Luật Hộ tịch ra đời: Sẽ loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ?

Sáng 24/4, tiếp tục Phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch. Dự án Luật Hộ tịch được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở nước ta theo hướng từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, bảo đảm một cách thuận lợi cho việc thực hiện quyền đăng ký hộ tịch của người dân.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh Nguyễn Kim Khoa phát biểu tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Chưa gộp hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao một ngành quản lý

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, hộ tịch và hộ khẩu là hai khái niệm đều liên quan đến vấn đề quản lý con người. Hộ tịch liên quan đến những sự kiện phát sinh hàng ngày gắn với nhân thân con người (như: Sinh, tử, kết hôn...), đòi hỏi Nhà nước phải quản lý thông qua đăng ký, từ đó làm phát sinh quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân. Giữa hộ tịch và hộ khẩu có mối quan hệ tác động lẫn nhau, trong đó, hộ tịch là tiền đề cho công tác hộ khẩu. Trong các giấy tờ hộ tịch, Giấy khai sinh là quan trọng nhất để xác định thông tin cơ bản về nhân thân của cá nhân; là căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch, là cơ sở đăng ký hộ khẩu. Hộ khẩu gắn với yêu cầu quản lý công dân theo nơi cư trú trên từng địa bàn nhất định.

Xuất phát từ sự khác nhau về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý, mục đích quản lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau của các bộ, ngành nên công tác quản lý hộ tịch và quản lý hộ khẩu hiện vẫn do hai ngành Tư pháp và Công an thực hiện. Chính phủ thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, chưa nên gộp hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao một ngành quản lý...

Do đó trước mắt, để bảo đảm ổn định công tác quản lý đối với hai lĩnh vực này, tránh xáo trộn, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bộ, ngành đối với lĩnh vực quản lý, Chính phủ đề nghị không mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và vẫn giao cho hai bộ, ngành quản lý như hiện nay, nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm liên thông và chia sẻ thông tin công dân một cách kịp thời như Đề án 896 đã xác định.

Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án Luật và nhiều ý kiến phát biểu tại Phiên họp bày tỏ tán thành về việc trong phạm vi điều chỉnh có nói đến mối liên quan giữa hộ tịch, hộ khẩu; đồng thời cho rằng, dự án Luật không mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nội dung hộ tịch bao gồm các vấn đề khai sinh, kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thay đổi hộ tịch, xác định lại dân tộc... của dự thảo Luật có nhiều thông tin cơ bản trùng lắp với thông tin về căn cước công dân quy định tại Điều 10 dự thảo Luật Căn cước công dân. Vì vậy, ý kiến này đề nghị nên nghiên cứu để quy định và giao thống nhất nội dung về quản lý dân cư cho một cơ quan thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả.

Sẽ loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ?

Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: Khi dự án Luật được ra đời thì sẽ loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ cho người dân?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, hiện nay, có nhiều loại giấy tờ cá nhân, trong đó có chứa đựng những thông tin cơ bản như: Họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh... Mỗi giấy tờ được sử dụng vào các mục đích khác nhau và do các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định. Với việc ban hành Luật Hộ tịch thì có thể đơn giản hóa được hầu hết giấy tờ cá nhân trong lĩnh vực này, trừ Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn. Đối với các giấy tờ cá nhân khác, với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, Đề án 896 đã đưa ra lộ trình rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa giấy tờ công dân, đồng thời với việc cấp số định danh cá nhân và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. “Đến năm 2020, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư đi vào vận hành, người dân chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân, không cần nộp hoặc xuất trình giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính. Khi đó, có thể cắt giảm hầu hết các giấy tờ cá nhân” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Tuy nhiên, qua thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, xuất phát từ lịch sử đất nước trải qua chiến tranh, cùng với cơ chế quản lý thời bao cấp về quản lý hộ tịch, hộ khẩu và nhu cầu của công dân trong đời sống, xã hội nên hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau. Do đó, cần có sự rà soát, phân biệt rõ những loại giấy tờ tùy thân, liên quan đến công tác quản lý Nhà nước mà có sự chồng chéo, gây phiền hà không cần thiết thì từng bước loại bỏ, nhất là trong điều kiện áp dụng phương thức quản lý hiện đại như trong dự thảo Luật đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, việc loại bỏ ngay lập tức các loại giấy tờ công dân cần phải có lộ trình và kết quả thực tế của việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư như đã đề ra trong Đề án 896. "Điều quan trọng là Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm thực hiện đúng hoặc sớm hơn lộ trình thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương để loại bỏ nhiều giấy tờ cần thiết trong quá trình quản lý công dân" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam