Du lịch Ninh Thuận- Bứt phá đi lên

(NTO) Sau 22 năm tái lập tỉnh, du lịch (DL) Ninh Thuận tiếp tục có những bước đi vững chắc, tạo đà cho sự phát triển bền vững, đồng thời khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh trong việc đưa DL trở thành một trong 6 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Điểm nhấn du lịch

Trong những năm qua, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến các lĩnh vực KT-XH, song DL Ninh Thuận vẫn đón nhận mức tăng trưởng hết sức khả quan, bình quân mỗi năm tăng từ 18-20%. Năm 2013, tỉnh ta đã đón trên 1,1 triệu lượt khách, tăng 15,7% so năm trước. Thu nhập xã hội từ hoạt động DL ước đạt 520 tỷ đồng. Trong đó, các số liệu về khách lưu trú, khách quốc tế… đều cho thấy sự tăng trưởng nhất định.

Để có được kết quả ấn tượng này, phải kể đến những nỗ lực của tỉnh trong việc không ngừng mở rộng không gian DL, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm DL mới, đã giúp du khách đến với Ninh Thuận có nhiều sự lựa chọn hơn cho kỳ nghỉ của mình bên cạnh tour DL truyền thống. Nhiều tour tuyến DL mới đã và đang được mở ra, thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách… Điển hình như tại các khu DL resort ven biển Bình Sơn-Ninh Chử, một sản phẩm DL mới được đưa vào lịch trình là thưởng thức chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống Chăm, Galadiner, tour DL trượt cát đầy kỳ thú trên đồi cát Nam Cương, bơi lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản ở vịnh Vĩnh Hy-Bình Tiên, tham quan rừng khô hạn Núi Chúa… Ngoài ra, tại các điểm dịch vụ DL như làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, các vườn nho, táo, vịnh Vĩnh Hy, tháp Po Klaong Garai (Pô Klong Garai), dọc theo dải ven biển từ Vĩnh Hy đến Bình Tiên…cũng được cơ sở thể quan tâm chỉnh trang khu vực kinh doanh, mua bán hàng lưu niệm khang trang hơn, với tinh thần thái độ phục vụ khách thân thiện hơn. Hàng, quà lưu niệm tuy chưa phong phú, đa dạng, song các loại hải sản khô, nho táo, tỏi, và rượu nho… đã được du khách ưa chuộng; đã xuất hiện nhiều shop quà đặc sản Ninh Thuận để phục vụ du khách.

 
Du khách nước ngoài nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Ninh Chử.

Song song với đó là môi trường kinh doanh DL không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho phát triển hạ tầng du lịch. Điển hình như tuyến đường ven biển nối Bình Tiên với Cà Ná, hạ tầng du lịch Vĩnh Hy, Bình Sơn-Ninh Chử, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình; đầu tư đường đi bộ ven biển Bình Sơn - Ninh Chử. Tuy trong thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, sức đầu tư của các thành phần kinh tế đang chững lại nhưng ở Ninh Thuận số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú đang tiếp tục phát triển. Toàn tỉnh hiện có 72 cơ sở lưu trú, với tổng số 1.791 phòng, trong đó trên 30% số phòng đạt chuẩn tương đương 3 sao trở lên. Hiện có 38 dự án với tổng mức đầu tư lên đến trên 7.032 tỷ đồng đã được cấp phép đầu tư. Chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư 4 dự án mới, tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng. Trong năm 2013, có 4 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động (Khu Du lịch cao cấp Núi Chúa, Khu Du lịch Phát Hoàng Long, Khách sạn Hồng Đức, Châu Thành). Đặc biệt Khu du lịch nghỉ dưỡng Amanơi tiêu chuẩn 5 sao với giá trị đầu tư giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng chính thức khai trương đã góp phần đưa Ninh Thuận vào bản đồ du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường ký kết hợp đồng đối với các doanh nghiệp lữ hành, cùng các tour du lịch mới hấp dẫn như Bến Thành Tourist, Fiditour, Vietravel, Saigontourist, Liên Bang Travelink, Công ty Ánh Dương và Pegas Nga...

Đồng chí Phan Quốc Anh, Giám đốc sở VHTT&DL, cho rằng: “Sự phản hồi tích cực từ phát triển DL chính là cơ sở để chúng ta có thể kỳ vọng vào hiệu quả DL đem lại. Việc mở rông không gian DL, đưa vào khai thác những tour, tuyến DL mới này đã góp phần tạo ra sự khác biệt, mới lạ, đem đến những cảm nhận riêng đối với du khách, đồng thời góp phần khai thác hiệu quả những thế mạnh văn hóa, nét đặc trưng riêng có của các vùng miền, khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong nỗ lực đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời là động lực để ngành DL có thể phát triển một cách bền vững hơn trong thời gian tới.

Tạo nền tảng bứt phá

Để trở thành điểm đến hoàn hảo của du khách trong nước và quốc tế, ngành DL vẫn cần phải có sự bứt phá, cùng những ý tưởng sáng tạo và độc đáo hơn nữa. Ông Phạm Hiếu Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DL Sài Gòn-Ninh Chữ, cho rằng: “Hiện nay, DL Ninh Thuận cũng đứng trước những khó khăn, hạn chế như chưa có sản phẩm DL đặc thù để tạo nên sự khác biệt so với các vùng, miền khác trong cả nước. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của điểm đến DL Ninh Thuận, mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DL Ninh Thuận trong tương lai. Hệ thống giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại du khách vẫn chưa phát triển xứng tầm khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng chưa có những những điểm vui chơi giải trí. Chất lượng đội ngũ nhân viên ngành DL chưa đáp ứng được nhu cầu, gây cản trở đến việc phát triển thương hiệu DL”.

 
Tham quan đồi cát Nam Cương (huyện Ninh Phước) . Ảnh DA

Cũng theo ông Thành, để xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu DL Ninh Thuận, đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng. Trước hết, cần có tư duy đột phá thì mới có những chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực, đảm bảo cho việc hiện thực hóa các ý tưởng xây dựng DL Ninh Thuận trở thành điểm đến trong tương lai. Ninh Thuận cần ưu tiên xác lập những tiềm năng và thế mạnh của mình để tôn vinh bản sắc của địa phương, như: bờ biển đẹp, một một thiên đường ẩm thực đầy màu sắc từ những nhà hàng sang trọng đến những quán ăn ven đường, con người thân thiện… Về định hướng thị trường khách, cần xác định đối tượng khách chủ lực của tỉnh để có hướng đầu tư, khai thác thích hợp, cũng như thống kê, phân loại khách DL theo từng loại hình (khách mua sắm, khách nghỉ dưỡng, khách tham quan, khách đi dự hội nghị, hội thảo…) để đáp ứng sản phẩm dịch vụ nhằm phục vụ khách DL tốt hơn. Xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và an toàn.

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu, kế hoạch theo Quy hoạch phát triển DL Ninh Thuận đến năm 2020, đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian đến, tỉnh ta cần đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng DL, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước đến các dự án DL; đẩy nhanh tiến độ các dự án DL để tăng nhanh số lượng phòng đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ DL như DL mua sắm, khu văn hóa ẩm thực, nhà hàng ăn uống có tầm quốc tế, các khu vui chơi giải trí, quán bar, vũ trường lành mạnh, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, điểm diễn văn hóa dân tộc v.v… Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ DL, cần quy hoạch hệ thống dịch vụ DL trên trục đường Yên Ninh, khu vực đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chử, các khu DL trọng điểm Vĩnh Hy – Bình Tiên. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các điểm đến DL đạt chuẩn; đẩy nhanh tiến độ và chất lượng thực hiện đề án xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, phát triển DL phải chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đảm bảo lợi ích cộng đồng.