Tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

(NTO) Năm 1992, sau khi tái lập tỉnh, kinh tế còn nhiều khó khăn, tiềm năng thế mạnh chưa được phát huy. Vì thế việc đầu tư cho giáo dục vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trường, lớp, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học còn thiếu thốn nhiều. Sau gần 22 năm xây dựng và phát triển, quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp tỉnh ta hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng lẫn chất lượng. Chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học đều có nhiều chuyển biến tốt. Riêng năm học 2013-2014, toàn ngành có 324 trường học, với 132.236 học sinh và hơn 9.500 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

Cùng với sự phát triển về quy mô giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện thì việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn đã và đang được Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh hết sức coi trọng. Hàng năm, tỉnh ta đều có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia và khu vực. Trong 22 năm, đã có 244 giải học sinh giỏi văn hóa cấp quốc gia, trong đó có 2 giải nhất, 13 giải nhì, 74 giải ba và 155 giải khuyến khích. Cuộc thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia được tổ chức từ năm 2000, tỉnh ta đã có 99 giải, trong đó có 4 giải nhất, 14 giải nhì, 32 giải ba và 49 khuyến khích. Những năm gần đây, học sinh Ninh Thuận cũng tự hào sánh vai với học sinh các trường phổ thông chất lượng cao trong cả nước bằng những giải thưởng tại các cuộc thi, kỳ thi tri thức, nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật. Điển hình như các em: Phạm Thị Hồng Ngân, Trương Thị Thu Trang, Lê Bảo Lộc, Lê Thị Trầm, Phan Đỗ Trọng, Võ Thanh Bảo… không chỉ là học sinh giỏi tiêu biểu mang tự hào về cho tỉnh nhà bằng các giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, huy chương trong các kỳ thi Olympic… các em còn thể hiện bản lĩnh, niềm tin của học sinh Ninh Thuận khi liên tiếp dành vòng nguyệt quế trong các cuộc thi tuần, thi tháng, thi quý và đưa cầu truyền hình chung kết năm về Ninh Thuận trong Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Duy Linh
Ngày 12-12-2012, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5872/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong đó nêu rõ mục tiêu “Đến năm 2020, nền giáo dục được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng nền kinh tế tri thức…”. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược, trong đó tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, học sinh Ninh Thuận tuy điều kiện học tập còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng rất đáng tự hào khi đoạt giải tại Hội thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia, Hội thi tin học trẻ toàn quốc . . .

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm học 2008-2009, trở thành cái nôi phát hiện, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Kết quả thi tuyển vào đại học, cao đẳng hằng năm của trường luôn xếp hạng từ 50 đến 73 trong tốp 200 trường THPT có tổng điểm đại học bình quân cao nhất cả nước. Đặc biệt, trường từng có 2 học sinh đỗ á khoa Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, 1 học sinh đỗ á khoa ĐH Luật TP HCM, 1 thủ khoa khối V, ĐH kiến trúc TP Hồ Chí Minh và nhiều em đã trúng tuyển du học chuyên ngành điện hạt nhân tại Liên Bang Nga theo diện hiệp định, đào tạo nguồn nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân.

Học sinh Ninh Thuận du học tại nước ngoài cũng đã và đang khẳng định được “thương hiệu”, bản sắc của mình trước thầy cô, bạn bè quốc tế. Tất cả 48 sinh viên Ninh Thuận đang theo học các ngành điện hạt nhân tại thành phố Obninsk – Liên Bang Nga đang nỗ lực, tích cực học tập, rèn luyện thể hiện ý thức về vai trò, trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước; 100% sinh viên Ninh Thuận đều xếp loại học tập khá, giỏi, nhiều em đoạt giải thưởng, huy chương cao tại các kỳ thi Olympic toàn Nga.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nền giáo dục được “đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện”, toàn ngành tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là: Đầu tư xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt: phát triển về quy mô, đầu tư cơ sở sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia và có chất lượng giáo dục cao.

Giờ học Tin học tại Trường THPT Nguyễn Trãi.

Hai là: Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 20% cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp. Khuyến khích giáo viên tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học sư phạm ứng dụng, mở rộng kiến thức môn chuyên, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo… Xác định công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Ba là: Làm tốt công tác tuyển sinh, lựa chọn học sinh giỏi ngay từ các trường THCS, coi trọng công tác phát hiện những học sinh giỏi các cấp có năng lực học tập để có hướng bồi dưỡng phù hợp, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để học sinh phát huy khả năng trí tuệ. Tổ chức tốt các kỳ thi chọn học sinh giỏi, cải tiến phù hợp với tình hình thực tế, đánh giá được chất lượng, kết quả học tập của học sinh trên cơ sở mở rộng tư duy, đào sâu kiến thức cơ bản ở từng môn.

Với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục, hy vọng rằng đến năm 2020, chất lượng giáo dục mũi nhọn của Ninh Thuận sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Ninh Thuận và cả nước.