Cần làm rõ phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều ngày 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đây là dự án luật lần đầu được đưa ra lấy ý kiến tại UBTVQH.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, để bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là cần thiết. Dự án Luật bao gồm 6 Chương, 44 Điều.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự án Luật là quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quy định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và quy định giám sát hoạt động đầu tư vốn, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Các hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào các tổ chức kinh tế, các đơn vị sự nghiệp, hợp tác xã mà không thông qua doanh nghiệp sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật liên quan.

Về phạm vi áp dụng, dự án Luật quy định đối tượng áp dụng là công ty TNHH 1TV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp; người đại diện và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Để đảm bảo mục tiêu đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước, thực hiện đúng chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của đại diện chủ sở hữu nhà nước và đồng thời để doanh nghiệp được quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án Luật quy định một số hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp như: thiếu trách nhiệm, can thiệp, giám sát, kiểm tra thanh tra, tiết lộ thông tin về doanh nghiệp không đúng quy định. Dự án Luật cũng quy định hành vi bị cấm khi thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Kinh tế cho biết, về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (Điều 8) còn có 3 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô cần được thực hiện thông qua các chính sách kinh tế, không nhất thiết phải đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. Nếu tiếp tục đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp thì cần xác định rõ những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước được đầu tư, đặc biệt ngành, lĩnh vực độc quyền tự nhiên, những ngành, lĩnh vực cần duy trì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100%; nguyên tắc để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và các dịch vụ công ích.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định tách bạch rõ chức năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với hoạt động công ích.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị quy định cụ thể hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc phân định các chức năng sản xuất, kinh doanh và hoạt động công ích của doanh nghiệp là cần thiết, nhằm đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), không thể viện dẫn các trách nhiệm chính trị - xã hội mà doanh nghiệp phải gánh vác làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến loại hình doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đề cập đến các doanh nghiệp hoạt động công ích. Vì vậy cơ quan này đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định đối với doanh nghiệp hoạt động công ích theo hướng “Chức năng hỗ trợ điều tiết vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội của doanh nghiệp phải được đổi mới và thay thế bằng cơ chế đặt hàng của Nhà nước, được hạch toán theo cơ chế thị trường” theo Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung các quy định về quy trình, trình tự, thủ tục thực hiện việc đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như hoàn thiện các quy định khác tại Chương II dự thảo Luật.

Về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định tỷ lệ cụ thể: về phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp phải thống nhất với dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); quy định tỷ lệ phù hợp đối với thẩm quyền trong việc huy động vốn và quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; và đối với các quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp phải thống nhất với dự án Luật đầu tư (sửa đổi).

Liên quan tới việc báo cáo và công khai hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, cơ quan này cho rằng DNNN có đặc điểm của một công ty đại chúng bởi tính sở hữu toàn dân và có ảnh hưởng nhiều mặt tới cộng đồng dân cư, các lĩnh vực của nền kinh tế. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định về báo cáo và công khai hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ mối quan hệ của Luật này với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Đồng thời làm rõ những quy định của luật này tác động như thế nào tới vấn đề tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ, luật cần khẳng định mục tiêu đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp là gì? Trong đó, một trong những điểm quan trọng là doanh nghiệp nhà nước tham gia vào thị trường nhằm khắc phục, hạn chế tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về nguyên tắc đầu tư, ông cho rằng cần làm rõ đầu tư phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, đúng phạm vi, đúng quy hoạch và đúng kế hoạch và phải bảo toàn được vốn./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam