Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình phiên họp 27, chiều ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp Tướng, cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan công an nhân dân... là vấn đề được UBTVQH tập trung thảo luận.

 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là rất cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Luật Công an nhân dân. Đồng thời, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta.

Dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) gồm 7 chương, 42 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2005 không thay đổi về số chương, giảm 01 điều, giữ nguyên nội dung của 12 điều; giữ nội dung cơ bản của 18 điều, tách Điều 4 thành 02 điều (Điều 4 và Điều 14), sửa đổi, bổ sung một số cụm từ, thay đổi số thứ tự của các điều cho phù hợp; sửa đổi, bổ sung cơ bản 13 điều, trong đó nhập các điều 14, 15, 16 thành Điều 15 và thay đổi số thứ tự của các điều này.

Một trong những điểm mới của dự thảo luật là thời hạn phong quân hàm. Dự thảo luật quy định theo hướng thời hạn thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng là 4 năm, còn trong mỗi cấp Tướng thì không quy định thời hạn. Theo giải thích từ cơ quan soạn thảo, nếu quy định cụ thể thời hạn thăng cấp bậc hàm trong mỗi cấp Tướng thì tuổi đời của sĩ quan cấp Tướng khi được phong, thăng sẽ cao (Đại tướng là 63 tuổi, Thượng tướng là 59 tuổi, Trung tướng là 55 tuổi, Thiếu tướng là 51 tuổi). Như vậy, sẽ khó quy hoạch nguồn cán bộ cũng như gặp khó khăn trong bố trí, sử dụng cán bộ khi có nhu cầu. Quy định như dự thảo Luật vẫn bảo đảm chặt chẽ, bởi việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng được thực hiện theo trình tự, thủ tục qua nhiều khâu, nhiều cấp.

Tuy nhiên, thẩm tra dự án luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh đề nghị quy định trong Luật thời hạn xét thăng cấp bậc hàm tướng theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 398-TB/TW (tức thời gian thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng và thời gian thăng quân hàm trong mỗi cấp Tướng tối thiểu là 4 năm, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư xem xét, quyết định). Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, việc quy hoạch bảo đảm yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ sĩ quan cấp tướng trong Công an nhân dân phải được xác định trên cơ sở các chức vụ có quân hàm cấp tá để bồi dưỡng, đào tạo, bảo đảm có chọn lọc đối với sĩ quan có đức, tài và có nhiều cống hiến tương xứng với vị trí có nhu cầu cấp tướng. Theo đó, đối với những sĩ quan phấn đấu xuất sắc thì thực hiện phong thăng cấp bậc hàm trước niên hạn hoặc vượt cấp theo quy định của Luật hiện hành.

Đồng tình với cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, quy định thời hạn phong quân hàm cấp Tướng như Dự thảo luật là chưa phù hợp, vì vậy cần thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho hay nên quy định thời hạn phong quân hàm cấp Tướng.

Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân, đối với Bộ trưởng Bộ Công an, dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật Công an nhân dân năm 2005, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của các đồng chí Thứ trưởng là Thượng tướng. Riêng đối với đồng chí Thứ trưởng thứ nhất, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng, vì theo Ban soạn thảo, đồng chí này đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an, sau đồng chí Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương. Theo Thứ trường Bùi Văn Nam, quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân.

Cũng theo dự thảo luật, Giám đốc Công an tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Giám đốc Công an các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; Giám đốc Công an các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Đồng Nai thì cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì ba tỉnh này là tỉnh biên giới, dân số đông, diện tích lớn, tình hình an ninh, trật tự phức tạp. Đối với Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, là đô thị loại đặc biệt nên Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Thượng tá.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến đề nghị cần xác định rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng và tiêu chí của mỗi cấp bậc hàm tướng để làm căn cứ xác định, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại cơ quan, đơn vị trong công an nhân dân. Theo đó, cần quy định cấp bậc hàm cao nhất cho từng nhóm chức vụ cơ bản để xác định các chức vụ khác nếu tương đương về chức vụ thì tương đương về quân hàm. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác đề nghị quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong công an nhân dân để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm tướng phù hợp với cơ cấu tổ chức của công an nhân dân, đồng thời có sự cân đối, thống nhất, ổn định hệ thống cấp bậc hàm trong toàn lực lượng./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam