Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đến năm 1953, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã bước sang năm thứ 8. Quân đội ta ngày càng trưởng thành cả về thế và lực, đã làm chủ nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, ở Liên khu 5, ở Cao – Bắc – Lạng và một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Quân đội Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng và có nguy cơ bị thất bại về quân sự.

Sau khi nghiên cứu tình hình chiến sự ở cả ba miền, H. Nava đã đề ra một kế hoạch quân sự khổng lồ gồm 3 bước, thực hiện trong 18 tháng. Một trong những nội dung lớn của kế hoạch H.Nava là sau khi đã xây dựng được một đạo quân cơ động mạnh, y sẽ dồn toàn lực ra Bắc Bộ để tiến công chiến lược trên chiến trường, nhằm “tiêu diệt các đại đoàn chủ lực của Việt Minh và buộc Chính phủ của ông Hồ Chí Minh” phải chấp nhận điều đình theo những điều kiện áp đặt của Pháp.

Tháng 9/1953, Hồ Chủ tịch chủ tọa cuộc họp của Bộ Chính trị nhằm phê chuẩn phương án tác chiến trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 do Tổng Quân ủy dự thảo, đã kết luận “…Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa…”. Đầu tháng 10/1953, Bộ Chính trị họp để nghe Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo về ý đồ của H. Nava. Lúc đó, mặc dù trong phương án tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954 của ta và trong kế hoạch của tướng H. Nava chưa hề xuất hiện 3 chữ “Điện Biên Phủ”. Nhưng với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chủ tịch đã nhìn thấy trước một Điện Biên Phủ để ta có thể đánh địch và có lợi cho ta. Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo xong, Bác đứng dậy nắm bàn tay, giơ lên và nói “… Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh (bên trái Chủ tịch), Phạm Văn Đồng (bên phải Chủ tịch),
Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 – 1954, Bộ Quốc phòng và Tổng Quân ủy dùng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tấn công ở 5 hướng chiến lược quan trọng, mà ở đó thế và lực của địch tương đối yếu nhưng vẫn phải cố giữ, buộc chúng phải phân tán khối quân cơ động lớn tại đồng bằng Bắc Bộ để đối phó. Ngày 19/11/1953, đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc và ngay sau đó đại đoàn 325 bí mật tiến sang Trung Lào, khiến báo chí của Pháp la lối “Đông Dương đã bị cắt đôi”. Thấy tình thế bất lợi, ngày 20/11/1953, tướng H.Nava cho quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Lúc này, Bác Hồ và Bộ Chính trị nhận định: “…Quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ là hoàn toàn có lợi cho ta và cũng đã nằm trong dự kiến của ta..”. Ngày 23/11/1953, Bác dặn dò các cán bộ chỉ huy trước khi lên đường ra mặt trận: “… Vì tình hình địch còn có thể thay đổi, nên phải luôn nắm vững phương châm chỉ đạo tác chiến là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt…”. Thực hiện sự chỉ đạo của Bác, quân và dân ta ở cả ba miền đã tận dụng mọi thời cơ, chủ động tấn công địch, buộc H. Nava phải chuyển sang giai đoạn tổng giao chiến với ta sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Sau nhiều chuyến đi thị sát Điện Biên Phủ, tướng H. Nava tuyên bố trước dư luận: “…Sẽ chấp nhận cuộc chiến với khối chủ lực của Việt Minh tại Điện Biên Phủ…” và y đã chỉ thị cho tướng Cogny – Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ phải quyết giữ Điện Biên Phủ bằng mọi giá.

Ngày 6/12/1953, Hồ Chủ tịch đã chủ trì cuộc họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm, kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ. Bác và Bộ Chính trị đã xác định “…Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa ở trong nước, mà còn rất quan trọng đối với dư luận quốc tế..”. Cùng với Tổng cục Cung cấp khẩn trương chuẩn bị công tác bảo đảm cho các đại đoàn chủ lực hành quân lên Tây Bắc và chiến đấu trong suốt chiến dịch, Bác Hồ và Bộ Chính trị chỉ thị “…Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực để chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch…”. Với khí thế đó, trong mùa khô 1953 – 1954, cả nước cùng ra mặt trận..

Để bảo đảm một khối lượng lớn vũ khí, lương thực, thực phẩm và thuốc quân y cho mặt trận trong điều kiện hệ thống đường giao thông và phương tiện chuyên chở bằng cơ giới chưa đáp ứng được yêu cầu của mặt trận, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị đã đưa ra những giải pháp có tính quyết đoán, khẩn trương. Một mặt động viên nhân dân vùng cao Tây Bắc ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ; mặt khác phát động rộng rãi phong trào toàn dân tham gia đi mở những tuyến đường mới và sửa sang những tuyến đường đã có, đi tiếp lương tải đạn. Chính phủ còn huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ, như: ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng nhằm nâng cao hiệu quả của của việc vận tải và làm giảm đến mức thấp nhất số lượng gạo và thực phẩm phải tiêu thụ dọc đường do dân công gánh bộ. Theo kinh nghiệm phục vụ chiến dịch Tây Bắc (1952) của Tổng cục Cung cấp, thì để mang được 1kg gạo tới mặt trận, thì phải có 24kg gạo cho người vận chuyển ăn dọc đường. Theo cách tính đó, để có đủ gạo và thực phẩm tối thiểu cho các đại đoàn tham chiến trong cả chiến dịch, thì phải cần 4.200 tấn gạo (chưa kể lượng gạo phục vụ lực lượng thanh niên xung phong và dân công), 130 tấn rau, 100 tấn thịt, 12 tấn đường và 80 tấn muối. Với khối lượng vật chất khổng lồ đó, ngoài các phương tiện vận tải cơ giới hiện có đã vận chuyển, còn phải huy động thêm 2.000.000 dân công để chuyên chở. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, hàng trăm vạn thanh niên xung phong và dân công từ các vùng tự do ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và ở Liên khu 4 đã nô nức ra mặt trận và hơn 20.000 chiếc xe đạp thồ, hơn 10.000 bè mảng đã được huy động đi phục vụ. Về việc khắc phục những khó khăn, bất cập về đường xá trong vận chuyển, Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo Chính phủ giao cho Bộ Giao thông công chính chỉ đạo các tỉnh tổ chức sửa chữa, nâng cấp tuyến đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa, tới ngã ba Cò Nòi và tuyến đường 41 từ Mộc Châu lên Sơn La. Giao cho Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo các đơn vị công binh tổ chức sửa chữa và nâng cấp tuyến đường 41 còn lại, từ Sơn La đi Tuần Giáo và từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ.

Chỉ sau hơn một tháng, bộ đội và dân công đã mở rộng tuyến đường Tuần Giáo – Điện Biên Phủ dài 82km, để xe kéo pháo có thể vào tới gần mặt trận, chỉ cách cánh đồng Mường Thanh từ 15 – 18km. Đồng thời còn mở một đường kéo pháo khác rộng 3m, chạy từ cửa rừng Na Nham qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m xuống Bản Tấu và mở mới tuyến đường từ Điện Biên Phủ tới Bản Nghễu.

Ngày 14/1/1954, tại Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở hang Thẩm Púa nằm dưới chân dãy núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc bản Pó xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo; Đại tướng Tổng tư lệnh đã phổ biến kế hoạch tác chiến trên sa bàn bằng cát cho các đại đoàn chủ lực theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, đã được Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch và Ban cố vấn Trung Quốc do đồng chí Vi Quốc Thanh phụ trách thông qua. Dự kiến chiến dịch sẽ khai hỏa vào ngày 25/1/1954. Tuy nhiên, do đã thấm nhuần thấu đáo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ và Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lấy lời căn dặn của Bác “…chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh…” làm kim chỉ nam cho mọi hành động, nên sau 10 ngày đêm suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước tình hình thực tiễn của địch và của ta, Đại tướng đã đưa ra quyết định lui quân táo bạo, đầy trách nhiệm và thông minh. Với trọng trách là Bí thư Đảng ủy kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch, Đại tướng đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, tiến nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, để bảo toàn lực lượng và để chắc thắng. Xét thấy không còn thời gian xin ý kiến Bộ Chính trị, nên Tổng tư lệnh đã triệu tập hội nghị Đảng ủy mặt trận để triển khai kế hoạch tác chiến mới. Sau đó, toàn mặt trận được lệnh rút về vị trí xuất phát, để tiếp tục củng cố vững chắc các trận địa pháo, củng cố và tiếp tục xây dựng hệ thống hầm hào chiến đấu kiên cố, tạo thành vòng vây khép kín các cứ điểm của địch.

Trong gần 2 tháng xây dựng lại trận địa, mở thêm nhiều chiến hào, kéo pháo lên các sườn núi, làm thêm các trận địa giả để nghi binh, cán bộ, chiến sỹ các đại đoàn đã tốn rất nhiều công sức và xương máu. Để biểu dương tinh thần dũng cảm, mưu trí, gan dạ và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của bộ đội, Bác Hồ đã tặng tấm áo lụa cho đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung - Đội trưởng đội công binh 83, vì đã đạt thành tích xuất sắc trong quá trình phá đá mở đường, bom nổ chậm để khai thông các tuyến đường kéo pháo vào trận địa.

Để cứu vãn tình thế nguy ngập, Chính phủ Pháp đã cử tướng H. Nava sang Việt Nam giữ trọng trách là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường.

Khi thấy mọi yếu tố để bảo đảm cho chiến dịch chắc thắng đã được chuẩn bị kỹ theo đúng phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng Tổng tư lệnh quyết định nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên phủ vào ngày 13/3/1954. Trước giờ khai hỏa, cán bộ chiến sỹ các đại đoàn đã hồi hộp và xúc động lắng nghe thư Bác gửi. Thư của Bác như tiếng kèn xung trận, tạo ra không khí phấn khởi, tự tin trên các chiến hào, các trận địa pháo. Trong lúc các chiến sỹ ngoài mặt trận tấn công tiêu diệt 3 cứ điểm vòng ngoài của địch thì tại chiến khu Việt Bắc có một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Bác Hồ với đạo diễn điện ảnh Roman-Các-men và sau đó, Rô-man-Các-men đã đi ngay lên Điện Biên Phủ, để kịp làm bộ phim lớn với tên gọi “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Trong những ngày bộ đội, dân công và thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất dũng cảm, giành giật với địch từng góc chiến hào, từng tấc đất, Bác viết thư, gửi điện thăm hỏi, căn dặn, động viên cổ vũ bộ đội, dân công ngoài mặt trận và thường xuyên theo dõi diễn biến chiến dịch, nắm bắt tin tức từ mặt trận với sự quan tâm đặc biệt. Hơn thế nữa, Người còn luôn quan tâm đến sức khỏe bộ đội, dân công và tình hình cứu chữa thương bệnh binh tại hỏa tuyến. Ngày 22/3/1954, Bác đã cử bác sỹ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh) và bác sỹ Tôn Thất Tùng (Thứ trưởng Bộ Y tế) lên mặt trận Điện Biên Phủ để chỉ đạo công tác cứu chữa thương bệnh binh.

Khi trả lời nhà báo Bớc-xét (Ôxtrâylia) về triển vọng của cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, một lần nữa Bác lại dùng hình tượng chiếc mũ lật ngược để nói về hình thái chiến trận giữa ta và địch với sự lạc quan, tin tưởng tuyệt đối: “…Đây là Điện Biên Phủ…”, rồi Bác chỉ tay quanh vành mũ nói tiếp: “Núi ở đây và chúng tôi cũng ở đây”. Sau đó Bác nắm tay lại, ấn vào lòng mũ rồi nói “Còn đây là quân Pháp, họ không thể thoát được”.

Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch, khi sự thất bại thảm hại không còn cách cứu vãn đã phơi bày trước mắt viên thiếu tướng De Catstơri – tư lệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định cho đào một đường hầm chọc thẳng lên mỏm đồi A1, đưa khối bộc phá 1.000kg để phá lô cốt cố thủ của địch. Trước khi nhận nhiệm vụ trọng đại này, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đã mặc tấm áo lụa Bác Hồ tặng để chỉ huy đội công binh đào đường ngầm lên mỏm đồi A1. Khối bộc phá nổ, đã phá hủy hầm ngầm cố thủ cuối cùng của địch, buộc binh lính Pháp còn lại phải đầu hàng vô điều kiện. Tướng De Catstơri và Bộ tham mưu của y bị bắt làm tù binh.

Chiều ngày 7/5/1954, toàn mặt trận đã im tiếng súng, thì ngay ngày hôm sau (8/5/1954), Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân. Tiếp đó, đến tháng 5/1954, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi anh em thương bệnh binh đang điều trị tại các quân y viện và quyết định thưởng huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ” cho tất cả bộ đội và dân công đã tham gia chiến dịch.

Một sự kiện đáng ghi nhớ là ngay từ tháng 4/1954, khi cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chào Bác để đi dự hội nghị Genever. Khi chia tay Thủ tướng, Bác cho biết sẽ có một món quà quý tặng đoàn đại biểu của ta tại hội nghị Genever. Đúng ngày 8/5/1954, hội nghị Genever về Đông Dương khai mạc, thì ngay từ chiều ngày 7/5 các đoàn đại biểu tham dự hội nghị được biết tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ, trước giờ hội nghị khai mạc.

Cùng với chiến thắng trọn vẹn ở chiến trường Điện Biên Phủ, bộ phim của nhà đạo diễn Rô-man-Các-men đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới, tạo ra hậu thuẫn rất lớn để đoàn đại biểu của Chính phủ ta đấu tranh không khoan nhượng với đoàn đại biểu của Chính phủ Pháp, buộc chúng phải ký kết vào biên bản hội nghị theo những điều kiện của Chính phủ ta đưa ra.

Vào dịp tết Đoan Ngọ năm 1954, Bác Hồ có món quà đặc biệt gửi tặng các cán bộ và chiến sỹ đã tham gia chiến đấu tại mặt trận. Quà của Bác là những chiếc ca sắt tráng men, có in hình 3 lá cờ Việt – Trung – Xô, bên dưới in hàng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”.

Bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, quân và dân ta đã đuổi được thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi. Nhưng ngay sau đó, với dã tâm nham hiểm, đế quốc Mỹ đã tìm mọi âm mưu để can thiệp vào quá trình thực hiện Hiệp định Genever về Đông Dương, từng bước thay thế thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt của quân và dân ta lại tiếp diễn và kéo dài gần hai thập kỷ. Mùa xuân năm Ất Mão 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, non sông đất nước mới được thu về một mối, nhân dân Nam – Bắc mới được sum họp một nhà. Ngày vui lớn nhất của dân tộc đến với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thì Bác Hồ - vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc, của Đảng đã vĩnh viễn đi xa trước đó 6 năm.

Những năm đầu của thế kỷ thứ XXI, đất nước ta đã bước vào giai đoạn mới với vị thế và uy tín ngày càng được củng cố và nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Trong vô vàn những sự kiện quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, thì chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn là vấn đề thời sự, được nhiều học giả tiếp tục quan tâm, tìm hiểu. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được một nhà báo nước ngoài phỏng vấn về chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ, đã khẳng định “… Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh…”. Không chỉ có Đại tướng, mà Jules Roy - một nhà nghiên cứu lịch sử người Anh cũng đã nhận xét hết sức đặc biệt về Hồ Chủ tịch “… Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật độc đáo nhất của nền chính trị thế giới…”.

Nguồn baodienbienphu.com.vn