Đòn nghi binh chiến lược, thần tốc, táo bạo và thần kỳ!

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sử dụng nhiều cú đòn nghi binh chiến lược rất hiệu quả, trong đó tiêu biểu là dùng Đại đoàn 308 tiến quân sang phía Thượng Lào để "dương đông, kích tây"; "điệu hổ, ly sơn"; "biến thực thành hư, biến hư thành thực", góp phần quan trọng vào toàn thắng của Chiến dịch.

Ngày 26/1/1954, sau khi quyết định chuyển từ chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sau khi thống nhất trong Đảng uỷ mặt trận, Bộ Tư lệnh mặt trận đã quyết định "kéo pháo ra". Lúc này, việc kéo pháo ra cũng khó khăn y như kéo pháo vào và đã không còn giữ được thế bí mật hoàn toàn như ban đầu. Bởi vậy, để che mắt quân Pháp, và cũng để kéo giãn bớt mật độ đánh phá, ngăn chặn của không quân địch, Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho Đại đoàn 308 lập tức tiến quân rầm rộ sang phía Lào và Thượng Lào. Việc tiến quân này mục đích chính là thu hút bớt máy bay Pháp về phía đó, đồng thời nếu gặp địch thì tấn công tiêu diệt bớt, nhằm giảm áp lực cho quân ta trong cong tác chuẩn bị chiến trường ở cánh đồng Mường Thanh. Mục đích thứ hai là đánh lừa, làm cho quân Pháp tưởng quân ta không dám đánh Điện Biên Phủ nên phải rút quân. Trên đường hành quân, tiến công nếu gặp thuận lợi thì thừa thắng giải phóng luôn vùng Thượng Lào. Vậy là một mũi tên nhằm bắn hai mục đích, vừa "dương đông, kích tây"; "điệu hổ, ly sơn" quân Pháp; vừa "biến thực thành hư, biến hư thành thực"…

Trong Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Hồi ký "Điện Biên Phủ - Chiến dịch lịch sử" của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nguyên Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ; Hồi ký "Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ" của Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Nguyên Chánh Văn phòng Tổng Quân uỷ và Bộ Quốc phòng… đều đã miêu tả rất rõ về đòn nghi binh chiến lược và thần kỳ này.

Đảng uỷ mặt trận họp quyết định chuyển phương châm từ "đánh nhanh, thắng nhanh"
sang "tiến chắc, đánh chắc" và quyết định dùng Đại đoàn 308 đánh đòn nghi binh quân Pháp
(Ảnh: tư liệu TTXVN)

Ngày 26/1/1954, sau khi đã thống nhất thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "tiến sách đánh chắc", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã lập tức ra lệnh cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308: "Tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Prabăng tiến quân. Dọc đường gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc vô tuyến điện. Khi được hỏi, mới trả lời".

Đồng thời, Đại tướng cũng chỉ thị cho một bộ phận nhỏ, mang theo một đài vô tuyên điện đi về phía Mộc Châu (Sơn La), mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo: "Đại đoàn 308 đã về tới… ". Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Vì có những bức điện này, lúc đầu, quân Pháp tưởng Đại đoàn 308 đang quay về đồng bằng…

Ngay chiều hôm đó, Đại đoàn 308 rời trận địa với mỗi người một túi gạo rang trên vai chỉ đủ ăn trong hai ngày, đi về hướng tây - nam Điện Biên Phủ, nhắm vào phòng tuyến sông Nậm Hu trên đất Lào.

Ngày 29-1, Đại đoàn 308 hành quân tới Sốp Nạo. Tại đây, Đại đoàn được Bộ Chỉ huy chiến dịch thông báo theo tin kỹ thuật, địch đã phát hiện Đại đoàn 308 tiến về hướng này, số quân đóng ở Mường Khoa và vùng lân cận bắt đầu rút chạy về hướng Mường Sài, Luông Prabăng, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho Đại đoàn lập tức truy kích.

Đại đoàn 308 quyết định chia làm hai cánh đuổi theo quân địch. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ và đồng chí Lê Quang Đạo (được Bộ Chỉ huy chiến dịch cử xuống thay đồng chí Song Hào bị mệt không đi chiến dịch) cùng các Trung đoàn 36, 88 đi theo hướng Luông Prabăng. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh và một Sở Chỉ huy nhẹ của Đại đoàn đi với Trung đoàn 102 về hướng Mường Sài. Cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 đã có kinh nghiệm ở Thượng Lào mùa xuân năm trước, biến truy kích địch đường dài thành một cuộc chạy đua nước rút, bất kể đơn vị nào người nào có sức khỏe là vượt lên trước, thấy địch là đánh, gặp đơn vị bạn là chủ động phối hợp. Họ quyết không bỏ lỡ cơ hội.

Đại đoàn 308 tấn công truy kích địch giải phòng vùng Thượng Lào
(Ảnh: tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Như vậy là suốt từ ngày 29/1 cho đến ngày 2/2/1954, Đại đoàn 308 chia làm hai cánh quân tiến song song hành quân thần tốc truy kích địch, gặp địch ở đâu là lập tức nổ súng tấn công và đánh trận nào cũng chiến thắng ròn rã.

Bộ đội ta đã truy kích địch liên tục gần sáu ngày đêm. Dọc đường hầu như chỉ ăn toàn gạo rang. Nhiều làng bản trên dọc đường và những kho gạo của ta đã bị địch đốt phá. Các đồng chí lãnh đạo địa phương của bạn gặp bộ bộ đội của ta đều sốt sắng chia nhau đi các nơi huy động gạo. Phần lớn dân chúng đã mang theo thóc gạo, lợn gà, lánh vào rừng sâu. Khi nghe có bộ đội Việt Nam tới đánh Pháp, nhiều người mang lương thực quay trở về. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nói với nhân dân mang gạo ra dọc đường, gặp đơn vị đang truy kích là trao, cán bộ để lại giấy biên nhận rồi bộ đội sẽ thanh toán sau. Lương thực, thực phẩm huy động được không thiếu nhưng do bộ đội vận động không ngừng nên nhiều bữa cho ăn gạo rang thay cơm.

Tối 29 Tết Giáp Ngọ (tức ngày 2/2/1954), Trung đoàn 36 tiếp tục truy kích. Nửa đêm, trên đường đi Nậm Ngà, gặp một con suối, các đồng chí Hồng Cư và Ngọc Dương, Chỉ huy Trung đoàn quyết định cho bộ đội nghỉ lại đón giao thừa. Không ai biết chính ở nơi đây sẽ diễn ra trận đánh lớn nhất trên đường truy kích.

Sáng hôm sau, ngày 3/2, đúng ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ, các chiến sĩ Đại đội 395 vừa thức giấc thì một toán rất đông quân địch xộc vào nơi trú quân. Một trận tao ngộ chiến diễn ra. Tiếng súng nổ khắp nơi, Đại đội xông lên một quả đồi chiếm địa thế cao đánh địch. Nhưng càng tiến lên càng thấy đông quân địch. Sau giây phút bàng hoàng địch dùng đại liên và ĐKZ chống cự. Lực lượng ta rất mỏng, Trung đoàn phó Ngọc Dương trực tiếp chỉ huy súng cối yểm trợ cho bộ đội. Giữa lúc đó tiếng súng cối 82 1y, rồi tiếng súng máy của ta nổ ran. Những đại đội đi sau, nghe tiếng súng đã kịp thời chạy lên tiếp viện đánh bọc sườn quân địch. Địch bị thương, chết và ra hàng mỗi lúc một đông. Lá cờ rách nát rơi trên trận địa có dòng chữ "1er BAT", Tiểu đoàn ngụy Thái số 1. Tiểu đoàn này từ phía Mường Sài kéo về Nậm Ngà đến đây thì chạm phải quân ta và bị tiêu diệt.

Đến chiều ngày 7/2, Tiểu đoàn 80 của Trung đoàn 36 tới Pắc Sương, bắt được liên lạc với Tiểu đoàn quân tình nguyện 970 và bộ đội Pathét Lào. Năm đại đội địch ở Pắc Sương đánh hơi thấy quân ta, bỏ đồn tháo chạy. Trung đoàn 36 đi tiếp tới một ngã ba sông. Đây là nơi sông Nậm Hu gặp sông Mê Công. Mặt sông mênh mang không một bóng thuyền bè. Bên kia sông có thể có địch. Cần một bộ phận sang trước để lập một đầu cầu. Cả đội quân báo đều xung phong. Chiếc bè chuối vượt sông ban đêm. Lát sau bên kia sông xuất hiện một đám lửa. Dấu hiệu đầu cầu đã được thiết lập.

Ngày 11/2, toàn trung đoàn vượt sông Mê Công với một số thuyền lớn của nhân dân Lào và những bè do đơn vị tự làm.

Chiều ngày 12/2, họ gặp một đồn tiền tiêu của Luông Prabăng ở phía tây. Đây là đồn Bản Na nằm sâu hong hậu phương địch nên công sự phòng thủ sơ sài. Tiểu đoàn 80 được lệnh công kích. Cuộc chiến đấu diễn ra rất nhanh. Chỉ với súng cối 60 ly và hỏa lực đại liên chi viện, Tiểu đoàn 80 đã tiêu diệt gọn một trung đội lê dương và một trung đội ngụy Lào. Tàn quân địch tháo chạy về Luông Prabăng. Bộ đội ta truy kích bắt thêm một chục lính Âu Phi và lính ngụy, trong đó có một viên quan hai. Trung đoàn 36 chỉ còn ở cách thủ đô nhà vua Lào không đầy 20 km. Bộ Chỉ huy chiến đấu ra lệnh cho Đại đoàn 308 dừng lại.

Trước đòn tiến công bất ngờ của ta, đặc biệt là Luông Prabăng bị uy hiếp. Tướng Henri Eugène Navarre (Na-va), Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương phải lập một cầu hàng không tăng viện cho Thượng Lào. Ông ta đã vét từ đồng bằng Bắc Bộ, từ Xiêng Khoảng, lập thêm hai tập đoàn cứ điểm mới ở Luông Prabăng và Mường Sài.

Qua hơn mười ngày truy kích địch trên chặng đường dài gần 300 km, bộ đội ta đã tiêu diệt và làm tan rã 17 đại đội địch trong đó có 1 tiểu đoàn lính lê dương bị tiêu diệt gọn, thu hàng chục tấn vũ khí, đạn dược. Ta giải phóng toàn bộ lưu vực sông Nậm Hu, ước tính 10.000 km2, cô lập hoàn toàn Điện Biên Phủ. Mặc dù không được chuẩn bị về tham mưu cũng như hậu cần nhưng Đại đoàn 308 đã dồn mọi nỗ lực bên cuộc hành quân thành một đòn tiến công thực sự có quy mô như một chiến dịch và đạt được những hiệu suất chiến đấu rất cao, vượt xa yêu cầu đề ra cho đại đoàn lúc đầu.

Nhân lúc địch hoang mang, Trung đoàn 148 đã cùng bộ đội Pathét Lào nhanh chóng giải phóng Bun Tầy, Bun Nừa trực tiếp đe doạ tỉnh lỵ Phông Xa Lỳ.

Không những hoàn thành mục tiêu giải phóng vùng Thượng Lào, mà Đại đoàn 308 còn thừa thắng tiến xuống Luông Prabăng, ở Hạ Lào; Tiểu đoàn 436 và bộ độ Pathét Lào đã giải phóng Pắc Xế, rồi tiến về Xaravan.

Nhờ những hoạt động của Đại đoàn 308 trên đất Lào mà vùng trời Điện Biên Phủ vắng hẳn tiếng máy bay. Hầu hết lực lượng không quân vận tải và một phần không quân chiến đấu đã bị hút sang Thượng Lào…

Cái hay nhất của đòn nghi binh này là sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên đất Lào, Đại đoàn 308 vẫn bảo toàn được lực lượng, kịp hành quân quay về Điện Biên Phủ đúng ngày 11/3/1954, vẫn đủ thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị chiến đấu và bước ngay vào tham gia cùng với toàn quân nổ súng tấn công bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các tướng chỉ huy quân Pháp Hen-ri, Cô-nhi, Đờ Cát-xtơ-ri
đàng bàn kế sách đối phó với quân ta tại chiến trường Điện Biên phủ
(Ảnh: tư liệu AFP)

Sau này, Na-va tiết lộ: Lúc ấy, Bộ Chỉ huy Pháp đánh hơi thấy việc Đại đoàn 308 "rút khỏi chiến trường Điện Biên Phủ". Điều này khiến quân Pháp khẳng định rằng Việt Minh bỏ cuộc không tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nữa! Tuy nhiên, vì hoạt động của Đại đoàn 308 trên đất Lào quá hiệu quả nên Na-va đã phải chuyển ưu tiên không quân cho chiến trường Thượng Lào hòng giữ cho được phòng tuyến sông Nậm Hu. Mấy tuần liền, trên bầu trời Điện Biên Phủ giảm hẳn tiếng máy bay địch.

Cũng về sau này, qua hỏi cung tù binh và qua sách báo do chính người Pháp viết, ta được biết trong những ngày Na-va dồn máy bay sang chi viện cho Thượng Lào, chiếc "dạ dày Điện Biên Phủ" đã bị uy hiếp nghiêm trọng. Cơ số đạn dược, nhiên liệu và cả khẩu phần của binh lính trong tập đoàn cứ điểm bị giảm hẳn. Đại tá Đờ Cát-xtơ-ri, Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải điện cho Tướng René Cogny (Re-na Cô-nhi), Chỉ huy lực lượng quân Pháp tại Bắc kỳ, rồi Cô-nhi điện cho Na-va đòi "trả lại ngay ưu tiên về không quân" cho tập đoàn cứ điểm, nếu không, chiếc "dạ dày Điện Biên Phủ" đứng trước nguy cơ lép kẹp !

Phòng tuyến sông Nậm Hu, con đường "hành lang chiến lược" mà Na-va định dùng làm chiếc cầu cho quân Pháp tháo chạy khỏi Điện Biên Phủ nếu bị thua trận, nay đã không còn. Tập đoàn cứ điểm này đã hoàn toàn bị cô lập. Na-va vội vã ném ba tiểu đoàn xuống Luông Prabăng và Mường Sài. Lực lượng cơ động của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ lại bị teo thêm. Như sau này viên Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương đã phải cay đắng thú nhận cuộc tiến công của Việt Minh sang Thượng Lào là một đòn quá bất ngờ đối với Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp.

Trong Hồi ký của mình, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Nguyên Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định: Vậy là mục đích đánh lạc hướng quân Pháp đã thành công. Hình thức dùng thông tin vô tuyến "nửa kín nửa hở" mà cơ quan tham mưu mặt trận hướng dẫn cho đại đoàn 308 đã có tác dụng đánh lừa địch. Na-va và Bộ Chỉ huy Pháp lại bị thêm một bất ngờ mới trong cuộc đấu trí với ta. Sự bất ngờ này kéo dài mãi trong suốt quá trình Đại đoàn 308 hoạt động ở Thượng Lào. Chẳng thế mà vào dịp Tết năm đó, Đờ Cát-xtơ-ri đã cho máy bay ném truyền đơn thách thức quân ta sao đã mang binh hùng tướng mạnh lên Điện Biên Phủ mà lại không dám tiến công. Chỉ đến khi Đại đoàn 308 đã quét sạch 17 đại đội địch dọc sông Nậm Hu, giải phóng vùng Thượng Lào, rồi quay trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Pháp mới nhận thấy một thực tế chua xót đối với họ là: Việc quân Pháp chiếm đóng Điện Biên Phủ chẳng có tác dụng ngăn chặn quân ta tiến công sang hướng Thượng Lào như họ mong ước. Và quân ta chẳng hề bỏ quyết tâm tiến công tập đoàn cứ điểm như họ lầm tưởng. Kết luận mà họ rút ra là đúng nhưng có điều hơi muộn.

Trong Hồi ký của mình, Đại tá Nguyễn Văn Hiếu, Nguyên Chánh Văn phòng Tổng Quân uỷ và Bộ Quốc phòng đã nhận xét: Quyết định điều Đại đoàn 308 đánh vào phòng tuyến sông Nậm Hu của định ở Thượng Lào trong điều kiện "không có chuẩn bị trước", là một điển hình về việc xử lý tình huống rất mạnh dạn, rất sáng tạo, vừa tiêu diệt thêm sinh lực địch, vừa nghi binh chiến lược đánh lạc hướng phán đoán của địch, đưa chúng đến chỗ có lúc tưởng nhầm ta bổ ý định tiến công Điện Biên Phủ. Chủ trương này thể hiện rất rõ tư tưởng tiến công, trí thông minh, nhạy bén của Tổng Tư lệnh, sự am hiểu chiến trường Lào và nhân dân Lào, lòng tin vững chắc ở tinh thần chấp hành mệnh lệnh và khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308. Chủ trương này là một "nước cờ cao tay siêu đẳng", "nước cờ bậc thầy hiếm có" trong cuộc đấu trí giành quyền chủ động trên chiến trường của Tổng Tư lệnh với những bộ óc sáng suốt nhất của đối phương.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam