Di tích lăng Nam Hải: Dấu ấn của văn hóa sông nước, biển đảo

(NTO) Trải qua hàng nghìn năm, sông nước, biển đảo với người dân Việt Nam nói chung và người dân tỉnh ta nói riêng đã ăn sâu vào môi trường sống, vào phong tục, tập quán để từ đó hình thành nên một nét văn hóa riêng biệt- Văn hóa biển đảo. Di tích lăng Nam Hải ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải là một minh chứng cho nét văn hóa độc đáo này.

Mỹ Tân xưa kia có tên gọi là “Xóm Lù” nằm trong địa danh thôn Mỹ Tường, ở rải rác dọc theo bờ biển về phía Đông huyện Ninh Hải với 80% dân số làm nghề biển, 15% trồng hành tỏi, còn lại là làm nghề khác. Trước năm 1812, tức khoảng hơn 200 năm trở về trước, dân chính gốc địa phương hầu hết là người Mỹ Tường di dân ra gần bờ biển vài ba mươi bộ, làm nghề chài tay lưới bén gần bờ kiếm kế sinh nhai.

Múa Náp - nét đẹp văn hóa cư dân làng biển Mỹ Tân. Ảnh: Sơn Ngọc

Gia phả viết bằng chữ Hán được thờ trong lăng Nam Hải có ghi rõ rằng, người dân ở đây đã biết thờ cúng thần Nam Hải (Ông- Cá voi) đầu tiên vào ngày mùng 10 tháng 2 năm Nhâm Thân (1812); cùng với sự truyền miệng của ông cha từ đời này sang đời khác nên nhiều người quyết đoán rằng nguồn gốc xây dựng lăng Nam Hải phải trước năm 1812 một vài năm.

Theo nhiều bản ghi chép cổ từ xa xưa để lại, ngày mùng 10 tháng 2 năm Nhâm Thân, một cơn bão lớn ập vào tỉnh ta, trong đó có khu vực Mỹ Tân- nơi chịu nhiều sóng to gió lớn. Qua vài tiếng đồng hồ trong cơn bão, các ghe xuồng neo đậu ven bờ và một số dụng cụ hành nghề đều bị sóng lớn cuốn chìm trôi mất, số còn lại bị hư nát, nhưng người dân vùng này, “kẻ lộng, người khơi” đều được bình an, khỏe mạnh. Khi dứt cơn bão, dân làng tìm lại của cải vật chất của mình dọc bờ biển thì phát hiện được một Ông Nam Hải (Cá Voi) dài 8 mét đâm vào bờ cửa trường (nay là mặt phía Đông thôn Mỹ Tân) vẫn còn thoi thóp thở. Bà con cùng nhau bợ khiêng đưa ra biển, nhưng đi vài ba mươi mét lại thấy Ông Nam Hải trở quay vào bờ. Vì quá to nên dân làng phải đóng cọc, buộc dây để ngoài biển, chờ 24 tháng mới lấy từng bộ phận cốt xương đem vào đất liền chôn cất và lập miếu thờ phụng.

Dân làng hội bàn đánh giá trận bão đã gây nhiều thiệt hại về tải sản, nhưng rất nhiều bà con đi làm trên mặt biển đều được bình an vô sự trở về, có người còn trôi nổi trên biển vài ngày nhưng cuối cùng vẫn sống sót về bờ. Người dân tin nhờ có sự linh thiêng của Ông Nam Hải che chở. Để tỏ lòng thành kính, nhân dân “Xóm Lù” Tổng Mỹ Tường đã lập ra lăng để thờ phụng, cúng kính hàng năm. Lăng này được coi là lăng chính.

Đến ngày 29 tháng 3 năm Nhâm Thân (1932), lại có một cơn bão lớn ập vào đất liền tỉnh ta, ghe thuyền hành nghề ngoài khơi, trong lộng đều bị sóng đập chìm và gió cuốn trôi rất nhiều tài sản, nhưng thiệt hại về con người là không có. Trong cơn bão này có 5 Ông và 1 Cô Nam Hải cũng vào đúng nơi đây “tử”. Dân làng tiếp tục xây cất thêm một ngôi lăng nữa gọi là “Lăng Ông nhỏ” để thờ cúng.

Từ khi được xây dựng, lăng chính đã trải qua nhiều lần tu sửa. Tới năm 1995, dân làng xét thấy lăng cũ quá, sụp đổ, dột nát, không có chỗ thờ cúng nên bà con đồng tình chuyển cốt ông về “Lăng Ông nhỏ”, xây nối dài phía sau để tiện việc cúng kính, thờ phụng. Di tích này được nhân dân Mỹ Tân nguyện giữ gìn, sửa sang và tôn thờ nối tiếp từ đời này sang đời sau. Cứ 3 năm một lần, từ ngày 10-14 tháng 3 âm lịch, tại thôn Mỹ Tân lại diễn ra lễ hội Nghinh Ông (lễ cúng Ông- cá voi, hay được ngư dân miền biển phong là Đại tướng quân Nam Hải) và múa Náp để tưởng nhớ công ơn của loài cá voi đã giúp đỡ ngư dân đi biển vượt qua bão tố, thu hút đông đảo du khách thập phương về dự lễ..

Dọc theo bờ biển huyện Ninh Hải, Thuận Nam, nhiều làng chài lưới ven biển có nghề chế biến thủy hải sản, diêm dân với nghề làm muối từ lâu đời. Sông nước, biển đảo không chỉ tác động tới sinh hoạt văn hóa vật chất mà còn là nét văn hóa tinh thần của cư dân. Lăng Nam Hải ở làng ven biển Mỹ Tân cũng chỉ là 1 trong số 9 lăng ở 8 xã có lăng thờ cá Ông trong tỉnh. Yếu tố sông nước, biển đảo đã trở thành một phần thiêng liêng, không thể tách rời của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam chúng ta.