Ngăn chặn tình trạng sử dụng chất nổ khai thác hải sản

(NTO) Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013- 2020”, ngành Thủy sản tỉnh đặt ra nhiệm vụ trước mắt là phải ổn định khai thác tại vùng biển ven bờ, bảo vệ nghiêm ngặt môi trường và nguồn lợi sinh vật biển.

Theo đó, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn và đi đến chấm dứt hiện tượng hành nghề mang tính hủy diệt, nhất là hoạt động khai thác có sử dụng chất nổ đang tác động xấu đến an ninh trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP là lực lượng nòng cốt hỗ trợ ngành Thủy sản giữ gìn an ninh trên biển
(trong ảnh: BĐBP trạm Đông Hải đang giúp các tàu cá nhỏ neo đậu)

Nhìn lại những năm qua, có thể thấy việc giữ gìn an ninh trên vùng biển ven bờ đang là vấn đề nhức nhối của ngành Thủy sản tỉnh. Chỉ riêng tại vùng biển xã Thanh Hải (Ninh Hải), ngay từ năm 2012 đã rộ lên tình trạng đánh bắt cá bằng chất nổ một cách công khai, táo tợn của các thuyền nghề từ nơi khác đến, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Ông Nguyễn Diêm, chủ một tàu cá làm nghề pha xúc ở Mỹ Tân (Thanh Hải) kể: “Chứng kiến cách khai thác của họ không khỏi thấy xót xa bởi cá lớn, cá bé đều bị tận diệt, nhưng không phải tất cả đều được vớt lên hết, một phần số cá chết không vớt kịp đã chìm xuống dưới đáy rất lãng phí”. Việc đánh chất nổ không chỉ đe dọa các nghề lưới mà cả nghề lặn bắt cá, thậm chí các dàn nghề lưới đăng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Gần đây, hiện tượng trên tiếp tục gây bức xúc, khiến 50 hộ ngư dân ở Phước Dinh (Thuận Nam) có đơn kiến nghị cơ quan chức năng về việc chống sử dụng chất nổ trên vùng biển mình. Theo Kỹ sư Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh, sở dĩ có tình trạng trên, do trong những năm gần đây trên vùng biển tỉnh nhà, nơi có độ sâu dưới 50 m, nguồn lợi hải sản tầng đáy đã bị khai thác quá mức, có dấu hiệu cạn kiệt nên ngư dân chuyển từ nghề khai thác cá đáy sang làm các nghề khai thác cá nổi. Đáng nói, một số thuyền nghề đã thay lưới vây rút chì bằng lưới vây rút mùng, mà đây là nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi do sử dụng mắt lưới quá nhỏ và trong hoạt động khai thác thường kèm theo sử dụng chất nổ”.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra bảo vệ trật tự khu vực vịnh Vĩnh Hy.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 171 tàu cá hành nghề lưới vây rút mùng, bao gồm 80 chiếc ở huyện Ninh Hải, 83 chiếc thuộc huyện Thuận Nam và 8 chiếc của phường Đông Hải (Tp Phan Rang-Tháp Chàm). Trừ số tàu thuyền Phan Rang-Tháp Chàm đã rõ; còn lại cụ thể Ninh Hải có 54 chiếc của Khánh Hải, 20 chiếc ở Thanh Hải và 6 chiếc thuộc Vĩnh Hải; Thuận Nam có 59 chiếc tại Cà Ná, 24 chiếc của Phước Diêm. Như vậy số tàu cá hành nghề lưới vây rút mùng tập trung đông nhất ở Cà Ná và Khánh Hải. Thực ra trong các lưới nghề không có tên vây rút mùng, đây là cách gọi của ngư dân địa phương đối với lưới vây có kích thước mắt lưới nhỏ hơn qui định. Bà Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Qua khảo sát, ngành đã phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền vận động ngư dân chuyển nghề. Tuy nhiên do chi phí sử dụng chất nổ thấp mà lượng cá đánh bắt lại được nhiều, một số chủ thuyền hám lợi vẫn tiếp tục hành nghề này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng ngư dân và sự răn đe của cơ quan quản lý nhà nước địa phương”. Đã có nhiều trường hợp tàu đánh chất nổ đến hành hung, tranh mất cá đang kéo lưới của ngư dân. Đơn cử vừa qua tại vùng biển Sơn Hải (Phước Dinh), đã có một tàu cá không số đăng ký sau khi đánh chất nổ đã đập phá tàu của ông Lê Văn Ngọc, ngư dân địa phương, gây thiệt hại 1,7 triệu đồng (vỡ 3 bóng đèn siêu áp và 1 đèn dê).

Trước tình hình sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản diễn biến phức tạp, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh, dưới sự hỗ trợ của lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản. Đầu tháng 3, qua phối hợp Đồn BP 416, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh và người dân Sơn Hải tiến hành bắt giữ tàu cá của ông Dương Văn Thái (cư trú khu phố Ninh Chử 2, Khánh Hải, Ninh Hải) đang sử dụng trái phép chất nổ khai thác thủy sản trên vùng biển gần bờ Sơn Hải bằng lưới vây rút mùng. Qua đề nghị của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 18,7 triệu đồng, tịch thu lưới vây rút mùng và tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản. Đối với hành vi có dấu hiệu sử dụng trái phép chất nổ để khai thác thủy sản của ông Dương Văn Thái, Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Thuận Nam điều tra, xử lý. Vụ việc điển hình trên đây đã cho thấy tác dụng răn đe bước đầu, làm giảm đáng kể hiện tượng khai thác thủy sản bằng chất nổ của các phương tiện hành nghề vây rút mùng.

Hiện nay Chi cục KT&BVNLTS tỉnh đang tiến hành kiểm tra thực tế kích thước ngư cụ các tàu hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề lưới vây rút mùng, kiên quyết không cấp phép khai thác nếu có vi phạm về mắt lưới quá nhỏ. Tuy nhiên để giữ gìn an ninh trên vùng biển, theo ông Đặng Văn Tín, giải pháp quan trọng hơn cả là tiếp tục phối hợp với lực lượng BĐBP tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sử dụng trái phép chất nổ và lưới vây rút mùng có kích thước mắt lưới nhỏ trong khai thác hải sản.