Ngành Kiểm sát nhân dân triển khai thi hành Hiến pháp

Sáng 27-2, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công tác tổ chức cán bộ với sự tham gia đông đủ của 3 cấp kiểm sát.

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp, ngành Kiểm sát nhân dân đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động như: Ban hành kế hoạch triển khai Hiến pháp trong toàn ngành; rà soát các quy định của Hiến pháp để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, trong đó tập trung cho hai dự án luật quan trọng mà VKSNDTC đang được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo là Luật tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các dự án văn bản pháp luật và chủ động đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành…

Hội nghị là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhằm quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Hiến pháp để thống nhất nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Hiến pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân; triển khai cụ thể chủ trương và những việc cần làm ngay trong công tác tổ chức cán bộ, xây dựng ngành.

 

Ngành Kiểm sát nhân dân triển khai thi hành Hiến pháp. (Ảnh: TH) .

Hội nghị đã được nghe Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội) Đinh Xuân Thảo quán triệt nội dung cơ bản của Hiến pháp sửa đổi với nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ về kinh tế, chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo. Trong đó, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (chương II), thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Giới thiệu những điểm mới của Hiến pháp liên quan trực tiếp đến ngành kiểm sát nhân dân, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho biết: Tại Chương VIII, Hiến pháp quy định VKSND có chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Về nguyên tắc, thực chất không có gì thay đổi, nhưng đã làm cụ thể nguyên tắc tập trung thống nhất xây dựng trong ngành Kiểm sát, để bảo đảm việc thực thi pháp luật tốt nhất. Việc quy định khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND cũng là thực hiện theo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Về nhiệm vụ của VKSND được quy định đầy đủ hơn, rộng hơn. Nếu như Hiến pháp 1992 chỉ quy định nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là "góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất", thì Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định Viện kiểm sát nhân dân ngoài nhiệm vụ nêu trên, còn thể hiện cụ thể nhiệm vụ: "bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân..."

Tham luận của các đại biểu dự hội nghị đã tập trung làm rõ thêm những điều chỉnh của Hiến pháp mới trong lĩnh vực tư pháp như: nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, vấn đề áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng; kiểm soát việc thực hiện quyền lực tư pháp, quyền con người, quyền công dân... Theo đó, các ý kiến cho rằng những điểm mới này cần được triển khai tuyên truyền, phổ biến nhằm làm thay đổi nhận thức của các cơ quan tư pháp và ngành kiểm sát về quyền con người, vì mục tiêu cuối cùng và cao nhất là bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Những nội dung trên phải được thể chế hóa trong Luật tổ chức Tòa án, Luật tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật liên quan…; mặt khác, cần kiện toàn đội ngũ kiểm sát viên, trước hết nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa nhằm xây dựng nền tư pháp thật sự trong sạch, vững mạnh, công bằng, dân chủ, nghiêm minh, trách nhiệm trước nhân dân...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam