Lễ cúng Po Riyak của người Chăm và tục thờ cá ông của cư dân ven biển miền Trung

(NTO) Tín ngưỡng đa thần là một nét đặc trưng của người Chăm, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian bản địa và tiếp thu văn hóa Ấn Độ. Đối với họ, thần linh hiển hiện, ngự trị khắp nơi: đất, trời, sông, núi, nhà cửa, đất đai… đều có những vị thần trông coi, đảm trách với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể gắn liền. Vì vậy, họ cũng có vị thần Biển ngự trị và trông coi đại dương mà người Chăm thường gọi là thần Po Riyak.

Theo truyền tuyết, Po Riyak thuở sinh thời nuôi chí lớn nên tầm sư học đạo ở nước ngoài nhằm sau này trở về nước cứu nhân độ thế. Tuy nhiên, do nặng lòng với quê hương, ông muốn hồi hương sớm hơn dự định. Nhưng ý định này không được thầy ông chấp nhận.

Chức sắc Ka-ing múa trong lễ cúng Po Riyak. Ảnh: Phạm Văn Thành

Do đó, ông đã cùng đoàn tùy tùng của mình đang đêm giương buồm ra khơi trốn về cố hương. Thầy ông đã nổi giận lôi đình vì việc này nên đã nguyền rủa ông giữa đại dương cho bị cá nuốt. Po Riyak hiển linh được người Chăm tôn thành thần và thờ phụng ở hầu hết các làng Chăm Ninh Thuận. Người ta còn gọi Ngài là thần Sóng biển. Trước đây có miếu thờ Ngài ở bãi biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam nhưng nay không còn nữa, đã đổ nát vì sóng gió nhưng lễ tế hàng năm vẫn diễn ra. Lễ tế được tổ chức vào đầu năm lịch Chăm (khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch). Hàng năm, đồng bào Chăm không phân biệt Bà la môn hay Bà ni đều sắm sửa lễ vật về đây cúng tế rất đông. Lễ cúng Po Riyak được tổ chức theo nghi thức Rija Harei do các vị Mâduen, Ka-ing và ban nhạc lễ thực hiện.

Người Chăm là cư dân sống ven biển, đã từng gắn bó với biển. Văn hóa biển của họ vẫn còn thể hiện khá đậm nét trong các nghi lễ qua lễ vật, các nghi thức cúng tế… Ngày nay họ không còn nghề làm biển hay thương buôn trên biển như xưa nhưng niềm tin về vị thần Biển của họ vẫn sâu sắc như đối với các vị thần khác có tính ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thần sông nước chẳng hạn. Sông, suối, biển khơi đều rất quan trọng trong đời sống của người Chăm vốn là cư dân nông nghiệp lúa nước. Họ có nhiều nghi thức cúng tế ở cửa sông, cửa biển, nguồn nước… vẫn còn gìn giữ và duy trì cho đến ngày nay. Niềm tin về sự linh hiển của các vị thần thể hiện sự cầu mong được chở che, phù hộ tai qua nạn khỏi để được bình yên trong cuộc sống, thuận lợi trong công cuộc làm ăn kiếm kế sinh nhai.

Quang cảnh lễ cúng Po Riyak. Ảnh:  Phạm Văn Thành

Các nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ thần Sóng biển của người Chăm chính là nguồn gốc của tục thờ cá Ông (cá Voi) của cư dân người Việt sống dọc ven biển miền Trung Việt nam còn được gọi là Ông Nam Hải. Các làng chài miền Trung hầu như đều có lăng thờ thần Nam Hải và có tục cúng nghinh Ông hàng năm hoặc 3 năm một lần cùng những tục khác liên quan. Họ cho rằng thần Nam Hải hiện thân cá Voi để cứu nhân độ thế, cứu giúp ngư dân trên biển khi có sóng to gió lớn, vượt qua tai nạn. Tương truyền rằng Ngài rất hiển linh và đó là niềm tin giúp họ vững tâm khi phải ngày đêm trực tiếp nơi đầu sóng ngọn gió. Lễ cúng Nghinh Ông còn được gọi là Lễ hội Cầu Ngư nhằm mục đích cầu xin Ông phù hộ mùa màng đánh bắt bội thu, ngư dân no đủ ngoài việc cúng tạ, ca ngợi công ơn Ông đã cứu người, cứu thuyền. Khi đi biển đánh bắt cá nếu gặp được cá Ông thì người dân rất vui mừng, tin rằng đã gặp vận may. Khi nào gặp cá ông “lụy” dân làng tổ chức đưa Ông lên bờ, làm lễ an táng trang trọng như đối với người, sau đó bộ xương được đưa vào lăng thờ. Vì vậy, trong lăng có thể thờ rất nhiều bộ xương Ngài. Người phát hiện Ông “lụy” đầu tiên được coi là “trưởng nam”, thay mặt dân làng bịt khăn đỏ, chịu tang 100 ngày.

Thần Nam Hải còn có nhiều tước hiệu, tên gọi khác nhau nhưng cũng chỉ nhằm nói đến một vị thần của biển cả. Ở Ninh Thuận, ngoài việc thờ Ông qua hình hài cá Voi thì còn thờ cả cá Heo. Và người ta luôn tin rằng cho dù Ông còn sống hay đã “lụy” thì đều hiển linh như nhau và luôn phù hộ những người đi biển như họ, cứu giúp họ khi gặp nạn.