Những điểm mới về Quân đội trong Hiến pháp 2013

Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Các điều khoản, quy định trong Hiến pháp là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế chính trị xã hội, để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới hiến định về quân đội, mới cả về cách tiếp cận, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ; mới cả về hình thức trình bày, phương pháp diễn đạt. Nhìn chung, các điểm mới hiến định về quân đội đều toát lên tính ưu việt của chế độ xã hội ta và phản ánh sâu sắc quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc, khẳng định rõ hơn vai trò ngày càng tăng lên của quân đội ta trong bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới: toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức.

Ảnh minh hoạ: tuoitre.vn

Một trong những nội dung trọng điểm, rất mới được hiến định, mang tính thời sự nóng bỏng, có tính hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm theo dõi, bàn luận của nhiều người cả ở trong nước và bạn bè quốc tế, thậm chí cả các thế lực thù địch cũng quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, sự sống còn của quốc gia dân tộc Việt Nam trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Đó là nội dung Chương 4 về Bảo vệ Tổ quốc và một số điều khoản khác trong bản Hiến pháp 2013 có quan hệ mật thiết với Chương 4 về bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, về mục tiêu, nhiệm vụ, sức mạnh, lực lượng, phương thức tác chiến và tổ chức, biên chế của quân đội ta hiện nay như vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cùng toàn dân xây dựng đất nước; xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng; tham gia một số hoạt động quốc tế như: cứu hộ, cứu nạn mang tính nhân đạo, tham gia gìn giữ hòa bình trong khu vực và thế giới, v.v..

Có thể khẳng định rằng, các nội dung mới về quân đội, chứa đựng hàm lượng khoa học sâu sắc, tính chân thực, chính xác, rõ ràng, góp phần làm cho bản Hiến pháp 2013 toát lên sức sống mới, tinh thần mới, rất sinh động, sáng tạo; phản ánh đúng đắn tình hình thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 27 năm qua và những năm tới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Để giữ vững môi trường hòa bình, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Nhân dân, bảo vệ được Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong Chương 4, tại các Điều 64, 65 và 66 của bản Hiến pháp đã nhấn mạnh việc củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; trong đó 3 lần nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, của Quân đội ta nói riêng. Điều 64 viết: “Tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân”; Điều 66 viết: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân.

Ngoài 5 Điều nêu trong Chương 4 về bảo vệ Tổ quốc, có nhiều nội dung mới được hiến định liên quan trực tiếp đến xây dựng Quân đội, trong Hiến pháp 2013 còn có một số Điều, khoản có nội dung mới liên quan đến tổ chức Quân đội; quyền và nghĩa vụ công dân khi tham gia quân đội được trình bày ở các chương khác. Chẳng hạn: Điều 15, khoản 1 viết: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Điều 45 khẳng định: 1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. 2. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây không chỉ là quyền lợi và nghĩa vụ chân chính của công dân mà còn là niềm vinh dự, tự hào của tuổi trẻ khi được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, mang danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương, mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, để từ đó vào đời, lập thân, lập nghiệp. Đó là giá trị và ý nghĩa của cuộc sống, mang đậm tính nhân văn sâu sắc; một trong những cái còn đọng lại của đời người, mình đã sống vì mọi người, vì sự bình yên của quốc gia dân tộc.

Hiến pháp năm 2013 còn có điểm mới được hiến định liên quan trực tiếp đến quân đội là: Tại khoản 5, Điều 88 khẳng định: Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn: “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam và yêu cầu, nội dung nhiệm vụ xây dựng quân đội, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh được hiến định trong Hiến pháp năm 2013.

Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện; được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, giúp đỡ và gọi bằng cái tên thân thương, trìu mến “Bộ đội Cụ Hồ”, “Bộ đội của Dân”. Kể từ khi ra đời cho đến nay, gần 70 năm xây dựng và phát triển, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội ta luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Lời dạy của Bác đã phản ánh sâu sắc bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội ta.

Tuy không có điều, khoản nào trong Chương 4 của Hiến pháp bàn riêng về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, song ở từng nội dung, từng luận điểm của cả 5 Điều: 64, 65, 66, 67, 68 trong Chương 4 đều hàm chứa và toát lên nội dung bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta. Về bản chất, Chương 4 của Hiến pháp đã thể hiện rõ: Quân đội ta mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Về chức năng, nhiệm vụ, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ: Quân đội ta là một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác và là một đội quân sản xuất.

Điều 64 khẳng định: cùng với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt để củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Điều 65 khẳng định rõ nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc..., bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Điều 66 Hiến pháp 2013 khẳng định lại và nhấn mạnh vai trò “làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển nền công nghiệp quốc phòng trong thời kỳ mới của Quân đội ta. Để tạo điều kiện cho Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Điều 68 của Hiến pháp 2013 hiến định vai trò của Nhà nước trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang có đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc; tạo điều kiện thuận lợi để quân đội làm tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại với kinh tế và ngược lại, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức phù hợp với tính chất hoạt động, lao động đặc biệt của Quân đội; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc.

Tóm lại, Hiến pháp năm 2013 không chỉ khẳng định bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam mà còn chỉ rõ từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, của tổ chức, biên chế, lịch sử truyền thống của quân đội ta, nhân dân ta.

Vai trò của Hiến pháp năm 2013 trong đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc, phản động, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Như trên đã trình bày, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta: là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và là đội quân sản xuất; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Mọi hoạt động của lực lượng vũ trang, bảo vệ Tổ quốc nói chung, hoạt động của quân đội ta nói riêng phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự hiến định như thế là hoàn toàn đúng đắn, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, rất hợp lòng dân; phản ánh rõ ý Đảng - lòng dân; quân với dân một ý chí. Đó là bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, là nét đẹp văn hoá của “Bộ đội Cụ Hồ”, là sự kết tinh chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh; bão táp không thể chuyển lay, cám dỗ không thể mua chuộc, khó khăn, thử thách không bao giờ làm nhụt ý chí hoặc bị lung lạc, mọi sự chống phá của kẻ thù không thể chuyển dời. Chính điều đó đã vạch mặt những luận điệu xuyên tạc, phản động, đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch; đồng thời, góp phần đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, cho dù các thế lực thù địch có thay hình đổi dạng, sử dụng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nham hiểm đến mức nào, dù chúng có tham vọng đến mức nào cũng không thể phủ nhận, tách sự lãnh đạo của Đảng ra khỏi quân đội, biến quân đội ta thành lực lượng trung lập, đứng ngoài chính trị.

Bài học kinh nghiệm xương máu rút ra từ sự đổ vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, từ sự mất sức chiến đấu của quân đội các nước ấy dù họ có “quân hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân hiện đại”, song đã mắc mưu kẻ địch dẫn đến vô dụng, chế độ sụp đổ, Đảng mất vai trò lãnh đạo, nhân dân lâm vào tình cảnh lầm than, đất nước đau thương, tang tóc; về điều đó, ai ai cũng biết. Cho nên nghiên cứu, suy ngẫm và nắm vững từng nội dung của 5 điều trong Chương 4 “Bảo vệ Tổ quốc” mà Hiến pháp năm 2013 đã hiến định, chúng ta mới thấm thía chiều sâu, giá trị, ý nghĩa sâu sắc giá trị được sống trong hòa bình, Tổ quốc an lành, bình yên. Cho nên trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào cũng vậy cần quán triệt và nhận thức sâu sắc: bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là bảo vệ chính hạnh phúc của mỗi gia đình, của dòng họ, quê hương và bảo vệ cuộc sống an bình của chúng ta. Đó là sức đề kháng tốt nhất, giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh, không cho bất cứ loại “vi rút”: “phi chính trị hóa” quân đội, “diễn biến hòa bình”, gây “tự diễn biến, tự chuyển hóa” xâm nhập vào nội bộ ta.

Nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thực thi và bảo vệ Hiến pháp năm 2013.

Điều 119 của Hiến pháp năm 2013 hiến định: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý. Điều đó có nghĩa là thực thi và bảo vệ Hiến pháp là quyền lợi, trách nhiệm và là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam có Tổ quốc, yêu Tổ quốc, yêu quê hương, có cuội nguồn gốc rễ sâu nặng tình làng nghĩa xóm. Trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, Quân đội nhân dân Việt Nam với tính cách là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước, là chỗ dựa tin cậy của chế độ, là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân thì đương nhiên, quân đội phải là lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu thực thi và bảo vệ Hiến pháp nói chung, pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội nói riêng.

Việc thực thi và bảo vệ Hiến pháp của quân đội thể hiện ở chỗ: Trước hết là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện tốt 3 chức năng của mình: là một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác và là một đội quân sản xuất; chủ động, tích cực tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ, giúp ngư dân gặp hoạn nạn trên biển Đông, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân an tâm sản xuất, kinh doanh, doanh nhân nước ngoài đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội. Đó là nhiệm vụ hết sức vẻ vang, song hết sức nặng nề. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải gương mẫu thực hiện pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định của địa phương, đơn vị, thực hiện tốt 10 lời thề Danh dự của quân nhân; 12 điều kỷ luật. Nói cách khác, nếu buông lỏng kỷ luật, xa rời hoặc vi phạm nguyên tắc, quân đội không thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó không chỉ là mệnh lệnh mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội ta.

Tóm lại, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, quân đội nói chung; mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi và bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, xung kích, đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật trong nhân dân, cùng nhân dân, người thân, gia đình nghiêm túc thực thi Hiến pháp, pháp luật; trước hết là Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giáo dục Quốc phòng - An ninh vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Lần này, trong bản Hiến pháp 2013, Quốc hội bổ sung cụm từ mới và khẳng định rõ vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân là: “cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Đây là cơ sở để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân sẽ triển khai các công việc tham gia một số hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn nhân đạo, “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới (Khoản 2, Điều 64). Cần khẳng định rõ hơn quan điểm, lập trường của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này: Quân đội nhân dân Việt Nam kiên quyết chống chiến tranh, cực lực phản đối xâm lược và không cho phép bất cứ thế lực thù địch nào can thiệp vào công việc nội bộ của mình hoặc có hành vi xâm lược độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc Việt Nam, đe dọa nền hòa bình thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, quân đội ta có thể tham gia một số hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn mang tính nhân đạo với mục đích góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, củng cố, phát triển mối tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị vì lợi ích chung; không tham gia, không can thiệp vào các công việc nội bộ của các nước khác.

Đất nước ta trải qua các cuộc chiến tranh thần thánh chống quân xâm lược, biết bao chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để có giang sơn gấm vóc ngày nay, chúng ta thiết tha yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do. Vì vậy, sẽ làm hết sức mình để bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước và góp phần bảo vệ nền hòa bình thế giới, bảo vệ giá trị Việt Nam.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam