Vì sao Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Nhị Hà chậm triển khai ?

(NTO) Cuối năm 2013, Công ty TNHH Long Vân Ninh Thuận khởi công xây dựng Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Nhị Hà, tại thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam), mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

 Mở hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp

Dự án có quy mô 500 ha, với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Giai đoạn 1 triển khai thực hiện 300 ha, quy hoạch thành các khu vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo chuỗi giá trị. Cụ thể, 100 ha đầu tư khu vực chuyên canh cây ớt; 40 ha cho các loại cây nông nghiệp khác; 80 ha trồng cỏ, bắp sữa làm nguyên liệu thức ăn cho bò sữa; 30 ha xây dựng 9 trại nuôi bò sữa, quy mô 100 con/trại; 30 ha xây dựng trại nuôi heo, quy mô 12.000 con/lứa; 10 ha xây dựng hồ chứa nước kết hợp nuôi cá nước ngọt và 10 ha xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn cho bò, nhà máy sơ chế sữa ban đầu, văn phòng điều hành, nhà kho, nhà ở công nhân, khu xử lý chất thải và các công trình phụ trợ khác.

Vùng bán sơn địa sản xuất chưa mấy phát triển như ở Nhị Hà, Phước Hà mà có nhà đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tiên tiến sẽ góp phần làm chuyển đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đồng chí Tôn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, tin tưởng: Khi dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động ở địa phương, vừa có tác dụng kích thích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất.

Có thể nói các xã nằm quanh vùng dự án, hạn chế nhất lâu nay là chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế sẵn có. Chẳng hạn như xã Nhị Hà có 825 ha đất sản xuất lúa nhưng chỉ 426 ha hưởng lợi từ hồ Tân Giang, Sông Biêu chủ động nước sản xuất 3 vụ/năm , phần còn lại sản xuất trầy trật phụ thuộc vào nước trời mỗi năm làm được 1 đến 2 vụ. Trong khi đó, 150 ha đất màu nông dân trồng manh mún các loại cây: bắp, đậu xanh… hiệu quả kinh tế thấp. Tình hình sản xuất ở xã vùng cao Phước Hà còn hạn chế hơn bởi bà con đồng bào Raglai ở địa phương còn ảnh hưởng tập quán canh tác lạc hậu. “Chúng tôi đang loay hoay chưa biết chuyển đổi như thế nào, trồng cây gì cho có lợi, thì dự án về đã khơi thông bế tắc. Rồi đây, khi dự án đi vào hoạt động sẽ khuyến khích những nông dân có quỹ đất đầu tư phát triển sản xuất, từ đó hình thành nên các vùng “vệ tinh” chuyên nuôi bò, heo và trồng những loại cây làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”- Đồng chí Tôn Văn Minh, quả quyết.

Đó là triển vọng trong tương lai, còn hiện tại địa phương đã được hưởng lợi từ doanh nghiệp. Vì mục tiêu phát triển của dự án gắn liền với xây dựng nông thôn mới ở xã Phước Hà và Nhị Hà, nên khi đến địa phương làm ăn, Công ty TNHH Long Vân Ninh Thuận đã hỗ trợ vật tư xây dựng công trình đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Công ty cũng đã hỗ trợ “Quỹ vì người nghèo” cho hai xã Phước Hà và Nhị Hà, mỗi xã 15 triệu đồng. Ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Võ Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam mong muốn Công ty tiếp tục đồng hành cùng với nông dân địa phương trong việc hỗ trợ chăm lo đời sống, hướng dẫn sản xuất, phát triển kinh tế bằng hình thức hợp tác, chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao.

Lấn chiếm đất-khó khăn cho triển khai Dự án

Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Nhị Hà được đánh giá có tính khả thi, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 của huyện Thuận Nam nên địa phương mong muốn Công ty TNHH Long Vân Ninh Thuận tập trung nhân lực, tài lực triển khai nhanh theo đúng nội dung đã cam kết, phấn đấu đến giữa năm 2014 đi vào hoạt động. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, doanh nghiệp gặp khó do một số người lấn chiếm đất dự án cản trở.

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được tình trạng xâm canh ở khu vực này diễn ra khá phức tạp. Phần đất Công ty TNHH Long Vân Ninh Thuận thuê có thời hạn 50 năm để triển khai dự án thuộc địa phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Tân Giang. Bất chấp sự can ngăn của ngành chức năng, nhiều năm nay một số người vẫn cố tình lấn chiếm. Ông Quách Tấn Phong, cán bộ địa chính xã Nhị Hà cho biết: Việc người dân xâm chiếm đất công để sản xuất bắt đầu từ năm 2008, đến năm 2011 khi hồ Sông Biêu tích nước phục vụ sản xuất, tình hình trở nên “nghiêm trọng” hơn. Nếu như trước đây họ chỉ trồng một số cây màu, điều, thì hiện nay mở rộng sản xuất lúa với quy mô lớn.

Lẽ ra, khi triển khai dự án số người xâm chiếm đất trái phép phải chấp hành trả lại đất, nhưng họ lại có hành động ngăn cản gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để làm rõ sự việc, tháng 2 vừa qua, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với địa phương khảo sát thực địa, phát hiện 25 đối tượng đang sản xuất trên khu đất thu hồi để xây dựng dự án với tổng diện tích trên 29, 5ha. Điều đáng nói là, không riêng gì bà con ở xã Phước Hà, Nhị Hà mà còn có một số người ở nơi khác đến lấn chiếm trái phép. Đơn cử như ông Hà Văn Chống (ở xã Phước Hải, Ninh Phước) đã khoan một vùng rộng đến trên 12, 8ha để trồng lúa và các loại cây trồng khác; bà Hà Thị Phương và ông Hà Văn Chông (ở xã Cà Ná, Phước Nam) bao hơn 4 ha trồng các loại cây trồng khác... Lý giải vì sao có những người ở xa lên tận Nhị Hà chiếm đất trái phép, ông Quách Tấn Phong cho rằng do trước đây có sự sang nhượng đất trái phép giữa một số người địa phương với những người nơi khác đến.

Cũng theo ông Quách Tấn Phong, thực tế khu vực đất triển khai xây dựng dự án đã có chủ, để xảy ra tình trạng trên là do đơn vị được giao đất quản lý lỏng lẻo, không tổ chức ngăn chặn các đối tượng vào xâm lấn ngay từ đầu. Mặt khác, năm 2004, Doanh nghiệp Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đài Úc thuê 429.700m2 đất trong khu vực để thực hiện Dự án Chuyển giao công nghệ giống cây trồng, vật nuôi nhưng không đưa đất vào sử dụng để cho một số người tự ý vào tổ chức sản xuất. Ngày 11-12-2013, UBND tỉnh ra Quyết định số 288/QĐ-UBND thu hồi đất cho Doanh nghiệp Sản xuất Thương mại và dịch vụ Đại Úc thuê, giao UBND xã Nhị Hà quản lý nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng lấn chiếm đất trái phép. Vướng mắc lâu nay không giải quyết được ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Nhị Hà vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp. “Sự việc như hiện nay, chúng tôi cũng chỉ biết chờ kết quả xử lý của tỉnh”- ông Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Công ty TNHH Long Vân Ninh Thuận nói.

Được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các ngành liên quan đang xây dựng phương án tham mưu UBND tỉnh giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Về phía địa phương, UBND huyện Thuận Nam đã chỉ đạo UBND xã Nhị Hà, Phước Hà tổ chức tuyên truyền, vận động các đối tượng sớm bàn giao đất cho doanh nghiệp triển khai xây dựng dự án.