Giỗ Tổ Hùng Vương- Cội nguồn dân tộc Việt Nam

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba,

Khắp miền truyền mãi câu ca,

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Câu ca dao đậm đà nghĩa tình ấy đã đi vào tâm thức mỗi người con dân đất Việt từ bao đời nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm, Đền Hùng-nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước, là biểu tượng tôn kính, linh thiêng, quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Đền Hùng đã trở thành điểm hội tụ văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, thể hiện tình cảm, sự tri ân công đức của các Vua Hùng, thể hiện truyền thống đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là nơi phát triển của dân tộc, là nơi bắt nguồn của lịch sử, văn hóa gắn liền với bao truyền thuyết dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Lễ hội Đền Hùng-trở thành ngày Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-lễ hội mang tầm vóc quốc gia để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần về thăm Đền Hùng (19-9-1945 và 19-8-1962). Tại đây Người có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Sự khẳng định của Người có ý nghĩa vô cùng to lớn về lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Lời dạy của Người, dựng nước đi liền với giữ nước. Điều đó có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc, cội nguồn và tinh thần đoàn kết-là nguồn sức mạnh to lớn, là động lực cổ vũ lớn lao tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay.

Ngày mùng mười tháng ba, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương- nhân dân cả nước thể hiện lòng thành kính, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.