Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc

(NTO) Năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ quyết định là năm Gia đình Việt Nam, với chủ đề “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc”.

Như chúng ta đều biết, Gia đình là hạt nhân xã hội và là môi trường quan trọng hình thành và nuôi dưỡng, giáo dục nếp sống, nhân cách của mỗi cá nhân chuẩn bị hành trang để họ bước vào đời, hòa nhập vào cộng đồng xã hội, tham gia tích cực vào sự hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới nên có nhiều biến đổi cũng như phát triển và tất nhiên gia đình cũng không nằm ngòai trào lưu đó. Chúng ta đang sống trong gia đình thời hiện đại (xây dựng CNH, HĐH) có những đặc điểm thay đổi khác so với gia đình truyền thống trước kia, nên các giá trị truyền thống gia đình cũng có sự thay đổi như tình thương, trách nhiệm, hòa thuận, thủy chung... do quy mô gia đình cũng thu nhỏ, các gia đình nhiều thế hệ sống chung cũng giảm đi., số con trong gia đình cũng ít hơn, phụ nữ tham gia công tác xã hội ngày càng nhiều hơn và điểm khác biệt lớn nhất so với gia đình truyền thống đó là : Với gia đình hiện đại thì mục tiêu của hôn nhân không đặt nặng vì sự tồn tại và lợi ích của gia đình, dòng họ mà là vì lợi ích cá nhân, sự biến đổi này đi kèm với lối sống ngày càng phóng khoáng, người phụ nữ được tự do làm những điều mà mình thích, không còn ràng buộc với công việc nội trợ. Cùng với sự nâng cao trình độ học vấn và thu nhập ngày càng cao và điều đáng lưu ý trong gia đình hiện đại việc ly hôn diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý, cuộc sống của trẻ thơ và tất yếu sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trên nhiều phương diện đối với xã hội.

Hội nhập văn hóa giữa nước ta với thế giới, cũng đem lại những thách thức đặt ra với gia đình Việt Nam: quan hệ tình dục, nạo, phá thai trước hôn nhân , nhiều biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm cho xã hội lo lắng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như :hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng người già chưa được chú trọng, tệ nạn xã hội như ma túy, HIV/AIDS đang thâm nhập vào các gia đình, bạo lực vẫn còn xảy ra trong gia đình đã trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội.

Thách thức lớn nhất của nước ta hiện nay là cùng với việc tiếp thu những giá trị nhân văn mới, tiến bộ trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, nhưng gia đình Việt Nam vẫn phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt và tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển một cách vững bền của đất nước. Vì vậy việc tổ chức Ngày gia đình Việt Nam (28-6 hằng năm) nhằm đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố xây dựng gia đình Việt theo tiêu chí: ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc.

Muốn đạt được tiêu chí trên, thì việc giáo dục và tuyên truyền để mỗi người hiểu sâu sắc chức năng cơ bản của gia đình, bởi vì gia đình là tế bào, là thiết chế cơ bản của xã hội, chức năng tái sản xuất ra con người để duy trì nòi giống, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, chức năng giáo dục của gia đình, nuôi dưỡng, chăm sóc các thành viên trong gia đình được ấm no,hạnh phúc.

Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy,chính quyền đối với công tác gia đình. Phải xem công tác gia đình là một nội dung trong các kế họach, chương trình công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, chỉ tiêu xây dựng và phát triển gia đình thuộc các chỉ tiêu phát triển KT-XH của các địa phương. Đồng thời cần kiện toàn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở các cấp đủ mạnh để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường việc kiểm tra việc thi hành luật pháp, chính sách, thực hiện các nhiệm vụ công tác có liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các gia đình; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình.

Đổi mới nội dung đa dạng hóa các hình thức truyền thông về gia đình, phòng chống bạo lực. Nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những hiện tượng không đúng trong xây dựng gia đình.

Cần đề cao cảnh giác những thông tin và sản phẩm văn hóa xấu tác động đến gia đình, đồng thời luôn chú ý tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình về chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình để củng cố và hoàn thiện kỹ năng sống, kỹ năng làm cha, làm mẹ, kỹ năng dạy bảo và chăm sóc trẻ em… Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau, với cộng đồng, trách nhiệm của nam giới đối với công việc gia đình, bảo đảm tôn trọng quyền lợi của phụ nữ trong gia đình, thực hiện nếp sống văn minh và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Nếu chúng ta làm tốt các yêu cầu trên thì sẽ giảm thiểu và ngăn chặn được những hành vi, những quan niệm lệch lạc cũng như những hủ tục lạc hậu làm biến chất giá trị gia đình truyền thống và góp phần xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh.