Bác Ái hôm nay

(NTO) Trở lại huyện vùng cao Bác Ái vào những ngày đầu tháng 4, đi từ Phước Tiến đến Phước Đại, qua Phước Chính, ngược lên Phước Hòa, Phước Bình chúng tôi nhận thấy, những tên xóm, tên làng gắn liền với lịch sử truyền thống anh hùng năm xưa nay đang khoác lên mình một diện mạo mới.

Đồng chí Phạm Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy Bác Ái chia sẻ: Trong chiến tranh, quân dân huyện Bác Ái một lòng theo Đảng, bám đất, giữ làng nuôi giấu cán bộ cách mạng, tham gia kháng chiến. Đất nước thống nhất, bà con nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại quê hương.

Nông dân xã Phước Thành chăm sóc cây cao su. Ảnh: Văn Miên

Là địa phương có trên 95% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, những năm qua, Bác Ái luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, huyện Bác Ái còn được đầu tư toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Không chỉ thế, mới đây Thủ tướng Chính phủ còn đồng ý để cho huyện Bác Ái được áp dụng một số cơ chế, chính sách như các tỉnh Tây Nguyên. Đây là chương trình lớn có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân trên vùng đất anh hùng Bác Ái. Qua hơn 5 năm hưởng lợi, tại một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Phước Tân, Phước Thành, Phước Hòa..., ngoài việc được hỗ trợ thực hiện một số đề án như: Phát triển thủy lợi vừa và nhỏ; ổn định sản xuất và đời sống cho các hộ tái định cư; phát triển hệ thống văn hóa, thông tin, đa số các hộ dân trong huyện còn được hỗ trợ tiền xây nhà, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, được nhận rừng khoán quản... Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội của huyện đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng trong năm 2013, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đã đạt 100,7% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ sử dụng nước sạch đã tăng 20%, tỷ lệ thôn đạt danh hiệu văn hóa đạt 100% và tổng đàn gia súc tăng gần 30% so với kế hoạch.

Hệ thống thủy lợi Hồ Sông Sắt.Ảnh: Duy Anh

Nhìn lại chặng đường 14 năm qua (kể từ ngày tái lập huyện 2001), nhất là sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2011 – 2015, Bác Ái đang tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay 100% thôn sáng bừng điện lưới quốc gia. Các thiết bị nghe nhìn được phủ sóng khắp 38 thôn của 9 xã; nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được tiện nghi, vật dụng đắt tiền trong gia đình để phục vụ đời sống. Ông Chamaléa Tiếp, nguyên Bí thư Huyện ủy Bác Ái nhìn nhận: Cơ hội cho Bác Ái phát triển, nhất là ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là rất lớn, bởi địa phương đã được Nhà nước đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi. Ngoài một số hồ, đập nhỏ như Ô Căm, Phước Nhơn... hiện Bác Ái còn có các hồ lớn như Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung có dung tích gần cả 100 triệu m3 đảm bảo cung cấp nước thường xuyên cho hơn 5.000 ha đất sản xuất. Đặc biệt, phát huy lợi thế có đất rừng rộng, hiện nay ngoài việc ưu tiên phát triển các mô hình trồng cây cao su, trồng mía tại các xã Phước Tiến, Phước Thành, Phước Chính, ở Bác Ái nhiều mô hình chăn nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi heo tập trung theo hướng công nghiệp, phục hồi và phát triển chăn nuôi các loại gia súc như bò, dê...

Trung tâm huyện Bác Ái. Ảnh: V.Miên

Hiệu quả của những chương trình, dự án trên địa bàn huyện Bác Ái đang phát huy tác dụng đến đời sống người dân rất rõ. Qua khảo sát thực tế tại một số xã Phước Tân, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Đại, Phước Chính... chúng tôi nhận thấy, những diện tích đất lâu nay bỏ hoang giờ đã trở thành đồng ruộng sản xuất ít nhất 2 vụ/1 năm. Trong làm ăn phát triển kinh tế, bà con đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, biết chọn những giống cây trồng có năng suất, sản lượng cao như mía, mì, lúa nước... để gieo trồng. Chỉ tính riêng trong vụ đông – xuân năm nay, nông dân huyện Bác Ái đã gieo trồng được trên 1.000 ha, đạt 90% kế hoạch và tăng 34% so với cùng kỳ. Chị Pinăng Thị Tem, thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng tâm sự: Trước đây bà con địa phương chỉ quen với tập quán canh tác lúa rẫy, nhưng từ ngày có nguồn nước của hồ thủy lợi Sông Sắt, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, bà con đã mạnh dạn mở rộng diện tích và áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất cây lúa nước. Nhờ vậy, cây trồng này đã bén rễ trên vùng đất Phước Thắng, đem lại cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Với quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, hiện nay huyện Bác Ái đang huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển thông qua các chương trình, dự án như chương trình Nghị quyết 30a và một số dự án lồng ghép xóa nghèo khác như: Dự án Hỗ trợ Tam nông, Oxfam... Cùng với đó, địa phương còn tận dụng lợi thế về rừng để phát triển kinh tế như tập trung phát triển chăn nuôi, trồng rừng, đặc biệt là mô hình trồng mía, cây cao su đang có tín hiệu tốt như hiện nay để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Để đạt được kế hoạch đề ra, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, trước mắt, từ nay đến năm 2015 huyện vẫn xác định lấy nông, lâm nghiệp làm ngành sản xuất chính để ưu tiên các chính sách đầu tư hỗ trợ trực tiếp đến người dân, nhằm giúp bà con cải thiện nâng cao đời sống, tiếp đó huyện sẽ phân kỳ để đầu tư đúng theo nội dung của từng dự án. Phấn đấu đến năm 2015, số lao động nông thôn đã qua đào tạo, tập huấn đạt trên 40%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 20%. Bên cạnh đó, huyện chú trọng việc đào tạo, bố trí cán bộ; quy hoạch các vùng sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng của địa phương.