NHÂN NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21-4:

“Văn hóa đọc” của giới trẻ hiện nay

(NTO) Triết gia Thomas Carlyle (Xcốt-len) đã từng phát biểu: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách.”

Quả thật, sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Thế nhưng, đã xa rồi cái thời mỗi người có một, hai cuốn sách “gối đầu giường”, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, văn hóa nghe- nhìn “lấn át” văn hóa đọc đã làm cho giới trẻ ngày nay xa dần với thói quen đọc sách mỗi ngày.

 
Ảnh: Văn Miên

Văn hóa đọc-hiểu nôm na chính là thái độ, là cách ứng xử của mỗi người với tri thức sách vở. Văn hóa đọc ngày nay không đủ sức thu hút đông đảo các bạn trẻ: thư viện, hiệu sách vắng bóng người tìm đọc, nhường chỗ cho nhà hàng, quán cà phê, karaoke, quán internet… “lên ngôi”. Ngoài sách giáo khoa và sách tham khảo dùng trong trường học, hiếm có bạn học sinh nào được hỏi mà trả lời dùng tiền để mua các loại sách khác hoặc dùng thời gian rảnh rỗi để tới thư viện, hiệu sách tìm đọc nhiều loại sách khác nhau. Chị Nguyễn Thị Kim Phi, chủ hiệu sách Minh Khoa trên đường 21 Tháng 8 (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cho biết: Hiệu sách của chị có hàng trăm đầu sách, nhưng hầu hết là sách giáo khoa, sách tham khảo, sách nâng cao dùng trong trường học. Chị nói thêm: “Cửa hàng chỉ nhộn nhịp trong mấy ngày đầu năm học mới. Các bạn trẻ ngày nay đọc sách như là một việc bắt buộc, cho nên chỉ phục vụ cho việc học thì các bạn mới chịu bỏ tiền ra mua sách, còn các loại sách kinh điển, lý luận, các thể loại văn học, lịch sử, triết học… thì hiếm người hỏi nên cửa hàng không kinh doanh.”

Thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu kiến thức mà còn là một biện pháp để hoàn thiện con người, rèn luyện cho người đọc những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Lấy ý kiến của một số sinh viên ở các trường Trung cấp và Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, hầu hết các bạn chung quan điểm là “chủ yếu chỉ đọc sách chuyên ngành của mình, còn các loại sách thuộc chuyên ngành khác thì rất hiếm khi đọc.” Chính suy nghĩ ấy, “văn hóa đọc sách ấy” đã khiến không ít bạn trẻ “loay hoay” trong việc giao tiếp, “cụt què” trong cách sử dụng ngôn ngữ, hạn chế trong năng lực tưởng tượng, sáng tạo và bao quát vấn đề…

 
Thư viện tỉnh giới thiệu nhiều sách mới phục vụ độc giả.
Không có thói quen đọc sách đã đành, có nhiều bạn trẻ đôi lần đọc sách nhưng là đọc không chọn lọc, đọc hời hợt, đọc theo phong trào và đọc không ứng dụng. Những loại sách về văn hóa, nghệ thuật có tác dụng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ bị các loại truyện tranh nội dung đơn giản, những tiểu thuyết ngôn tình ủy mị, thậm chí thiếu lành mạnh “truất ngôi”.

Chị Dương Thị Ngọc Thanh- Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc của Thư viện tỉnh cho biết: “80 % đối tượng tới thư viện là học sinh. Tuy nhiên, các em học sinh cấp I, II chủ yếu tìm đọc các thể loại truyện tranh, học sinh cấp III thì tìm đọc sách giáo khoa, sách tham khảo, còn thể loại sách khác thì phần lớn phục vụ cho đối tượng cán bộ hưu trí.” Nhiều bạn chia sẻ rằng mình cũng lên internet để đọc báo, đọc truyện thường xuyên, nhưng tìm hiểu kỹ ra mới biết: cái các bạn đọc là những tin “giật gân”, những câu chuyện tình yêu “mộng rớt”, thậm chí là cả những bài viết về tình dục “trần trụi” không phù hợp với lứa tuổi, với văn hóa chuẩn mực... Có cuốn sách được truyền tay nhau để nhiều người cùng đọc, đọc theo trào lưu, đọc nhanh, đọc chóng, đọc rồi lại quên. Bạn Đỗ Thảo, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: “Đợt này lớp em đang rộ lên phong trào đọc sách về tình yêu lãng mạn của tác giả Trung Quốc tên Minh Hiểu Khê. Nhiều bạn thấy bạn khác đọc cũng tò mò tìm đọc, có bạn đọc rồi nhưng tới khi hỏi kỹ nội dung thì chẳng nhớ gì”. Có người cả một đời đọc một vài quyển sách, nhưng họ đọc đi, đọc lại, đọc để hiểu, để thấm, để học hỏi và ứng dụng nó vào cuộc sống chứ không phải đọc để “lấy thành tích”, giống như tiểu thuyết gia người Mỹ- Louisa May Alcott đã từng nói “Sách hay, cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa.”

Ngoài lý do chủ quan, bàn tới văn hóa đọc của các bạn trẻ cũng phải đề cập tới lý do khách quan về vấn đề xuất bản, kinh doanh sách. Nhiều cuốn sách xuất bản với những giá trị nội dung chưa thực sự sâu sắc, lành mạnh, hoặc chủ yếu sưu tầm, tập hợp của nhiều sách khác làm thị trường sách trở nên hỗn độn, phức tạp. Có cuốn sách dầy cộp, giá “lên trời”, có cuốn là sách lậu, kém chất lượng cũng là nguyên nhân ảnh hướng đến văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay. Thị trường sách tại tỉnh cũng chưa thực sự phong phú, nhiều đầu sách hay, có giá trị nhưng rất khó để tìm đọc, tìm mua do không được bày bán trên thị trường.

Năm nay, lần đầu tiên “Ngày Sách Việt Nam, ngày 21-4” được tổ chức, góp phần xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, nét đẹp trong đời sống xã hội. Để hưởng ứng ngày này, Thư viện tỉnh dự kiến trưng bày khoảng 2.000 ấn phẩm để phục vụ độc giả. Mỗi chúng ta, hãy cùng tìm tới sách để đọc như tìm mua loại trang sức tuyệt đẹp nhất cho bản thân. Xin trích dẫn câu nói của nhà chính trị Mahatma Gandhi (Ấn Độ) để thấy được giá trị của việc đọc sách, đặc biệt là với các bạn trẻ, thay cho lời kết - “Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”.