Học lịch sử qua những hành trình về nguồn

(NTO) Trong những ngày tháng Tư này, nhiều đơn vị tổ chức hành trình về nguồn tại các địa phương, nơi từng diễn ra các trận chiến để kỷ niệm, ôn lại truyền thống dân tộc. Trong chuyến đi ấy, lòng tôi lại rộn ràng vì qua mỗi chuyến đi, tôi biết thêm về lịch sử tại nơi mà mình đặt chân đến. Các ông, các bác cựu chiến binh kể cho chúng tôi nghe những trận chiến diễn ra trên vùng đất đó.

Lúc còn trên ghế nhà trường, tôi chỉ biết lịch sử dân tộc qua những bài giảng của giáo viên dạy môn lịch sử. Đó là những trận chiến oanh liệt, trận chiến lớn được ghi vào trang sử và được cả thế giới biết đến như một huyền thoại. Sau những ngày tháng làm việc tại quê nhà, tôi mới biết được, trang sử của tỉnh mình cũng hào hùng và oanh liệt lắm chứ. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân trong tỉnh đã góp công, chung sức đánh tan quân ngoại xâm, thống nhất đất nước. Và những chuyến về nguồn đã giúp tôi hiểu thêm về điều đó.

Ông Chamaléa Doi kể chuyện truyền thống cho ĐVTN trong chuyến về nguồn tại
xã Phước Kháng (Thuận Bắc).

Gặp ông Chamalé Doi, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thuận Bắc trong chuyến về nguồn xã Phước Kháng, tôi được nghe câu chuyện lịch sử của xã nhà. Tại suối La Cô, “trận địa” nơi ông và các đồng chí xưa kia từng chiến đấu anh dũng, ông kể lại mạch lạc, chi tiết, cụ thể về những trận chiến với quân địch ngày ấy, lịch sử hào hùng của dân ta sống lại qua những lời kể của ông. Ông kể về những ngày quân ta về tập trung tại suối La Cô (Phước Kháng), chọn nơi đây đóng quân, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dạy mùa xuân năm 1975 tại tỉnh ta. Đó là vào những ngày 10, 11 tháng 4 năm 1975. Quân ta đã băng rừng, lội suối tấn công đánh bại âm mưu lập khu tập trung Bà Râu của địch... Chúng tôi, những thế hệ sau, được sống trong hòa bình nhờ vào những công lao to lớn ấy, đã tập trung lắng nghe, như những em bé mẫu giáo nghe cô giáo kể chuyện cổ tích vậy. Trận chiến đã qua đi gần 40 năm, nhưng những ký ức trong ông vẫn như mới đây, vừa kể, ông vừa chỉ tay lên những ngọn núi xa kia, nơi đó, ông cùng đồng đội chịu đựng gian khổ quyết tâm đánh đuổi quân thù.

Trong một chuyến về nguồn khác, kiến thức lịch sử tỉnh nhà của tôi được dày thêm phần nào. Tôi nhớ chuyến về nguồn cùng với Đoàn cơ sở Trung đoàn Không quân 937 và một số đơn vị khác tại xã Phước Trung (Bác Ái) vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh- liệt sĩ (27-7-2012). Từ lâu, đã biết đến Phước Trung là xã anh hùng, thế nhưng có ngồi cùng với bà con Raglai nơi đây, trong không khí ấm cúng, ánh lửa bập bùng, được nghe ông Chamalé Tiếp, Nguyên Bí thư Huyện ủy Bác Ái, là một chiến sĩ từng tham gia nhiều trận chiến trên vùng đất đại ngàn Bác Ái kể về những ngày kháng chiến của bà con nơi đấy, mới cảm phục lòng dũng cảm, yêu nước của đồng bào ta. Những lời kể của ông hùng hồn, cứ như những trận chiến ấy mới diễn ra. Cũng chính chuyến đi này, tôi mới biết đến, được “diện kiến” và đến thăm nơi ở 2 anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là ông Pinăng Thạnh, Chamalé Châu, đã từng bắn rơi máy bay của địch. Và càng thấy ý nghĩa hơn, khi tôi được nghe chính 2 anh hùng kể chuyện bắn rơi máy bay Mỹ.

Ngoài tham gia các hoạt động tình nguyện như: thăm tặng quà các gia đình chính sách, làm vệ sinh, giao lưu văn hóa văn nghệ… các bạn được nghe kể chuyện lịch sử nơi diễn ra trận đánh xưa kia. Ắt hẳn không chỉ có tôi, mà tất cả những đoàn viên, thanh niên trên mảnh đất đầy nắng và gió này, chưa biết hết về lịch sử tỉnh nhà, từ những hành trình về nguồn, về với mảnh đất anh hùng, các bạn mới biết và hiểu thêm về lịch sử, cuộc sống của bà con nơi ấy.

Cảm ơn lắm những chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa!