Ngành Công Thương: Các giải pháp hoàn thành kế hoạch năm 2014

(NTO) Nhờ làm tốt công tác quản lý Nhà nước và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nên kết thúc 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp(CN), thương mại (TM) trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 1.348 tỷ đồng, tăng 37,39% so với cùng kỳ và đạt 60,21% kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng cao nhất là nhóm CN chế biến với 53,39%. Các nhóm sản phẩm tiếp tục duy trì tăng trưởng, đó là: Xi măng tăng 56,82%; đường RS tăng 40,27%; tôm đông lạnh tăng 32,89%, muối các loại tăng 42,51%, muối chế biến tăng 15,57%; đá granite tăng 26,29%; nước ghi thu tăng 11,84%; điện thương phẩm tăng 12,03%; khăn bông các loại tăng 3,2 lần; tinh bột mì tăng 2 lần; nhân hạt điều tăng 3,42%... Đặc biệt, các sản phẩm đầu tư mới như Bia đóng lon, khăn bông đã phát huy công suất tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành rất lớn.

Một góc Nhà máy thủy điện Hạ Sông Pha 1. Ảnh: Văn Miên

Riêng các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực tiểu thủ CN và làng nghề dù chỉ chiếm tỷ trọng 22%, tập trung chủ yếu như: Dệt thổ cẩm, gốm nung, thêu ren, vang nho, hàng mỹ nghệ từ tranh gỗ ghép…, nhưng vẫn đóng góp vào nguồn thu của ngành không nhỏ, với tổng giá trị sản xuất đạt 310 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ. Qua đó, góp phần đưa chỉ số sản xuất CN (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 35,67% so với cùng kỳ năm 2013.

Về lĩnh vực TM, nhìn chung có nhiều chuyển biến đáng kể. So với tháng 12-2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,69%. Chương trình ”Đưa hàng Việt về nông thôn” và cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các DN hưởng ứng tích cực. Trong 6 tháng ngành Công Thương đã phối hợp với 4 DN tham gia Chương trình bình ổn giá, tổ chức 54 chuyến bán hàng lưu động tại 30 xã của 6 huyện trên địa bàn tỉnh với doanh số trung bình khoảng 30 triệu đồng/chuyến. Tổ chức 2 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại 2 huyện Ninh Phước và Ninh Hải thu hút hơn 30.000 lượt người tham quan, mua sắm với doanh số đạt gần 1,6 tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch trong 6 tháng đạt trên 5.941 tỷ đồng, tăng 14,63% so cùng kỳ và đạt 46,78% kế hoạch. Công tác quản lý Nhà nước về điện năng, đầu tư dự án, quy hoạch, kế hoạch..., đã được ngành Công Thương triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh phát triển sản xuất. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục được tăng cường. Hoạt động khuyến công được đầu tư thực hiện tốt.

Công nhân kỹ thuật Công ty CP Bia Sài Gòn - Ninh Thuận kiểm tra sản phẩm trên dây chuyền sản xuất.
Ảnh: Duy Anh

Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng đánh giá một cách khách quan cho thấy, đóng góp của ngành CN và TM cho kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm không cao. Vẫn còn có rất nhiều sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Phân hữu cơ giảm 34%; may gia công giảm 1,25%, đá xây dựng giảm 15,16%; thuốc lá điếu giảm 12,43%; nước yến giảm 19,75% và điện sản xuất giảm 2,78%. Đối với hoạt động xuất khẩu, do chịu sự ảnh hưởng khó khăn chung, nên trong 6 tháng kim ngạch xuất khẩu tỉnh ta chỉ đạt con số 20,77 triệu USD, giảm 22% so cùng kỳ và bằng 30% so kế hoạch. Theo phân tích của ngành chủ quản, nhân tố tác động làm giảm giá trị sản xuất và mức tăng trưởng chung của ngành CN nội tỉnh là do một số sản phẩm hoạt động theo vụ mùa đã ngừng sản xuất. Mặt khác, các DN xuất khẩu của tỉnh đang chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài như giá nguyên liệu đầu vào biến động, thị trường tiêu thụ khó khăn. Một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, mới như đá granite, sản phẩm từ gỗ, khăn bông, thủ công mỹ nghệ,... tham gia không đáng kể, chưa thường xuyên và chưa phát huy được nội lực tương ứng do chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Từ những thuận lợi và khó khăn nêu trên, ngành Công Thương xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, áp lực tăng tốc để đạt chỉ số tăng trưởng của ngành trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Do vậy, giải pháp thiết thực trong việc cụ thể hóa định hướng chỉ đạo chung của UBND tỉnh đó là ngành sẽ chủ động nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình hoạt động các DN để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài nước, giúp cho DN nội tỉnh chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành sẽ vận động các DN phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển đối với các dự án thuộc lĩnh vực CN chế biến, điện gió và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án như: Trung tâm thương mại Maximark Phan Rang của Công ty Cổ phần đầu tư An Phong; Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận; Nhà máy chế biến rong sụn của Công ty Cổ phần rau câu Sơn Hải..., để tạo thêm sản phẩm mới và tăng thêm năng lực sản xuất cho ngành.

Phấn đấu đến cuối năm đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 2.650 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 22% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 16% và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 70 triệu USD theo kế hoạch đề ra.