỉ huy An ninh nhân dân làm Trưởng ban; Đ/c Lê Văn Thênh, Trưởng phòng Chống phản động làm Phó Trưởng ban và các thành viên gồm: Phạm Ngọc Lai, Nguyễn Đức Phốn, Huỳnh Thế Kỳ, Ngô Văn Hiệp.

Để thực hiện tốt kế hoạch đấu tranh, Ban chuyên án đã sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ đấu tranh làm rõ. Được biết, vụ rải truyền đơn là hoạt động của tổ chức "Cộng hoà phục quốc Việt Nam" hay còn gọi "Bộ tư lệnh nội biên" do Trương Văn Lân cầm đầu. Chúng hoạt động từ năm 1976 đến năm 1982 bị Công an Phú Khánh bắt xử lý. Bọn Trương Văn Lân, Đoàn Văn Nay, Nguyễn Thành Cứu chạy trốn vào Đồng Nai rồi tiếp tục móc nối tổ chức hoạt động phản cách mạng ở nhiều địa phương từ

TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai đến Lâm Đồng,Thuận Hải, Phú Khánh và một số nơi khác.

Ở Thuận Hải (cũ) chúng hình thành 3 khung Trung đoàn. Riêng ở Ninh Thuận chúng hình thành khung Trung đoàn E.226 do Lê Văn Chư, Nguyễn Duy Khanh chỉ huy. Chúng đã nhận nhiều tài liệu của tổ chức rãi ở nhiều nơi nhằm tuyên truyền kích động chuẩn bị thời cơ có quân đội đánh vào sẽ phối hợp lật đổ Chính quyền Cách mạng.

Ngày 20-06-1985, Công an tỉnh Thuận Hải (cũ) đã phối hợp cùng Công an các tỉnh triển khai lực lượng tiến hành khám phá vụ án " Quân đội cộng hoà phục quốc Việt nam" hay "Bộ tư lệnh nội biên" trong tổ chức "Chính phủ lâm thời cộng hoà phục quốc Việt Nam". Ta bắt giữ Lê Văn Chư, Nguyễn Duy Khanh cầm đầu Trung đoàn E.226 và đồng bọn, đồng thời thu nhiều tài liệu phản động.

Các tên cầm đầu: Đoàn Vàng bị xử tử hình, Trương Văn Lân tù chung thân, Lê Văn Chư - trung đoàn trưởng trung đoàn 226 tại Ninh Thuận bị xử 20 năm tù giam, bọn còn lại đều bị hình phạt tù hoặc tập trung cải tạo.

Tháng 4-1990: Đấu tranh chống Chuyên án H.490.

Cuối năm 1989 đầu năm 1990, lợi dụng tình hình Đông Âu biến động, đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch tiến hành phản kích điên cuồng vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ra sức tập hợp bọn phản động người Việt lưu vong móc nối bọn phản động tại chỗ hình thành tổ chức, phối hợp hoạt động trong ngoài để lật đổ chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó một số tên nguỵ quân, nguỵ quyền không chịu cải tạo ráo riết móc nối, dựng lại tổ chức "Cộng hoà phục quốc" ở một số tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Ở phía Bắc tỉnh Thuận Hải (nay là Ninh Thuận), bọn ngụy quân, ngụy quyền, phản động đã móc nối, gây dựng được một khung trung đoàn gồm 20 tên lấy tên là Trung đoàn 227, do tên Nguyễn Văn Xuân (được phong trung tá) làm Trung đoàn trưởng. Với âm mưu xúc tiến phát triển lực lượng chính trị vũ trang dưới hình thức "quân bị tại gia", khi có thời cơ nổi dậy chúng sẽ đưa khung trung đoàn với các cán bộ tiểu đoàn, cán bộ của các ban sẽ tập hợp lực lượng thành lập nhiều tiểu đoàn nổi dậy cướp chính quyền và cố giữ vững 72 tiếng đồng hồ để cầu cứu lực lượng bên ngoài can thiệp nhằm lật đổ chế độ XHCN như kịch bản ở một số nước Đông Âu. Bọn chúng đã xây dựng chính cương, điều lệ, có cờ, có dấu, lời hiệu triệu và di chuyển mật khu về Cà Đú để liên kết với bọn phản động ở Lâm Đồng, Khánh Hòa ... Đồng thời, Nguyễn Văn Xuân đã chủ động gặp gỡ các tên Mai Xuân Khách (phụ trách địa bàn Nha Trang); Đoàn Cư, Đoàn Kết (phụ trách tỉnh Lâm Đồng) để bàn bạc kế hoạch, đưa đồng bọn về hoạt động chống phá Cách mạng.

Tuy nhiên, những hoạt động lén lút và mọi âm mưu, ý đồ của chúng đều được trinh sát báo cáo đầy đủ về Ban Giám đốc Công an tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Tháng 4-1990, Ban Giám đốc Công an tỉnh quyết định xác lập chuyên án lấy tên H.490 do đồng chí Trần Hồng Trinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm trưởng ban. Ngày 11-4-1990, Ban chuyên án quyết định phá án, bắt giữ tên cầm đầu trung tá Nguyễn Văn Xuân - trung đoàn trưởng 227. Sau khi đấu tranh khai thác tên Xuân, kết hợp với công tác trinh sát, ngày 20-4-1990, ta tiếp tục bắt giữ các tên: Vũ Bá Anh (tức Tèo - Trưởng ban 5), tên Nguyễn Hiển (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1).

Đến ngày 29-4-1990, các tên còn lại trong tổ chức phản động "Quân đội cộng hoà phục quốc nội biên Việt Nam" đã lần lượt bị bắt giữ cùng tang vật gồm: 40 tờ chứng chỉ tại ngũ, 18 tờ quyết nghị bổ nhiệm, 1 tờ nghị định thăng cấp, 1 tờ thông báo hiệu triệu kêu gọi đồng bào giúp đỡ khi lực lượng của chúng tiếp quản, con dấu của Trung đoàn E-227, vải để may cờ....

Với tinh thần cảnh giác cao của quần chúng nhân dân, sự nhanh nhạy của lực lượng trinh sát, sự đấu tranh quyết liệt kịp thời của Ban chuyên án, tổ chức phản động "Quân đội cộng hoà phục quốc nội biên Việt Nam" đã bị đập tan khi vừa nhen nhóm. Bọn chúng đã phải nhận những bản án thích đáng: Nguyễn Văn xuân bị xử án tù chung thân, còn lại 150 năm tù dành 18 đối tượng khác trong đó cao nhất Võ Bá Anh- thiếu tá tham mưu trưởng 20 năm tù và thấp nhất là Nguyễn Ánh 30 tháng án treo.