CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Đừng xem là việc… nhỏ !

(NTO) Câu được gọi là "thơ" trước đây thường được truyền miệng: “Ra đường sợ nhất công – nông”, bởi loại xe “đầu ngang, đầu dọc” tự chế này một thời vận chuyển chủ yếu là vật liệu xây dựng, đất đá chạy nháo nhào trên đường không kể gì đến luật lệ giao thông và an toàn cho người tham gia giao thông…nay ít được nhắc tới vì đã bị cấm lưu thông do tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn. Khổ nỗi, dẹp được nguy cơ này thì nguy cơ khác lại “nổi lên” đó là tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu và bất chấp các qui định pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà phần lớn là rơi vào đối tượng thanh niên.

Thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường 21 Tháng 8.
Ảnh: Sơn Ngọc

Hình ảnh gần như lúc nào cũng dễ nhận thấy là một số thanh niên chạy xe máy nẹt bô (đã bị lấy các lá giảm thanh để nổ cho to) phóng nhanh đánh võng trên đường, vượt cả đèn đỏ. Nguy hiểm nhất là vào thời điểm tan tầm đường hẹp lại đông người nhưng cứ xem như đường… vắng vậy. Nhiều xe tải chở đất, cát cũng thường “đua tốc độ”, bóp còi hơi, nhất là trên đường 21 Tháng 8 làm cho người tham gia giao thông nhiều phen phải giật mình và cũng không ít trường hợp tự té ngã, hầu hết là nữ giới do phải “né” xe, trượt bánh vì đường đang thi công lổm chổm đá!. Không chỉ có vậy cũng trên đường 21 Tháng 8 một số cơ sở kinh doanh, gara sửa xe… xe chở hàng quá khổ thường xuyên ra vào trong khi đường lại hẹp, vướng phải dải phân cách nên gây tắc giao thông, có trường hợp tài xế chẳng cần nhường đường cứ phăng phăng qua đường làm cho một số người đi xe máy phải thắng gấp và va quẹt vào nhau… Còn nhiều và nhiều điều “gai mắt” khi tham gia giao thông. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là mặc dù đã được tuyên truyền luật khi thi lấy giấy phép lái xe, thông qua hệ thống loa, đài truyền thanh, báo chí… nhưng xem ra đâu vẫn vào đó. Suy cho cùng điều này thuộc vào ý thức của con người... Đã có người nói rất thật rằng: mạng sống của họ còn không cần thì nghĩ gì đến người khác!. Thôi thì tự mình hãy lo cho chính mình vẫn hơn. Cũng có người đặt ra câu hỏi: Vậy đơn vị chức năng ở đâu mà để tình trạng “loạn” trên đường bộ như vậy?. Thực ra, là có kiểm tra, xử lý nhưng thiếu thường xuyên nên có lẽ vì vậy mà tác dụng chưa cao…

Giải quyết "vấn nạn" như đã nêu trên không dễ nhưng cũng không quá khó. Vấn đề là cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông… có kiểm tra, xử phạt nghiêm hay không mà thôi!. Mặt khác, tại các chốt đèn giao thông cần có lực lượng chức năng trực để vừa xử lý những trường hợp vi phạm vừa tạo thói quen cho người tham gia giao thông phải nghiêm túc chấp hành theo đèn tín hiệu. Đừng xem đây là chuyện nhỏ mà bỏ qua từ chính đơn vị thực thi pháp luật an toàn giao thông và ngay cả người tham gia giao thông để tránh "họa vô đơn chí".