Ninh Sơn: Trên đường phát triển

(NTO) Sau 39 năm kể từ ngày tỉnh nhà được giải phóng, vùng chiến khu Anh Dũng xưa nay đã “thay da, đổi thịt”. Những con đường nhựa, đường bê-tông tít tắp thay cho lối đi men rừng, nối các trục đường giao thương, vùng sản xuất nhộn nhịp; những khu phố sầm uất, những ngôi nhà mái ngói ấm áp tiếng cười... Ninh Sơn sau ngày chia tách tỉnh đã trở thành “thủ phủ” của vùng nguyên liệu cây công nghiệp ngắn ngày và một phố núi chuyển mình với những dấu ấn riêng.

Nói đến sự phát triển của Ninh Sơn trong những năm qua, trước hết nhìn từ lĩnh vực kinh tế. Trong đó, nổi bật là kết quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn; chú trọng nâng cao giá trị sản xuất, giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích.

Trung tâm huyện Ninh Sơn.

Theo thống kê của UBND huyện, năm 2013, giá trị sản xuất toàn huyện đạt 839 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng 11%; so với những năm mới tái lập tỉnh, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng 6,4%; Công nghiệp-xây dựng tăng 13,4%; thương mại-dịch vụ tăng 14,9%. Hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, đến nay đã xây dựng nâng cấp hơn 157km đường giao thông; trên 95% thôn, khu phố có đường giao thông đến tận nơi. Hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa, chủ động nước tưới cho trên 30% diện tích đất sản xuất của địa phương.

Điều đáng nói, nếu như năm 2001 (khi chia tách 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái) cơ sở kinh tế huyện còn hạn chế, nhưng đến nay, diện mạo một Ninh Sơn “mới”- vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh đã dần định hình với Cụm công nghiệp Quảng Sơn; Nhà máy gạch tuy-nen Quảng Sơn, Mỹ Sơn có công suất 50 triệu viên/năm; Nhà máy ván ép Triển Lâm công suất 30 ngàn m3/năm; Nhà máy dệt Quảng Phú có vốn đầu tư 297 tỷ đồng, sản lượng khăn bông khoảng 6.240 tấn/năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động; các nhà máy thủy điện Sông Ông, Hạ Sông Pha 1, Hạ Sông Pha 2, Thượng Sông Ông hứa hẹn cung cấp hàng triệu KW điện cho cả nước. Bên cạnh đó, các dự án du lịch sinh thái gắn kết phát triển dịch vụ-du lịch cũng tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế của một huyện miền núi.

 
Công nhân Nhà máy thủy điện Sông Ông kiểm tra an toàn hệ thống điện.

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân nhờ đó có nhiều mặt được cải thiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách được địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, chăm lo đời sống nhân dân với mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế mới. Để bà con có thể “an cư, lạc nghiệp”,  trong nhiều năm qua, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của Trung ương, của tỉnh, các tầng lớp nhân dân trong huyện đã chung tay đoàn kết giúp đỡ xoá hàng nghìn căn nhà tranh tre, dột nát, mang lại mái ấm cho gần 3.500 hộ gia đình nghèo.

Đồng chí Nguyễn Tiến Đức, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn nhìn nhận: Sau 22 năm tái lập tỉnh, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Sơn đã khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phát huy tiềm năng và lợi thế, xây dựng huyện nhà ngày càng vững mạnh về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp thực hiện đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước. Đáng kể, so với thời điểm sau năm 1992, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện tăng 1,83 lần; sản lượng lương thực tăng 2,6 lần; tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 21,86 lần. Tính đến nay, 100% trường học và trạm y tế được kiên cố hóa; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98%; trên 80% dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% hộ có điện lưới quốc gia và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 19%.

Giờ lên lớp của cô và trò Trường TH Nhơn Sơn. Ảnh: Thanh Long

Để cho những bước phát triển vững chắc tiếp theo, huyện Ninh Sơn đã hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội với những giải pháp căn cơ. Trước hết là tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh và phát huy hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Về kinh tế, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực; tập trung ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế, nhất là tiềm năng và thế mạnh về sản xuất nông-lâm nghiệp, công nghiệp năng lượng và du lịch. Phấn đấu đến cuối năm 2014, đưa tốc độ tăng trưởng của huyện đạt từ 11-12%; tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 934,77 tỷ đồng.

Nhìn lại hành trình đã qua, những thành tựu đạt được chính là cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Ninh Sơn tiếp tục thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Để khi nhắc đến vùng chiến khu Anh Dũng năm xưa, cán bộ và nhân dân trong huyện càng thêm tự hào về truyền thống của một huyện anh hùng đang trên đường phát triển.