Phòng chống bệnh sởi cho trẻ em

(NTO) Theo thống kê của ngành Y tế, đến 10-4, toàn tỉnh ghi nhận 10 ca mắc bệnh sởi, trong đó tại Nhà trẻ tư nhân xã Phước Sơn (Ninh Phước) có 3 ca mắc bệnh.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng của bệnh sởi ở các địa phương, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, y tế cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đưa con em mình đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ trong các đợt tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, Sở cũng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo từ ngày 10 đến 12-4, các huyện, tổ chức tiêm vét vắc-xin sởi cho đối tượng từ 9 tháng đến 2 tuổi. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã phân bố 8.110 liều vắc-xin sởi cho các trạm y tế toàn tỉnh. Qua kết quả điều tra, tổng số trẻ được tiêm vét sởi trong đợt này trên 5.300 em.

Bác sĩ Nguyễn Đình Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành, một số trẻ sau khi được tiêm vắc-xin Quinvaxem có phản ứng không mong muốn đã làm cho các bậc phụ huynh e ngại không đưa con em mình đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có bệnh sởi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gia tăng dịch bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ có phản ứng sau khi tiêm là rất thấp. Trong các đợt tiêm chủng, Sở Y tế đã hướng dẫn cán bộ các trạm y tế thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật như: trang bị đầy đủ thuốc chống sốc, khám cho trẻ trước khi tiêm, theo dõi sau khi tiêm vắc-xin để xử lý tốt các tình huống phản ứng không mong muốn xảy ra. Vì vậy các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đến tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Thực tế trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào trong các đợt tiêm chủng bệnh sởi cho trẻ”.

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, ngoài tiêm phòng vắc-xin sởi đầy đủ cho trẻ, các bậc phụ huynh cần có chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cơ thể; vệ sinh cá nhân sạch sẽ: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, làm sạch đường mũi, họng, mắt hằng ngày cho trẻ để tránh nhiễm bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu như: sốt, phát ban, ho kèm theo chảy nước mũi, phù nề ở mắt, mắt đỏ…, cần được cách ly, nghỉ học và không đưa trẻ đến nơi tập trung đông người để tránh lây lan cho cộng đồng. Các trường hợp bệnh nhẹ hoặc nghi nhiễm bệnh không nhất thiết phải nhập viện vì sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Tuy nhiên phải thông báo cho các cơ sở y tế để có hướng dẫn điều trị hợp lý. Các trường hợp bệnh nặng phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện tuyến tỉnh để được chữa trị, xử ký kịp thời các biến chứng nguy hiểm.