Cứu hạn phải xem như ... cứu hỏa

(NTO) Không nằm ngoài dự báo, đến nay hạn hán đã lan rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là những địa phương xa các hồ chứa nước có quy mô lớn, vùng cao… Tính đến đầu tháng 4, dung lượng chứa ở nhiều hồ trong tỉnh đã cạn dần do không có mưa lại gặp nắng gắt và gió nên lượng nước bay hơi rất lớn.

Thiếu nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, tuy nhiên đáng lo ngại nhất là thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân và nước uống cho đàn gia súc. Như Báo Ninh Thuận đã thông tin, tại Phước Trung (Bác Ái), Hòa Sơn (Ninh Sơn)… nhiều hộ dân đã phải đi xa hàng nhiều cây số để chắt nước suối còn đọng lại để về sử dụng. Hay tại huyện Thuận Bắc, theo khảo sát mới đây của ngành chức năng cho thấy tình trạng hạn hán cục bộ đã xảy ra, tập trung tại nhiều thôn của xã Phước Kháng và thôn Xóm Bằng của xã Bắc Sơn.

Người dân thôn Rã Giữa (Phước Trung) lấy nước uống trên dòng suối Ngang. Ảnh: Trang Nhung

Không có nước nên hàng ngày người dân phải đến các dòng suối cạn để đào hố chắt lọc những giọt nước hiếm hoi còn sót lại để đem về dùng… Trước tình hình trên nhiều địa phương đã chủ động mua nước vận chuyển đến cấp cho từng hộ dân. Mặt khác, đầu tư nạo vét, tu sửa các giếng khoan tại các công trình nước sinh hoạt cộng đồng; nạo vét một số hồ đập khả năng còn có nước để “giải cứu” thiếu nước cho đàn gia súc…

Nhìn chung, các địa phương xảy ra tình trạng hạn hán đã thể hiện được trách nhiệm với người dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng “phản ứng” còn chậm và nặng hình thức, thủ tục, báo cáo… mà lẽ ra phải “phản ứng nhanh” để kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho dân mà không phải để người dân “quá khát” mới thực hiện chở nước cấp- Vẫn biết rằng có còn hơn không !-Mặt khác, còn thiếu chủ động trong việc chống hạn một cách căn cơ, nhằm cung cấp nguồn nước sinh hoạt ổn định, lâu dài cho người dân. Hạn hán không chỉ có thiếu nước mà còn ảnh hưởng đến bệnh tật, nhất là các bệnh đường ruột, truyền nhiễm do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Thế nhưng “động thái” của ngành Y tế cũng chưa nhanh, chưa kịp thời có mặt tại vùng hạn để phòng, chống dịch bệnh…

Có thể nói, rất nhiều việc liên quan đến nhiều ngành đối với vùng xảy ra hạn hán như ngoài việc cung cấp nước, vệ sinh phòng dịch… điều cần nữa là lo cứu đói cho dân, nhất là vùng khó khăn vì ngưng sản xuất do thiếu nước… Cùng với lo cho người còn cần phải lo cho đàn gia súc của người dân về nước uống, phòng bệnh, nguồn thức ăn… theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Suy cho cùng, phải xem "cứu hạn" như "cứu hỏa" và cần có sự hợp lực đồng bộ từ chính quyền địa phương đến các ngành liên quan. “Bài học” về chống hạn tỉnh ta không thiếu, vấn đề quan trọng là chuyển từ “bài học” kinh nghiệm đó thành hiện thực để cho người dân nhờ.