Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận: Dự kiến tiếp nhận gần 200 công nhân trở lại làm việc tại hai nhà máy sản xuất gạch vào tháng 5

(NTO) Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế kéo dài và thắt chặt đầu tư công nên cũng đã ảnh hưởng không nhỏ hoạt động sản xuất-kinh doanh của Công ty CP Xây dựng Ninh Thuận. Nhằm khắc phục khó khăn, công ty đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm giá thành, đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm. Với giải pháp này, tháng 9-2013, công ty đã cho 24 công nhân nghỉ việc.

Sau khi được nhận thông báo về việc chấm đứt hợp đồng lao động, 23 công nhân đã chủ động làm đơn xin thôi việc, được nhận trợ cấp 1 tháng lương sản phẩm, chế độ trợ cấp thôi việc theo thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp chị Lê Thụy Thùy Trân (làm việc tại nhà máy gạch Du Long từ năm 2007) không làm đơn xin thôi việc. Ngày 15-10, chị Trân đến công ty để nhận quyết định thôi việc. Sau khi được biết công ty chỉ thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc, chị đã không đồng ý và làm đơn khiếu nại vì theo chị, ngoài chế độ trợ cấp thôi việc theo Điều 48 của Bộ Luật Lao động năm 2012 (tính theo thời gian công tác, tương đương 2,6 triệu đồng), công ty phải chi trả thêm chế độ mất việc làm theo Điều 49 Bộ Luật Lao động. Nghĩa là mỗi năm chị phải được chi trả 1 tháng tiền lương, tổng số tiền chị được hưởng tương đương 5,2 triệu đồng (chị Trân làm việc từ năm 2007, như vậy thời gian chi trả chế độ được tính trong 2 năm từ năm 2007 đến 2009, từ 2009 trở đi được nhận chế độ từ Bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan BHXH chi trả).

Công nhân vào ca sản xuất tại Nhà máy gạch tuy nen Phước Nam. Ảnh: Sơn Ngọc

Sau khi nhận đơn khiếu nại, công ty đã ra quyết định chuyển chị Trân sang làm việc tại Nhà máy sản xuất gạch không nung của công ty. Chị Trân không đồng ý với lý do công ty đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động nghĩa là chị đã không còn là công nhân của công ty và chị đã tìm được việc làm khác.

Mặc dù chị Trân đã nghỉ việc, tuy nhiên do chưa ra quyết định nghỉ việc đối với chị Trân nên đến nay công ty vẫn tiếp tục đóng BHXH hàng tháng cho chị.

Giải thích về trường hợp này, ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh&Xã hội cho biết: Nếu công ty cắt giảm lao động vì lý do cơ giới hóa thì phải thực hiện chế độ trợ cấp mất việc làm cho người lao động, theo Điều 49 của Bộ Luật lao động. Công ty áp dụng theo Điều 48 Bộ luật Lao động là chưa đúng với quy định. Ngoài ra, công ty không phải thực hiện đồng thời cả hai chế độ, trợ cấp thôi việc và mất việc như chị Trân yêu cầu.

Tính đến cuối năm 2013, công ty tồn kho hơn 30 triệu viên gạch. Giá cả vật liệu xây dựng liên tục giảm giá làm cho Công ty phải chịu thua lỗ. Tháng 11-2013, công ty tiếp tục cho 221 công nhân tại các nhà máy sản xuất gạch ở Du Long, Phước Nam và Mỹ Sơn nghỉ việc.

Khi được nghe thông báo tình hình khó khăn của doanh nghiệp, 221 công nhân đã tự viết đơn xin nghỉ việc và được công ty chi trả đầy đủ các chế độ. Theo thỏa thuận, nếu sau khi công ty tiêu thụ được sản phẩm tồn kho, tái sản xuất, sẽ tiếp tục nhận số công nhân này vào làm việc tại các nhà máy gạch. Ông Đàm Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết: Hiện nay, công ty đã tiêu thụ một lượng gạch tồn kho, dự định sẽ vận hành lại các dây chuyền sản xuất tại hai nhà máy gạch tuy-nen Du Long và Phước Nam vào tháng 5-2014, vì vậy trong thời gian tới sẽ tiếp nhận công nhân của 2 nhà máy gạch, gần 200 người trở lại làm việc như đã thỏa thuận. Riêng với Nhà máy sản xuất gạch Mỹ Sơn do chưa tiêu thụ được sản phẩm nên sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa.