Không để xảy ra tình trạng lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

(NTO) Quyền tự do dân chủ là quyền rất cơ bản và thiêng liêng của mọi công dân. Đặc biệt, quyền tự do dân chủ được Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng. Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) cho đến Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Sửa đổi năm 2013) đều ghi nhận quyền tự do dân chủ của công dân.

>> Đằng sau vụ một số người dân xã Phước Dinh phản đối Công ty Quang Thuận khai thác tận thu titan

>> Xung quanh vụ việc người dân thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam tụ tập gây rối trật tự công cộng trong những ngày qua

>> Thông báo về diễn biến tình hình và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về việc khai thác Titan tại thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam

Đồng chí Phạm Văn A
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh

Trải qua những giai đoạn phát triển lịch sử, quyền này đã gắn liền với sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh-người sáng lập, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng chăm bón, vun đắp để bảo đảm nội dung quyền tự do dân chủ. Tuy nhiên, trong thực tế phát triển của lịch sử Việt Nam, việc thực hiện quyền này cũng có khá nhiều bất cập; trong đó những hành vi lạm quyền của cán bộ, công chức, viên chức xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng đã diễn ra khá phức tạp. Để bảo đảm quyền tự do dân chủ được tôn trọng; Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định nội dung quyền này, đồng thời đã đưa lên vị trí đặc biệt quan trọng thể hiện trong Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ở Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Khoản 4, Điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Sự kiện một số người dân ở xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) tụ tập, có nhiều lời lẽ trước trụ sở UBND tỉnh trong những ngày vừa qua đã gây nên nhiều dư luận xã hội. Một trong những nội dung mà nhiều người quan tâm là có nên hay không nên phản ứng theo kiểu manh động, làm rối ren tình hình xã hội? Rất nhiều ý kiến không đồng tình với hành vi quá khích của một số đối tượng đã gây nên tình trạng mất ổn định về trật tự an toàn xã hội và đã có nhiều lời khuyên “chuyện đâu còn đó”, “phải tin tưởng vào pháp luật và phải thực hiện đúng pháp luật” …

Có thể nói, việc tụ tập đông người với những hành vi gây nên cảnh mất trật tự xã hội trước trụ sở UBND tỉnh là những hành vi cần được xem xét trên các lĩnh vực sau đây:

1. Nếu việc các cơ quan Tư pháp cấp huyện (Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện Thuận Nam) khởi tố, bắt giam người không đúng pháp luật thì theo quy định của Luật Khiếu nại; quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự thì họ (những người bị bắt giam) và thân nhân của họ được quyền khiếu nại trực tiếp đến cơ quan cấp trên là Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết theo pháp luật. UBND tỉnh không phải là cơ quan giải quyết vụ việc này và không thể tụ tập đông người trước UBND tỉnh để gây “áp lực” vì những hành vi này vừa không đúng đạo lý và không đúng pháp lý.

2. Việc tụ tập đông người, có những hành vi và lời lẽ gây bất ổn cho tình hình trật tự an toàn xã hội là một thực tế đã xâm phạm đến lợi ích Nhà nước và lợi ích công dân. UBND tỉnh không thể hoạt động bình thường và nhiều tổ chức, cơ quan khác không thể giao dịch bình thường với UBND tỉnh là thực tế quá rõ ràng. Những hộ gia đình, những công dân trong khu vực trước và xung quanh UBND tỉnh đã không thể sinh hoạt, kinh doanh bình thường cũng là một thực tế quá rõ ràng.

3. Vì những lợi ích riêng mình, có những hành vi manh động gây ảnh hưởng, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, công dân là những hành vi cần được nghiên cứu trong việc áp dụng tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được quy định tội phạm và hình phạt tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 1999.

Có thể nhận rõ hai hành vi chính mà những người tụ tập, gây rối trước UBND tỉnh đã thực hiện, đó là hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ của mình để tụ tập trái pháp luật, phát biểu với những lời lẽ rất khó chấp nhận và hành vi thứ hai là xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của công dân như vừa phân tích trên. Đây chính là dấu hiệu về mặt khách quan của loại tội phạm lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Cần biết thêm rằng, hậu quả của hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ là những thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Nói chung hậu quả của hành vi này chủ yếu là thiệt hại phi vật chất dẫn đến những thiệt hại vật chất khác. Trong sự việc này, chúng ta thấy việc gây cản trở cho hoạt động bình thường của UBND tỉnh và của một số hộ gia đình xung quanh khu vực là những thiệt hại phi vật chất và những thiệt hại này dẫn đến thiệt hại vật chất có thể tính được giá trị thành tiền (như thất thu trong kinh doanh, lãng phí ngày công, gây tiêu tốn nhiên liệu và công sức đối với người khác …).

Tội phạm lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là tội phạm không phải là chủ thể đặc biệt; chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và người từ đủ 16 tuổi trở lên đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Người phạm tội này thường lợi dụng các quyền tự do dân chủ để có những hành vi quá đáng, xâm phạm lợi ích của người khác. Họ thấy được hậu quả của hành vi do mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc họ có thể thấy hậu quả, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Trong trường hợp này, họ muốn người thân của họ đã bị khởi tố bắt giam được tha về, nhưng họ bất chấp những quy định của pháp luật … Điều 258 Bộ luật Hình sự quy định tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân quy định như sau:

“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

Không nên quá vội vàng vì người thân của mình bị khởi tố, bắt giam mà có những hành vi kích động, xúi giục người khác và bản thân mình lại thực hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.