Chiến thắng của sức mạnh tinh thần cộng với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Mặc dù trong bối cảnh chiến tranh hết sức gian khổ, thiếu thốn, nhưng những sinh hoạt chính trị và văn hoá tinh thần cho bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn rất sôi động, ý nghĩa, góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử và oai hùng năm xưa.

Để chuẩn bị cho chiến trường Điện Biên Phủ, từ cuối năm 1953, cùng với công tác chuẩn bị về mặt quân sự, thì cả hai phía, Việt Nam và Pháp đều ra sức tiến hành các hoạt động tuyên truyền phục vụ cho mục đích riêng của mình. Về phía Pháp thì chủ yếu tuyên truyền về sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và thách thức Việt Minh tấn công vào đó. Còn về phía Việt Minh thì chủ yếu tuyên truyền tỏ rõ sự quyết tâm sẽ tấn công Điện Biên Phủ, ra sức lôi kéo quân Pháp dồn quân vào đó và đừng bỏ đi giữa chừng. Tóm lại, bên phía Pháp thì chỉ sợ mất bao công sức và lực lượng xây dựng xong tập đoàn cứ điểm rồi mà Việt Minh lại không đánh; còn bên phía Việt Minh thì chỉ sợ mất bao công sức và lực lượng hành quân đến nơi rồi mà quân Pháp lại rút chạy. Điều đó có nghĩa là hai bên gặp nhau ở Điện Biên Phủ giống như một định mệnh. Chính Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhận xét về điều này như sau: "Lịch sử đã đưa hai đội quân tới trận đánh quyết định tại một nơi không hẹn trước là Điện Biên Phủ, trên cánh đồng Mường Thanh"1.

Cơ quan Tham mưu Chính trị tại Chiến dịch Điện Biên Phủ
(Ảnh: tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sỹ, nhiếp ảnh, điện ảnh, các nghệ sỹ biểu diễn đã cùng hành quân theo các cánh quân tiến về Tây Bắc, trong đó có khá đông nhà văn, nhà báo của một số nước anh em. Ngoài những bài báo, câu chuyện cảm động, chân thật về chiến trường, thì chính qua những nhà văn, nhà báo nước ngoài đã trở thành nhịp cầu nối giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế, qua đó, giúp dư luận yêu chuộng hoà bình trên thế giới thêm hiểu về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Có một câu chuyện mà những người làm công tác chính trị trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn nhớ mãi. Đó là ngay khi bước vào công tác chuẩn bị cho Chiến dịch, một số nhà văn, nhà báo nước ngoài đã quyết tâm đi theo Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra mặt trận. Nhưng vì ta chuyển phương án tác chiến từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" nên thời gian chuẩn bị kéo dài, đã tới lúc những nhà văn, nhà báo phải trở về nước. Một buổi tối, đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đề nghị Đại tướng, Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng mặt trận Điện Biên Phủ gặp mặt, chia tay các bạn trước khi bạn về nước.

Cơ quan chính trị căng một chiếc dù hoa chiến lợi phẩm bên dòng suối lấp lánh ánh trăng làm nơi tiếp khách.

Một nhà văn Ba Lan nói:

- Thiên nhiên của các đồng chí đẹp quá. Khung cảnh thật là thanh bình.

Lúc này không có tiếng đại bác. Dưới ánh trăng, những mỏm núi đá nhấp nhô, mờ ảo.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói:

- Tôi cũng thấy phong cảnh ở đây rất đẹp. Tôi không phải nhà thơ nhưng cảm thấy cảnh này thật nên thơ. Chúng tôi sắp chiến đấu chính là để cho khắp đất nước đêm nào cũng đẹp như đêm nay.

Tiếp đó, một nhà báo Tiệp Khắc nhận xét:

- Quân đội của các đồng chí thật lạ! Tôi không thấy có sự cách biệt nào giữa vị tướng với người lính.

Rồi anh kể lại: Sáng hôm ấy, khi lội dọc suối vào Sở Chỉ huy đã nhìn thấy đồng chí Tổng Tham mưu phó Hoàng Văn Thái nhường ngựa cho một chiến sĩ bị đau chân. Đồng chí Hoàng Văn Thái xách giày trong tay cùng lội suối với mọi người.

Nghe vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôn tồn tiếp lời:

- Quân đội chúng tôi là như vậy đấy. Quan hệ giữa chúng tôi trước hết là quan hệ giữa những người đồng chí, những người bạn chiến đấu.

Cuối buổi gặp, nhà văn Ba Lan hỏi bằng một giọng vừa lưu luyến, vừa băn khoăn:

- Các đồng chí sắp đi chiến đấu còn chúng tôi thì sắp lên đường trở về nước. Tôi muốn đề nghị đồng chí Tổng Tư lệnh cho biết sau đây chúng tôi sẽ nhận được tin gì về Điện Biên Phủ?

Không cần suy nghĩ lâu, Đại tướng trả lời dứt khoát:

- Hoặc là các đồng chí sẽ không nhận được tin tức gì về Điện Biên Phủ, nhưng sẽ được tin chiến thắng của chúng tôi trên nhiều chiến trường khác. Hoặc là các đồng chí sẽ được tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ, khi đó sẽ là một chiến thắng rất to!

Lời khẳng định, cũng chính là lời tiên đoán của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về sau đã trở thành sự thật: chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành chiến thắng "vang dội năm châu, chấn động địa cầu".

Một buổi biểu diễn văn nghệ tại mặt trận Điện Biên Phủ
(Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Những người đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng vẫn còn nhớ mãi Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 1954. Lúc này đang trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch, quân Pháp ra sức đánh phá hòng ngăn chặn quân ta, chiến trường đã bắt đầu ác liệt, song không khí đón Xuân vẫn rất rộn ràng trên khắp mặt trận.

Hoa ban bắt đầu nở trắng các sườn núi. Những chiếc xe vận tải, xe thồ chất nặng bánh dầy, chè lam, kẹo, mứt, và rất nhiều những lá thư từ hậu phương, từ những phương trời xa: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Mạc Tư Khoa… nhắc nhở bộ đội rằng, Xuân Giáp Ngọ đang tới gần. Thơ chúc Tết của Bác Hồ cũng đã gửi tới mặt trận.

"… Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,

Kháng chiến kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công.

Hòa bình, dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông,

Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều".

Suốt đêm 29 Tết (ngày 2/2/1945), bộ đội vẫn đang nỗ lực kéo pháo ra theo mệnh lệnh của Đại tướng. Các đơn vị kéo pháo phải báo cáo lên từng giờ. Công tác kéo pháo được coi như nhiệm vụ chiến đấu… Cũng ngay trong đêm đó, bên phía đất bạn Lào, Đại đoàn 308 đã đánh một trận tưng bừng, diệt gọn một Tiểu đoàn của địch… Rồi những ngày Tết sau đó, Đại đoàn 308 vừa ăn Tết dọc đường, vừa hành quân truy kích địch và liên tiếp giành chiến thắng vang dội.

Khu rừng sáng dần. Ngày đầu Xuân Giáp Ngọ đã tới. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chúc Tết các đơn vị tham mưu. Cuộc vui càng thêm vui khi có tin báo cáo ở Tây Nguyên, bộ đội Liên khu V đang tiến về thị xã Kon Tum; ở Thượng Lào, Đại đoàn 308 đang tiến về Luông Prabăng; ở Hạ Lào, Tiểu đoàn 436 và bộ đội Pathét Lào đã giải phóng Pắc Xế đang tiến về Xaravan... Đây thật sự là những tin vui đầu Xuân.

Rồi Đại tướng sang lán đồng chí Vi Quốc Thanh chúc Tết đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc vì sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam phải tiếp tục ăn một cái Tết ở ngay mặt trận, xa Tổ quốc, xa gia đình và báo tin thắng lợi trên các chiến trường. Đồng chí Vi Quốc Thanh vui vẻ chúc mừng năm mới cùng những thắng lợi mới của quân và dân ta.

Đoàn đại biểu đồng bào người Thái, người Mông, người Dao… do đồng chí Lò Văn Hạc dẫn đầu, tới chúc Tết Bộ Chỉ huy mặt trận và bộ đội, đồng thời tỏ rõ quyết tâm của nhân dân các dân tộc Tây Bắc sẽ đứng lên sát cánh cùng bộ đội tiêu diệt giặc…

Không chỉ sinh hoạt tinh thần vui vẻ, mà ngay trong ngày đầu năm mới, bộ đội ta cũng nghĩ ra cách để đón năm mới thật ý nghĩa. Chuyện là thế này, đang lúc chúc Tết chào đón năm mới thì đồng chí Đạo Văn Trường, Quyền Tư lệnh trưởng Pháo binh gọi điện thoại chúc Tết Bộ Chỉ huy. Đại tướng nghe điện thoại và hỏi:

- Có định làm gì để chào mừng năm mới không?

Đồng chí Đạo Văn Trường trả lời:

- Báo cáo: Anh em sẵn sàng!

Đại tướng vui vẻ nói luôn:

- Được. Cho bắn vào sân bay.

Đồng chí Đạo Văn Trường nói tiếp:

- Rõ. Nhưng xin chờ tới lúc trời tan sương.

Đại tướng trả lời tiếp:

- Đồng ý. Nhắc anh em chuẩn bị đầy đủ. Ngắm thật chính xác mới bắn. Đã bắn là trúng!

10 giờ, biển sương trên cánh đồng Mường Thanh mới tan. Sân bay hiện ra lồ lộ với tám chiếc khu trục Hen-cát, hai máy bay thám thính Mo-ran và hai máy bay vận tải Đa-cô-ta. Trong phút chốc, 10 trái đại bác 75 ly giội xuống sân bay. Một chiếc Mo-ran bốc cháy, một số chiếc khác trúng đạn. Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định tặng thưởng tấm Huân chương cho Đại đội pháo binh vừa lập công đầu tiên của Chiến dịch.

Văn công biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội ngay tại mặt trận
(Ảnh: tư liệu TTXVN)

Cũng trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 1954, đoàn văn công Tổng cục Chính trị và đoàn văn công vừa đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới ở Bu-ca-rét (Hung-ga-ri), từ đầu Chiến dịch đã luôn đi sát các đơn vị từ hỏa tuyến phục vụ liên tục, giúp bộ đội được xem những điệu múa lượn, múa quạt, múa sạp đầy màu sắc duyên dáng, đậm đà hương vị quê hương sau những giờ chiến đấu hy sinh căng thẳng và gian khổ.

Cũng chính trong thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, bài thơ, nhiều ca khúc nổi tiếng, khắc sâu trong tâm khảm của bao thế hệ. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận là một trong nhiều nhạc sỹ đã ngay từ đầu cùng với đoàn văn công Quân đội hành quân cùng bộ đội ra chiến trường. Đến ngày thứ mười của cuộc hành quân, lúc 11 giờ đêm, nhạc sỹ Đỗ Nhuận sáng tác xong phần 1 bài hát "Hành quân xa", rồi cho tất cả anh chị em trong đoàn văn công tập hát ngay trong đêm. Sáng hôm sau, vừa hành quân, vừa hát phục vụ bộ đội, còn nhạc sỹ tiếp tục sáng tác lời phần 2. Vậy là, với cây đàn ghi ta gỗ, đi suốt đoàn quân, các văn công đã hát và động viên chiến sĩ "Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...". Những ngày tiếp theo, lời phần 2 được hoàn thành, nhạc công, ca sỹ tập ngay trong đêm, sáng ra lại hành quân và hát "Dù đôi chân qua những chặng đường có mỏi...", "Vai vác nặng ta có đổ mồ hôi"…"Đâu có giặc là ta cứ đi...". Trong suốt cuộc hành quân như thế, bài hát "Hành quân xa" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận được văn công hát, chiến sĩ hát và nhanh chóng lan ra khắp mặt trận. Bài hát đã đi theo suốt chặng đường hành quân và thời gian Chiến dịch2.

Những ngày cuối của đợt tấn công thứ hai, chuẩn bị bước vào đợt tấn công thứ ba tổng công kích giành toàn thắng, toàn mặt trận đã tổ chức một đợt chỉnh huấn, chỉnh quân để động viên bộ đội, nâng cao khí thế, sẵn sàng bước vào trận chiến đấu cuối cùng. Thời gian này, một cuộc vận động "Ba tốt: ăn tốt, ngủ tốt, đánh tốt" được triển khai trên toàn mặt trận. Cán bộ chính trị, quân y tới những nơi sinh hoạt bộ đội gặp khó khăn nhất, nghiên cứu, tạo mọi điều kiện ăn, ở, giải trí sao cho bộ đội giữ gìn được sức khoẻ, sinh hoạt thoải mái, bảo đảm chiến đấu lâu dài. Hầm hào đã được mở rộng, củng cố, hạn chế sự đe dọa của bom đạn. Những "đường phố" sạch xuất hiện tại trận đồ. Mỗi "căn nhà" hầm của tổ ba người có hai "giường" bằng đất... căng vải dù, nằm ngồi thoải mái. Bếp Hoàng Cầm ra đời từ Chiến dịch Hòa Bình, được phát triển thành "bếp hầm Hoàng Cầm" có nơi đun nấu, kho thực phẩm, chỗ nằm của anh nuôi và cả một cái giếng nước trong vắt, đã phát huy tác dụng rất cao. Trên đồi A1, C1, trên sân bay, ta và địch chỉ cách nhau một tầm lựu đạn, bộ đội vẫn được ăn một bữa cơm nóng, uống nước nóng, đọc truyện "Thượng Cam Lĩnh", "Ngày và đêm ở Xta-lin-grát"..., xem báo "Quân đội nhân dân", chơi bài tú-lơ-khơ. Bộ đội ở hỏa tuyến luân phiên về phía sau tắm giặt. Đặc biệt ở những đơn vị pháo binh, hầm của bộ đội đều khá rộng và chắc chắn. Anh em dùng gỗ hòm đạn lát trần, lát vách hầm, ghép giường nằm và đóng cả bàn ghế. Anh em còn dùng vỏ đạn chế tạo thành đèn dầu và những chiếc lọ xinh xinh cắm những bông hoa rừng. Tại các đội điều trị, dù chiến lợi phẩm được đưa tới làm chăn đắp cho thương binh. Khi vào hầm mổ có cảm giác như vào một bệnh viện hiện đại. Tường rất phẳng, góc rất vuông căng vải trắng tinh. Sàn hầm lát bằng những thân cây sậy phủ một lớp vải dù. Không khí dịu mát phảng phất mùi ête thơm thơm. Những bác sĩ phẫu thuật áo choàng trắng toát làm việc dưới ánh sáng "đèn điện" mà máy phát là một bình điện xe đạp quay bằng tay…3.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ còn vang vọng mãi. Bây giờ thì câu hỏi đã được giải mã, nhưng ngay lúc đó, quân Pháp không thể nào hiểu nổi tại sao một đội quân nhà nghề với binh hùng, tướng mạnh, vũ khí hiện đại… lại có thể chịu thua Việt Minh – một đối thủ thấp bé với vũ khí thô sơ, trình độ lạc hậu, chưa có kinh nghiệm chiến tranh hiện đại. Và câu trả lời chính là: Việt Minh có sức mạnh tinh thần cộng với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam! Sức mạnh ấy không chỉ toả sáng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà đã toả sáng suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước; đồng thời sẽ mãi toả sáng cho các thế hệ mai sau.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

–––––––––

Chú thích:

1, 3. Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Nxb Chính trị quốc gia. H.2004;

2. Theo Hồi ký "Những kỷ niệm không quên" của Nghệ sỹ Ưu tú Thuỳ Chi, Nguyên Diễn viên Đoàn Kịch nói Quân đội. Nxb Chính trị quốc gia. H.2004