Xác định tư tưởng chỉ đạo xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Luật Tổ chức Chính phủ là một đạo luật hiến pháp, có chức năng chủ yếu là cụ thể hóa và phát triển hợp logic nội dung và tinh thần các quy định của Hiến pháp có liên quan đến Chính phủ.

Tiếp nối tinh thần cải cách của Hiến pháp năm 2013, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 phải thực sự mang tinh thần cải cách, đổi mới, có chất lượng cao, tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy tiếp tục cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Chính phủ, cũng như toàn bộ nền hành chính quốc gia nói chung.

Do vậy, ngay từ đầu, cần phải xác định thật rõ mục tiêu và những quan điểm chỉ đạo để định hướng cho việc nghiên cứu, soạn thảo, bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án Luật.

Mục tiêu xây dựng Luật

Cần xác định mục tiêu xây dựng dự án Luật là nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách bộ máy Nhà nước, về đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước; cụ thể hoá các quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện khuôn khổ thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng nâng cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tính dân chủ pháp quyền trong quản lý, điều hành. Xây dựng một Chính phủ hiện đại, thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Có thể nêu 5 mục tiêu cụ thể sau đây:

Làm rõ và cụ thể hoá nội dung, phạm vi, cơ chế thực hiện quyền hành pháp, quyền hành chính Nhà nước cao nhất của Chính phủ trong cơ cấu quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Xác định đúng đắn nội dung mối quan hệ phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa Chính phủ với Quốc hội, với cơ quan tư pháp trong thực hiện chức năng, thẩm quyền;

Luật Tổ chức Chính phủ phải tạo cơ sở pháp lý bảo đảm tính độc lập tương đối của Chính phủ trong quản lý điều hành. Chính phủ, Thủ trướng Chính phủ, Bộ trưởng phải có đầy đủ quyền chủ động và linh hoạt, nhanh nhạy trong quản lý điều hành; có đủ thẩm quyền quản lý có hiệu lực, hiệu quả quá trình chuyển đổi của đất nước, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới;

Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001. Trên thực tế, trong quản lý điều hành của bộ máy hành chính ở Trung ương cho đến nay vẫn còn có sự nhận thức khác nhau, trong một số trường hợp chưa phân định rõ, thậm chí lẫn lộn, chồng chéo thẩm quyền giữa Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; giữa thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ. Luật hiện hành chưa thiết lập được cơ chế thực hiện mối quan hệ linh hoạt giữa thiết chế Chính phủ và thiết chế Thủ tướng trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn. Đáng chú ý là một số luật chuyên ngành có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đối với một số vấn đề, tuy phù hợp với yêu cầu của thực tiễn nhưng có biểu hiện vượt quá khuôn khổ có phần cứng nhắc của Luật Tổ chức Chính phủ. Đặc biệt là tình trạng các bộ, ngành đẩy không ít việc thuộc thẩm quyền của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vì vậy, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục hoàn thiện và phân định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các thiết chế cơ bản của bộ máy hành chính Nhà nước ở Trung ương trong quản lý Nhà nước để tránh chồng chéo, trùng lắp, đùn đẩy công việc và khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm;

Phân định và làm rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ và bộ máy hành chính với vai trò, chức năng của thị trường, với vai trò tự quản của xã hội. Xây dựng một Chính phủ phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển; làm tốt vai trò kiến tạo phát triển, tạo điều kiện mở đường, thúc đầy kinh tế thị trường phát triển đúng hướng; đổi mới chế độ hành chính chủ quản đối với doanh nghiệp Nhà nước;

Phân định rõ thẩm thẩm quyền và trách nhiệm quản lý Nhà nước giữa các cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương và địa phương;

Xác định rõ và quy định cụ thể mối quan hệ lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với chính quyền địa phương, nhất là cụ thể hóa thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng đối với hoạt động của hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Tinh thần mới

Tư tưởng chỉ đạo là những định hướng chính sách cơ bản, nhất quán và xuyên suốt quá trình nghiên cứu, soạn thảo và toàn bộ nội dung của một dự án luật; được thể hiện cụ thể trong mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật đó.

Tương tự như các dự án luật khác, việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng phải dựa trên các yêu cầu mang tính quan điểm chung như quán triệt và thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống luật hiện hành; bảo đảm tính kế thừa; phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế...

Ngoài các quan điểm chung này, trên cơ sở các mục tiêu nêu trên, để bảo đảm chất lượng, bảo đảm tính định hướng, vừa bao quát, vừa cụ thể trong nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật rất quan trọng này, thì cần nêu bật một số quan điểm cụ thể sau đây:

Trước hết, Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung một cách cơ bản, toàn diện bám sát nội dung, tinh thần và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp mới.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải tiếp nối và thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013 là tăng cường tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo và tính dân chủ pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia. Tập trung sửa đổi, bổ sung và quy định cụ thể, đồng bộ các vấn đề liên quan đổi mới phương thức quản lý điều hành, cơ chế thực hiện chức năng, thẩm quyền, cách thức làm việc của Chính phủ và bộ máy hành chính phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường và xây dựng Nhà nước pháp quyền bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, công khai, minh bạch.

Xác định rõ, đúng tầm luật định các chức năng, thẩm quyền của Chính phủ đúng với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ tập trung vào hoạch định và điều hành chính sách quốc gia, xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi phục vụ cho thị trường phát triển đúng hướng, thúc đẩy các hoạt động tự quản xã hội, quản lý có hiệu lực, hiệu quả quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phân định rành mạch thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đùn đẩy, không rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành; khắc phục triệt để sự đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng lên cho Chính phủ, Thủ tướng xử lý.

Xác định và quy định rõ mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực và cơ chế để thực hiện mối quan hệ này giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bảo đảm tính độc lập tương đối theo chức năng, thẩm quyền được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, phối hợp, hỗ trợ cho nhau.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; quy định cụ thể mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương các cấp, trong đó có HĐND, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý các vấn đề của địa phương được phân cấp, phân quyền, bảo đảm sự thống nhất giữa quản trị quốc gia và quản trị địa phương trong một Nhà nước đơn nhất vì sự phát triển và thịnh vượng, giàu mạnh của quốc gia. Thiết lập đầy đủ, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả cơ chế thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm trong tổ chức thi hành pháp luật của bộ máy hành chính Nhà nước ở Trung ương; của chính quyền Trung ương đối với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Luật hóa một cách hợp lý cơ cấu tổ chức của Chính phủ để bảo đảm tính ổn định, tinh gọn, hợp lý của tổ chức bộ máy Chính phủ.

Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải là một đạo luật bao quát toàn diện, đầy đủ về tổ chức và hoạt động của Chính phủ và bộ máy hành chính Nhà nước ở Trung ương; cụ thể hóa đầy đủ, đồng bộ các nguyên tắc cơ bản của nền hành chính quốc gia hiện đại. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với các dự án luật tổ chức bộ máy Nhà nước khác đang được xây dựng, nhất là dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đổi mới, hoàn thiện, phát huy vai trò của kỹ thuật lập pháp, bảo đảm các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật phải thống nhất, đồng bộ với nhau, khả thi, đúng tầm luật định, có tính khái quát và ổn định, hiệu lực lâu dài. Kỹ thuật lập pháp trong xây dựng Luật phải làm cho các quy định của Luật thể hiện được các yêu cầu cơ bản, trọng tâm trong đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, đồng thời cũng phải bảo đảm sự điều chỉnh pháp lý toàn diện, cân đối, đồng bộ các mối quan hệ giữa Chính phủ với hệ thống hành chính Nhà nước, với xã hội và thị trường, với các cơ quan lập pháp, tư pháp và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị./.

Nguyễn Phước Thọ
(Vụ Pháp luật-VPCP)
Nguồn chinhphu.vn