Gợi ý giải đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015

(NTO) Báo điện tử Ninh Thuận giới thiệu gợi ý giải bài môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2014- 2015, bài viết do thầy giáo Lưu Công Lương, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện.

KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 24 tháng 06 năm 2014 tại Ninh Thuận
Môn thi : NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian phát đề)

ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (2,0 điểm):

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:

- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất (…). Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy cháu tự nói với cháu thế đấy(…)”

(Trích “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập 1, Nxb GDVN, 2013)

a) Đoạn văn trên là lời thoại của anh thanh niên đối với nhân vật nào trong trích đoạn truyện ngắn“Lặng lẽ Sa Pa” mà em đã được học? (1,0 điểm)

b) Hãy chỉ ra từ xưng hô giữa anh thanh niên với nhân vật ấy. (1,0 điểm)

Câu 2 (3,0 điểm):

Trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh những người lính đang canh giữ biển đảo quê hương; những cán bộ, chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam ngày đêm trên biển Đông làm nhiệm vụ đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 trái phép ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta trong những ngày gần đây.

(Viết đoạn văn ngắn)

Câu 3 (5,0 điểm):

Cảm nhận của em về ước nguyện của tác giả trong hai khổ thơ sau:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

(Trích “Mùa Xuân nhỏ nhỏ”, Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, Nxb GDVN, 2013)

---Hết---

BÀI GIẢI GỢI Ý

(Tham khảo)

Câu 1 (2,0 điểm):

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:

- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất (…). Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy cháu tự nói với cháu thế đấy(…)”

(Trích “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập 1, Nxb GDVN, 2013)

a) Đoạn văn trên là lời thoại của anh thanh niên đối với nhân vật bác họa sỹ trong trích đoạn truyện ngắn“Lặng lẽ Sa Pa” mà em đã được học (1,0 điểm).

b) Từ xưng hô giữa anh thanh niên với bác họa sỹ: cháu (1,0 điểm).

Câu 2 (3,0 điểm):

Trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh những người lính đang canh giữ biển đảo quê hương; những cán bộ, chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam ngày đêm trên biển Đông làm nhiệm vụ đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 trái phép ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta trong những ngày gần đây.

(Viết đoạn văn ngắn)

a. Yêu cầu về kĩ năng

- Viết một đoạn văn nghị luận xã hội chặt chẽ, hợp lí.

- Không mắc lỗi diễn đạt về chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể viết theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Cần đảm bảo được các nội dung sau đây:

- Nêu được vấn đề nghị luận: hình ảnh những người lính đang canh giữ biển đảo quê hương; những cán bộ, chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam ngày đêm trên biển Đông làm nhiệm vụ đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 trái phép ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta trong những ngày gần đây.

- Thể hiện suy nghĩ của bản thân: Bất bình, căm giận trước hành động ngang nhiên, trái phép của Trung Quốc; Đau đớn vì chủ quyền lãnh thổ đất nước đang bị xâm phạm trắng trợn; Trân trọng cảm phục trước tinh thần quả cảm xung trận của những người lính, những cán bộ, chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ; Hãy là những học sinh yêu nước, bằng trái tim nóng và lí trí tỉnh táo để góp phần giành lại chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu; Sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ biển đảo khi Tổ quốc kêu gọi…

Câu 3 (5,0 điểm):

Cảm nhận của em về ước nguyện của tác giả trong hai khổ thơ sau:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

(Trích “Mùa Xuân nhỏ nhỏ”, Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập 2, Nxb GDVN, 2013)

a. Yêu cầu về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc - hiểu để phát biểu cảm nhận về đoạn thơ trữ tình. Kết cấu chặt chẽ, hành văn trôi chảy, lưu loát; không mắc lỗi dùng từ, ngữ pháp, chính tả…

b.Yêu cầu về kiến thức:

Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa Xuân nhỏ nhỏ, những đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, học sinh cần làm rõ các nội dung sau:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: ước nguyện của tác giả Thanh Hải trong đoạn thơ Mùa Xuân nhỏ nhỏ:

- Về nội dung:

+ Trước mùa xuân của đất trời, nhà thơ dù đang nằm trên giường bệnh nhưng đã có những rung động sâu sắc và ước nguyện chân thành nhưng rất đáng trân trọng: muốn làm con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm. Đó là “mùa xuân nho nhỏ” của đời mình mà nhà thơ muốn dâng hiến cho đời, cho đất nước.

+ Mùa xuân còn có ý nghĩa biểu tượng cho những gì tươi đẹp nhất của sự sống và cuộc đời mỗi người. Mùa xuân nho nhỏ mà nhà thơ muốn dâng hiến đã góp phần làm nên mùa xuân của cuộc đời, của đất nước.

+ Sự cống hiến ấy lặng thầm nhưng bền bỉ: Dù là tuổi hai mươi - Dù là khi tóc bạc.

+ Tác giả bộc lộ quan niệm của mình về sự hòa nhập giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng…

- Nghệ thuật:

+ Thể thơ năm chữ phù hợp với cảm xúc thiết tha, âm hưởng nhẹ nhàng sâu lắng như làn điệu dân ca xứ Huế.

+ Hình ảnh thơ đẹp giàu ý nghĩa biểu trưng: con chim, cành hoa, mùa xuân nho nhỏ …

+ Điệp từ “ta làm” “dù là” diễn tả khát vọng chân thành của nhà thơ; lời thơ như ngân lên thành lời ca trong sáng.

- Khái quát và khẳng định lại vấn đề .