Chủ động phòng, chống bệnh tay-chân-miệng

(NTO) Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta hiện đã ghi nhận có 248 ca mắc bệnh tay – chân – miệng (TCM). Mặc dù chưa có ca nào tử vong, nhưng số ca mắc tăng 44,5% và số ca nặng mức IIa, III tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có ca mắc cao như Phan Rang-Tháp Chàm 91 ca, Ninh Phước 65, Ninh Hải 30 và Thuận Nam 24 ca…

Một số địa phương lượng người mắc tập trung cao như phường Đông Hải (PR-TC) 18 ca mắc, Phước Hải (Ninh Phước) 14 ca; hay các xã Phước Dân, Phước Hậu (Ninh Phước), phường Mỹ Đông, Phước Mỹ (PR-TC) đều là những địa phương có trên 10 ca mắc, tính từ đầu năm đến nay.

Khám và điều trị bệnh tay-chân-miệng cho trẻ.

Theo Bác sỹ Nguyễn Đình Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh: Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột Enterovirut gây nên; bệnh lây qua đường tiêu hóa. Bệnh nguy hiểm bởi các biến chứng cụ thể như viêm não, viêm cơ tim… Trong thời gian 2 tuần trở lại đây, bệnh TCM tăng cao đột biến, trung bình mỗi tuần có từ 20-30 ca nhập viện, có ca biểu hiện bệnh rất nặng. Đã xác định tuýp virut coxsackie A16 là tuýp có độc lực cao, thường gây tử vong. Dự báo trong thời gian tới bệnh TCM sẽ tăng cao theo đặc điểm dịch tễ của bệnh TCM thường tăng vào mùa này.

Trước tình hình bệnh TCM đang có chiều hướng gia tăng mạnh, ngành Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp cấp bách để phòng chống như: thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình bệnh; tăng cường công tác giám sát, phát hiện, thu dung, cách ly điều trị bệnh kịp thời; dự trù hóa chất, thiết bị y tế, bố trí nhân lực cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời triển khai các hoạt động cụ thể phòng chống bệnh TCM như rửa tay bằng xà phòng và các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức tại cộng đồng.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế: Bệnh TCM thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó phụ huynh đặc biệt chú ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ; vệ sinh thân thể, vệ sinh ăn uống sạch sẽ. Đặc biệt phải rửa tay xà phòng trước khi ăn, sau khi vệ sinh cho trẻ và cho chính mình. Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ hằng ngày. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh như trẻ sốt, có bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, vùng gối và vết loét ở viêm mạc miệng hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Các cở sở nuôi dạy trẻ, nên thực hiện đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh; khi phát hiện trẻ mặc bệnh TCM phải thông báo cho phụ huynh để trẻ ở nhà, cách ly hạn chế lây sang những trẻ khác.