Quê nhà yêu dấu

(NTO) 1. Đâu mấy ai đem tuổi trời cho để đong đếm những buồn vui, thăng trầm, được mất và cả những dâu bể cuộc đời. Dù biết vậy nhưng những lần nghoảnh lại ngày tháng cũ vẫn cho ta thêm yêu quý cuộc sống hôm nay.

Mới đó mà đã gần 40 năm! Thời gian đủ cho ta chiêm nghiệm và gói ghém vào lòng mình những giá trị cuộc sống, hơn thế, là giá trị nhân sinh. Sau chừng ấy năm, tưởng đã xa xăm lắm cái thời thơ dại ấy. Cái thời lũ thiếu niên nhà quê chúng tôi đến trường mang theo trong cặp sách của mình sự trong sáng hồn nhiên cùng với mùi rơm rạ vấn vương vàng hương lúa chín.

Tháng Tư ngày ấy. Tháng Tư bây giờ. Những Đội viên Thiếu Niên Tiền Phong bây giờ đã nhiều người lên chức ông bà, đã bắt đầu “hai màu tóc”. Đã rất nhiều thứ đổi thay. Hỏi bạn còn nhớ gì không? Xin thưa, những chiếc khân quàng tung bay trong sân trường rợp nắng. Những bài học về quê hương xứ sở nhiều gian nan nhưng rất đỗi tự hào. Về một dân tộc anh hùng nhưng thích làm thơ hơn cầm gươm cầm súng. Về một dải non sông gấm vóc từ Ải Nam quan đến mũi Cà Mau.

Thầy cô giáo đã dạy cho chúng tôi về tất cả những điều tốt đẹp từ những ngày xưa ấy.

Tháng Tư ấy. Tháng Tư này. Đã gần bốn mươi năm!

2. Nếu có ai hỏi bạn yêu gì với quê nhà Phan Rang thừa nắng thiếu mưa? Xin thưa, tôi rất yêu những con đường. Con đường đất nho nhỏ ngày xưa quanh co nắng lụi mưa lầm men theo những ô ruộng nhỏ hàng ngày vẫn đưa chân tôi tới ngôi trường của xã cách ngôi làng nhỏ bé của tôi độ vài cây số. Ở đó quyển sách đầu tiên tôi đọc trong đời là quyển Tâm hồn cao thượng do dịch giả Hà Mai Anh chuyển ngữ. Đang độ hoa niên có mấy ai cảm thức một cách vẹn tròn những trang sách đẹp như những bài thơ tụng ca tâm hồn cao đẹp và thiên lương của con người. Tôi cũng vậy và chắc bạn cũng đồng cảm với tôi? Chỉ xác tín một điều: trên con đường làng quê nhỏ bé ấy, những đứa học trò trẻ con ngày xưa vịn những trang văn đẹp đẽ và bay bổng ấy như là hành trang thần kỳ để hăm hở bước vào đời.

Cuộc đời vốn dài rộng và trước mỗi ngã ba, ngã tư mỗi chúng tôi đã chọn ngã rẽ riêng mình. Gần 40 năm, ngoái đầu nhìn lại, hành trình nhân sinh tưởng đã xa thật là xa mà cũng gần thật là gần. Tôi nhớ một nhà văn lớn đã minh triết rằng bạn cứ đi hết cái làng quê nhỏ bé của mình sẽ đến được với thế giới. Và một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng của Việt Nam thì kể rằng trong cuộc đời của mình để trả lời cho câu hỏi mà thuở thiếu thời ông đã hỏi người cô của mình rằng có đường chân trời không và nó ở đâu? Ở đâu? Sau bao nhiêu năm đi khắp nước này nước nọ, ngày trở về ông ngồi bên ngôi mộ người cô ngày xưa và thấy được đường chân trời ngay làng quê nhỏ bé của mình. Ở dây và ngay lúc này: Đó là quê nhà, là tình yêu, là hành trang tâm tưởng mà dù có đi đâu về đâu thì ta vẫn cứ suốt đời mang theo.

Tôi đã mang theo hình bóng những con đường, những làng quê, những cánh đồng, những ngôi trường và những mặt người dù quen dù chưa quen… Nhưng tất cả là hình dáng quê nhà. Xứ sở của nắng gió, một miền hoang mạc mênh mông với biển xanh cát vàng với núi rừng trập trùng và những con người thân thiện. Xin cho vẹn nguyên chút hoài niệm “ngày xưa ơi” trong hành trang tâm tưởng để mỗi người còn đồng hành với đời sống hôm nay.

3. Ngày hôm nay không phải là ngày hôm qua. Nó là thành quả của trí tuệ, của công sức và sự cần lao của biết bao tấm lòng. Những con đường đã dài rộng hơn. Phố nhà mới mẻ và vững chãi hơn. Làng quê rộn ràng và trù phú hơn. Tuy nhiên từ ngày hôm nay để đến với ngày mai là cả một hành trình đòi hỏi rất nhiều nhiệt huyết, nhiều trí tuệ và nhiều công sức.

Tháng Tư này ngang phố chợt đâu đó vang lên tiếng ve sớm gọi mùa. Mùa thi. Mùa của khát vọng, của tình yêu và tuổi trẻ. Có một miền nào trong cõi nhớ của các bạn không, hỡi các bạn học trò trẻ trung và hồn nhiên nếu một mai các bạn phải rời xa quê nhà?

Hãy đi hết làng mình các bạn sẽ đến với thế giới và hãy trở lại quê mình để nhìn thấy chân trời.