Chinh phục 4 điểm cực đất liền Việt Nam

(NTO) Sau 9 ngày đi khắp cùng trời cuối đất để chinh phục 4 điểm cực đất liền Việt Nam, 20 thành viên diễn đàn Caravanvn chúng tôi cảm thấy yêu hơn từng tấc đất quê hương mình và lâng lâng niềm tự hào cao độ với Tổ quốc mến thương.

Chặng đầu cho Mũi Đất Cà Mau

1 giờ sáng 17-11, 20 người cùng chia đều lên 5 xe rồi nối đuôi nhau bắt đầu hành trình ngàn dặm chinh phục 4 điểm cực đất liền thiêng liêng của Tổ quốc.

Chụp ảnh lưu niệm tại Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001.

Chặng đầu tiên đến Mũi Đất Cà Mau có vẻ thong dong và nhẹ nhàng nhất, nên chúng tôi coi đó là màn “cưỡi ngựa xem hoa” trước khi bước vào hành trình chinh phục thật sự khó khăn.

Dù sao, các thành viên cũng kịp có được hơn một giờ đồng hồ ngồi ca nô “thưởng thức” không khí rất đặc trưng của miền sông nước Cà Mau, với những rừng mắm, đước dày đặc hai bên bờ và hàng trăm chuyến đò ngang dọc lòng sông, chạy dài từ bến tàu thủy Năm Căn (huyện Năm Căn) ra đến xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).

Sau khi chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 – điểm cực Nam trên đất liền Tổ quốc, chúng tôi lại tiếp tục lên xe để quay ngược về miền Trung, vượt hơn 1.000 km chinh phục điểm cực Đông đất liền.

Tuy nhiên, đang là mùa biển động, đoàn không thể ra Mũi Đôi, điểm cực Đông đất liền bằng tàu, đành hẹn lại vào cuối hành trình. Vậy là 20 thành viên tiếp tục lên xe để bắt đầu chinh phục cực Tây A Pa Chải (tỉnh Điện Biên) với chặng đường dài đến 1.800 km.

Hành trình Tây tiến cam go

Băng nhanh trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, đoàn đã dừng chân tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn gần thượng nguồn sông Bến Hải để thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, rồi tiếp tục tới Vũng Chùa – Đảo Yến ở Quảng Bình để viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Giúp nhau vượt qua con dốc cao.

Hôm đó trời mưa khá lớn nhưng khách vào viếng mộ Đại tướng rất đông. Tất cả đứng lặng lẽ dưới mưa để dâng lên những nén hương thành kính nhất tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc.

Trời bừng sáng, đoàn lên đường ngược dòng sông Mã chinh phục hành trình Tây tiến đèo dốc hiểm trở. Cũng may bữa tiệc tối ở Mai Châu (Hòa Bình) đang vào “mùa em thơm nếp xôi” đã giúp chúng tôi lấy lại sức nhanh chóng và hứng khởi để tiếp tục hành trình. Cung đường xa xôi quá, nhưng các thành viên vẫn cố thay nhau lái xe xuyên đêm không nghỉ để kịp tới Điện Biên vào buổi sáng.

Điện Biên đón chúng tôi bằng bầu trời nắng đẹp lung linh và những nụ cười thơ trẻ hồn nhiên bừng sáng hai bên đường.

“A Pa Chải không còn xa đâu. Qua một con đèo nữa là tới”, trưởng đoàn Hoàng Anh reo lên qua bộ đàm nối giữa các xe với nhau. Anh em phấn khởi lên xe tiếp tục hành trình đèo dốc. Nói thì nói vậy nhưng đường vẫn còn xa hut hút.

Cuối cùng, Đoàn xe cũng tới được đồn biên phòng A Pa Chải ngay đúng bữa cơm tối của anh em chiến sĩ. Một đêm giao lưu giữa đoàn caravan và chiến sĩ biên phòng diễn ra vô cùng ấm cúng và đáng nhớ. Trời đêm A Pa Chải nhiệt độ xuống thấp, ai cũng co ro trong tấm chăn dày cộm nhưng đều ngủ ngon lành do mệt lả người sau chặng đường quá dài.

Sáng sớm, tiếng kẻng biên phòng vang vọng, tất cả thức dậy dùng bữa sáng với anh em chiến sĩ để chuẩn bị hành trình chinh phục A Pa Chải.

Chúng tôi mất cả buổi trời băng rừng, leo đèo để lên đến điểm cực Tây của Tổ quốc, nơi “một con gà gáy, ba nước Lào, Trung Quốc và Việt Nam đều nghe”. Đường rừng quá dài, dốc cao và hiểm trở, cây gai giăng đầy lối đi. “Nhưng đó mới là chinh phục và khi đến đích thật vinh quang”, chị Vân Anh, thành viên nữ duy nhất trong đoàn bày tỏ.

Đứng trên cột mốc cực Tây thiêng liêng, 20 thành viên xếp thành hàng ngang cùng hát vang bài Quốc ca hào hùng, một khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ trong chuyến hành trình cam go.

Chỉ vậy thôi là đủ, chúng tôi tranh thủ “hạ sơn” thật nhanh vì sợ trời mưa sẽ vô cùng nguy hiểm. Cũng may, đoàn có hai binh nhất Sùng A Tú và Sùng A Sình dẫn đường nên cũng không sợ lạc giữa rừng lúc trời sập tối do mây đen bất ngờ kéo tới quá nhanh.

Chặng chinh phục cực Tây A Pa Chải hoàn thành đầy cảm xúc như thế và đoàn xe tiếp tục lăn bánh để lên cực Bắc Lũng Cú của Cao nguyên đá Hà Giang.

Ngạo nghễ cột cờ Lũng Cú

Đến lúc này, chúng tôi vẫn còn “ám ảnh” với cung đường qua đèo Ma Lé dẫn lên Lũng Cú. Đây có lẽ là đường đèo hiểm trở bậc nhất của cả nước.

Hát vang Quốc ca hào hùng trước cột mốc A Pa Chải, cực Tây của Tổ quốc.

Đường hẹp, lại có vô số đoạn cua “cùi chỏ” quá gắt, trời thì tối đen giữa đêm lạnh vùng cao. Nếu so về độ hiểm trở, đèo Cả ở Phú Yên hay đèo Ngoạn Mục (còn gọi là đèo Krông Pha) ở Ninh Thuận, thậm chí là đèo Hải Vân trên đỉnh “thiên hạ đệ nhất hùng quan” nối giữa Đà Nẵng và Huế cũng không thể là “đối thủ” của đèo Ma Lé.

Hiểm trở là vậy nhưng cảnh đẹp hai bên đèo hiện lên miên man như thiên đường. Ở xứ “đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng” này quả được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh quá. Nào là ngọn núi đôi hình thù lạ mắt đến cổng trời Quản Bạ kỳ ảo rồi thêm Sủng Là - xã vùng cao đẹp nhất Đồng Văn, và ấn tượng nhất là những cánh đồng cải trổ bông nhuộm vàng khắp sườn đồi hay những vườn hoa tam giác mạch phớt hồng đong đưa trong gió nhẹ tựa chốn bồng lai…

Xa xa, cột cờ Lũng Cũ đã vẫy gọi ngạo nghễ trên đỉnh núi rồng. 20 thành viên nối thành hàng một, bước lên 283 bậc tam cấp để lên cột cờ Lũng Cú thiêng liêng, hoàn thành chặng chinh phục điểm cực bắc tổ quốc.

Nhảy đá ra cực Đông đất liền

Đoàn tiếp tục quay đầu xe vượt đèo, xuyên qua hàng loạt tỉnh phía Bắc rồi băng băng trên đường mòn Hồ Chí Minh để ra Mũi Đôi – điểm cực Đông đất liền.

Leo lên đá cao hơn 10 m để chạm vào chóp kim loại đánh dấu
mốc tọa độ điểm cực Đông đất liền Việt Nam.

Lần này, biển vẫn động và “gió vẫn chướng”. Chúng tôi quyết định không đi tàu mà chọn cách lội bộ và nhảy đá để ra Mũi Đôi, tận tay sờ lấy chóp kim loại đánh dấu cột mốc tọa độ cực Đông đất liền.

Chặng đường từ ngã ba Đầm Môn đến cột mốc dài khoảng hơn 10km, phải xuyên qua đồi cát và băng rừng, nhảy ghềnh đá khá cam go. Đường rừng tại đây không quá khó đi và hiểm trở như ở A Pa Chải nhưng dốc cao, cũng làm cơ thể mất sức nhanh

Nhưng cuối cùng, 20 thành viên cũng ra được Mũi Đôi và chấp nhận mạo hiểm leo dây lên một hòn đá cao hơn 10 m để chạm tay vào chóp kim loại đánh dấu điểm cực Đông của đất liền.

Đứng trên điểm cực, phóng tầm mắt nhìn ra trùng khơi, thấy lòng thư thái, những xúc cảm tự hào và thiêng liêng trào dâng trong lòng.

9 ngày và 6.350 km, chuyến hành trình đã kết thúc với cái kết thật đẹp ở Mũi Đôi ngày 25-11. Tất cả ôm chầm lấy nhau, nhảy múa reo vui như những đứa trẻ. Mỗi người thầm tự nhủ sẽ luôn khắc ghi giây phút ngọt ngào này.