Tài lẻ của lính đảo Trường Sa

(NTO) Không chỉ đảm bảo tốt nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, các cán bộ, chiến sỹ ở điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc còn có nhiều “tài lẻ”. Từ trang trí mỹ thuật, văn nghệ, đến sửa đồ điện tử, bác sỹ thú y, đánh bắt cá,… đều được những người lính “kiêm nhiệm” một cách xuất sắc.

 
Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh sinh hoạt văn nghệ.

Là nhân viên định vị vệ tinh của đảo Trường Sa, công việc vốn đã vất vả nhưng thượng úy Hoàng Đức Thắng vẫn nhiệt tình đảm nhận thêm công tác chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, trang trí hội trường,… cho các hoạt động trên đảo. Từ chỗ tự mày mò sử dụng, điều chỉnh các thiết bị loa đài, am-li,… lâu dần, anh Thắng cũng biết sửa sữa những hư hỏng thường gặp của các loại máy móc này. Chiếc xe đạp đã in dấu sóng gió luôn sẵn sàng cùng anh đi “bắt bệnh” các thiết bị điện tử cho bà con và những đơn vị khác trên thị trấn giữa biển Đông. Căn phòng làm việc bày biện khá nhiều bảng mạch điện tử và những “đồ nghề” sửa chữa. Rửa sạch đôi tay lấm lem bụi, anh cẩn thận lấy bộ màu và bảng vẽ ra, đôi mắt ánh lên niềm vui: “Trong một chương trình của VTV6, tôi đã vẽ một người lính Hải quân cho các bạn ấy và được tặng món quà này. Công việc bận bịu quá nên bức tranh cho riêng mình tôi vẫn đang ấp ủ.” Trên bức tường của căn phòng nhỏ, hai cây đàn ghi-ta bám vẫn ngóng đợi đôi bàn tay “đa tài” của anh Thắng, để dạo lên những giai điệu mặn tình với biển đảo quê hương.

Thức dậy khi trời chưa sáng hẳn, Trung úy Lương Văn Phong (Ban Kỹ thuật đảo Trường Sa) dẫn chúng tôi đi kéo lưới ở bãi san hô phía đông đảo. Thủy triều xuống dần, lộ ra bãi san hô dài rộng bao quanh đảo. Những người lính Hải quân cẩn thận bước chân trong từng con sóng trắng, tay kéo lưới vào sọt. Dưới ánh mai hồng, dáng hình rắn rỏi của các anh trở nên thân thương, gần gũi, dường như có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ làng chài nào dọc dải đất hình chữ S vươn mình ra biển. Gỡ những chú cá to nặng ra khỏi lưới, anh Phong cho biết: “Chẳng ai dạy lính đánh cá cả. Anh em yêu thích công việc này thì tham gia thôi, rồi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, khi đã quen con nước, luồng lạch thì thả lưới mới trúng đàn, mới được nhiều cá to, vừa để cải thiện bữa ăn, vừa như một thú vui lúc rảnh rỗi.”

 
Lính đảo Trường Sa đánh bắt cá như những ngư dân thực thụ.

Lính Hải quân hầu như ai cũng biết làm hoa ốc. Có lẽ vì thế mà trên những hải trình đưa quân hoàn thành nhiệm vụ trở về đất liền, những cành hoa to nhỏ màu sắc khác nhau luôn được các anh cẩn thận mang về làm quà cho người thân hoặc giữ cho riêng mình như một kỷ niệm đặc biệt với biển đảo. “Khéo léo, tỉ mỉ và phải thật nhiều tình cảm thì mới làm được một cành hoa ốc nên lính đảo thường chỉ tặng hoa ốc cho những ai mà họ quý mến, yêu thương nhất”, các anh chia sẻ. Ngoài hoa ốc, còn có anh làm mô hình ngôi nhà, xe tăng, con thuyền với những cánh buồm trắng,… từ những vỏ đạn, tăm tre, vỏ sò,… Ở nơi trập trùng sóng nước, chất lãng mạn của lính như càng có thêm “đất dụng võ”. Và với các anh, mỗi thứ nhỏ bé “nhặt nhạnh” được nơi đảo xa đều có thể trở thành những “tác phẩm” nghệ thuật độc đáo.

Chất lính và cuộc sống tập thể nơi biển đảo mênh mông đã tạo nên những người lính Hải quân “đa năng”, lãng mạn, nhìn thấy và trân trọng cái đẹp ở những điều dung dị, bình thường nhất. Gắn cuộc đời với biển, nhạc là sóng, gió là thơ, các anh như những nốt trầm hùng của bản trường ca Tổ quốc giữa biển Đông.