Vấn đề hôm nay:

Làm gì để thực hiện an toàn thức ăn đường phố?

(NTO) Không phải ngẫu nhiên mà “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm nay (cao điểm từ ngày 15-4 đến 15-5) được chọn với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”, bởi lẽ vấn đề này đã trở nên cấp thiết cần đặt ra để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy hầu hết các thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc ở những nơi tương tự. Có thể nói, từ lâu, thức ăn đường phố đã trở thành một nhu cầu của người dân đô thị, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng nhất là những người có thu nhập thấp và eo hẹp thời gian, đồng thời cũng khá hấp dẫn cả khách du lịch.

Hàng rong bán trước cổng trường học không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Mặt khác, còn tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, nguồn lao động chính tham gia vào dịch vụ ăn uống đường phố… Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này là những mối nguy hại tới sức khỏe khách hàng, thậm chí là cả cộng đồng. Vấn đề rất đáng quan tâm đó là vệ sinh an toàn thực phẩm. Hình ảnh dễ nhận thấy là việc sản xuất và bày bán thiếu hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường như điểm bán hàng sát đường phố, bến tàu, xe, thiếu nguồn nước sạch, nguồn nguyên liệu không được chọn lựa kỹ…Mặt khác, người bán thường còn hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên có thể thức ăn dễ biến chất làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Theo quy định, kinh doanh thức ăn đường phố cần đảm bảo các điều kiện: Cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh; các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Nước để chế biến, nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp quy định. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay.Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập. Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định. Khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định. Khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng 1 lần. Không tham gia kinh doanh thức ăn đường phố khi mắc các bệnh truyền nhiễm không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định. Nói chung, quy định rất chặt chẽ nhưng so với thực tế thực hiện lại có khoảng cách khá xa. Có nhiều nguyên nhân, trong đó ngoài chủ quan của người bán hàng còn có cả sự “dể tính” của người tiêu dùng trong việc tiêu thụ các sản phẩm thức ăn đường phố...

Vấn đề đặt ra là làm gì để thực hiện an toàn thực phẩm thức ăn đường phố theo tinh thần chủ đề của Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm nay?.Theo chúng tôi, yêu cầu đầu tiên là cần tập trung tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, bên cạnh đó, từng bước phát huy những ưu điểm của thức ăn đường phố, hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thức ăn đường phố có thể mang đến. Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố. Tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết không nương nhẹ đối với các hành vi vi phạm quy định…