Độc đáo tranh ghép gỗ nghệ thuật

(NTO) Nếu như làm gốm ở Bàu Trúc hay dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ là những nghề đã có từ lâu đời, thì làm tranh ghép gỗ (TGG) nghệ thuật lại là nghề thủ công mỹ nghệ mới được phát triển ở Ninh Thuận trong một vài thập niên trở lại đây.

Theo các hội viên trong Hội Mỹ thuật tỉnh: Có hai loại TGG là TGG chìm và TGG nổi. Ghép gỗ chìm là các đường nét bằng phẳng với nền bức tranh, nhìn có chiều sâu giống như tranh khảm trai. Còn ghép gỗ nổi là các miếng gỗ có độ dày được ghép với nhau và dán nổi lên so với nền bức tranh. Tại tỉnh ta, một số cơ sở chế tác TGG gia công được cả 2 dạng tranh này. Tuy nhiên, TGG nổi tốn nhiều thời gian chế tác hơn và có xu thế được nhiều người ưa chuộng hơn so với loại TGG chìm. Nguyên liệu để làm TGG nhiều khi chỉ là những mẩu gỗ mít, mun, trắc, cẩm lai… được người thợ làm nghề tận dụng từ các xưởng cưa mà không hẳn phải là gỗ thịt lấy từ thân cây. Mỗi một miếng gỗ có các tông màu và đường vân khác nhau. Miễn là nó có màu sắc tự nhiên, vân đẹp, không bị phai màu và phù hợp với kết cấu, đề tài bức tranh là có thể “lọt vào tầm ngắm” của những người thợ tài hoa này.

 
Anh Phạm Ngọc Oanh bên tác phẩm TGG do chính tay mình làm ra.

TGG không đơn thuần chỉ là ghép những mảnh gỗ vụn vào với nhau. Để biến những mẩu gỗ vô hồn thành những tác phẩm có sức lay động lòng người thì sự hài hòa, tự nhiên trong bố cục, trong cách phối màu nhằm tạo ra ánh sáng, bóng nắng và điểm đậm nhạt mới là điều quyết định. Tuy nhiên, để đạt được sự hài hòa, tự nhiên ấy thì đòi hỏi mỗi người thợ phải có sự kiên trì, mày mò, tỉ mẩn và sức sáng tạo không ngừng trong quá trình làm ra sản phẩm. Chúng tôi tìm gặp anh Phạm Ngọc Oanh (xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn)- Chủ một cơ sở chế tác TGG với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề và đã từng dành được nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu thêm về nghệ thuật làm TGG đầy lý thú này. Anh Ngọc Oanh cho biết: Khi đã có nguyên liệu, ý tưởng, anh vẽ phác thảo ra giấy, sau đó dán lên mảnh gỗ nền để tiến hành phân mảng, lựa chọn chất liệu và màu gỗ sao cho thành một TGG có chủ đề và bố cục hoàn chỉnh. Cưa, đục, mài, ghép, đánh bóng, phun là những công đoạn chính để tạo nên một bức TGG. Anh Ngọc Oanh thường tự định giá cho những bức tranh của mình dựa trên chất liệu và độ phức tạp của chúng. Thông thường, mỗi bức có giá giao động từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng, có bức lên tới cả vài chục triệu đồng, đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định.

Hơn 20 năm nay, trên 60 người thợ học nghề được anh đào tạo đã tỏa đi khắp trong và ngoài tỉnh, trở thành những người chủ, người thợ lành nghề trong lĩnh vực làm TGG khiến anh không khỏi tự hào. Sản phẩm TGG do anh Ngọc Oanh làm ra được nhiều người trong và ngoài tỉnh mến mộ. Hiện cơ sở anh có 10 nhân công lao động thường xuyên, hàng ngày gia công theo đơn đặt hàng của khách nội tỉnh và khách ở TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt.

Đề tài cho TGG rất phong phú và đa dạng xoay quanh cuộc sống, thiên nhiên, con người tuỳ theo nhu cầu của khách hàng. Các bức được nhiều người yêu thích như: Cảnh đồng quê, Xuân hạ thu đông, Mã đáo thành công, Cá chép hoặc các TGG thư pháp, TGG vĩ nhân... Có thể thấy, tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là những điều mà cả khách hàng và thợ làm TGG đều muốn gửi gắm qua mỗi bức tranh. Là một người đam mê thú chơi TGG, anh Lê Văn Lân (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) cho biết: Tôi thích mùi thơm của gỗ, cũng như thích ngắm những vân, nu nổi lên theo thời gian của những bức TGG. Tôi còn yêu thích TGG vì nó được làm nên bằng sự tận dụng những mẩu gỗ bé nhỏ, dư thừa chứ không phải từ việc chặt phá rừng, hủy hoại tới môi trường.

Ngày nay, TGG không chỉ được dùng làm đồ trang trí trong gia đình mà còn được sử dụng như những món quà tinh tế và ý nghĩa dành tặng bạn bè hoặc người thân. Hy vọng trong tương lai, sản phẩm TGG Ninh Thuận sẽ được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và yêu thích.