Trường THCS Trương Văn Ly: Nỗ lực hạn chế học sinh bỏ học

(NTO) Năm học 2012-2013, Trường THCS Trương Văn Ly, đóng trên địa bàn xã Phước Diêm (Thuận Nam) có 54 HS bỏ học và cũng là một trong những trường có tỷ lệ HS bỏ học cao của tỉnh. Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ đầu năm học mới, nhà trường đã có nhiều giải pháp duy trì sĩ số HS đến trường.

Những khó khăn không nhỏ

Năm học 2012-2013, Trường THCS Trương Văn Ly, có 54 HS bỏ học, chiếm gần 5,5% HS toàn trường. Thầy giáo Tống Văn Tận, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài 54 HS này, còn có trên 50 em khác cũng đã bỏ học và được nhà trường cùng chính quyền địa phương vận động trở lại lớp. Nguyên nhân bỏ học khá nhiều, nhưng chủ yếu là do gia đình không quan tâm đến việc học của con em mình.

Học sinh của Trường THCS Trương Văn Ly là con em của 2 xã Cà Ná và Phước Diêm. Chủ yếu gia đình sống bằng nghề đi biển, kinh tế dẫu không quá khó khăn nhưng do nhận thức về việc học của người dân còn hạn chế nên rất nhiều phụ huynh để cho con tự nghỉ học về phụ giúp việc gia đình. Cô giáo Võ Thị Sang, Tổ trưởng tổ Toán – Lý – người đã gắn bó với trường gần 15 năm chia sẻ: Không có năm học nào mà giáo viên không phải đi vận động HS ra lớp. Có những trường hợp phải tìm đến nhà 4-5 lần nhưng cuối cùng vẫn phải “chịu thua”. Những trường hợp đó thường rơi vào hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng phụ huynh chỉ thấy được cái lợi trước mắt, muốn con nghỉ học đi làm nên không động viên, tác động để con em mình trở lại trường. Phụ huynh không “mặn mà” với việc học của con nên các cuộc họp hàng năm, cũng thường chỉ có khoảng 50% phụ huynh đến dự.

 
Cô giáo Võ Thị Sang, Trường THCS Trương Văn Ly có phương pháp dạy học hiệu quả thu hút học sinh đến lớp.

HS bỏ học hằng năm của Trường THCS Trương Văn Ly chủ yếu rơi vào khối 6. Bên cạnh sự thiếu quan tâm của gia đình thì học lực kém cũng là một lý do để các em rời bỏ ghế nhà trường. Chất lượng đầu vào của trường hằng năm rất thấp, cụ thể như năm học 2013-2014, trường tuyển mới 343 HS lớp 6, trong đó có trên 40% hồ sơ có kết quả học lực khá, giỏi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát 2 môn Toán, Văn đầu năm học chỉ có 10% HS khối 6 đạt điểm khá, giỏi. Học lực kém cộng với bước đầu phải làm quen với môi trường và phương pháp học mới đã khiến không ít HS bị “sốc” không theo kịp chương trình dẫn đến chán nản và bỏ học. Trong khi đó, giáo viên của trường lại được luân chuyển thường xuyên. “Giáo viên về trường chủ yếu là trẻ, mới ra trường nhưng chỉ dạy được 1-2 năm, vừa quen việc và quen với điều kiện, tâm lý HS thì lại chuyển đi. Giáo viên mới đến để có phương pháp dạy học hiệu quả, thu hút HS là rất khó; hiểu tâm lý, nắm bắt địa bàn để đi vận động HS trở lại trường lại càng khó hơn” – Thầy Tận chia sẻ.

Những giải pháp cần sự chung tay

Năm học 2013-2014, Trường THCS Trương Văn Ly có 1.047 HS. Điều đáng mừng là đến thời điểm này, chưa có HS nào bỏ học. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban giám hiệu nhà trường với chính quyền địa phương 2 xã Cà Ná, Phước Diêm để tăng cường công tác tuyên truyền trong phụ huynh kết hợp với nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường giáo dục thân thiện, thu hút HS đến lớp. Sĩ số lớp luôn được giáo viên chủ nhiệm quản lý chặt chẽ, khi phát hiện có HS nghỉ học không có lý do, giáo viên sẽ liên hệ ngay với gia đình. Nhà trường quan tâm theo dõi và cử giáo viên gần gũi chia sẻ, động viên những HS có nguy cơ bỏ học. Các hội, đoàn thể trong nhà trường cũng vào cuộc tăng cường tuyên truyền, vận động để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học. Ban giám hiệu trường đã cử những giáo viên có kinh nghiệm chủ nhiệm các lớp 6 và trực tiếp giảng dạy; kết hợp với tổ chức các buổi ngoại khóa giúp các em làm quen với môi trường và phương pháp học mới. Những HS yếu, kém nhà trường tổ chức dạy kèm, phụ đạo và xây dựng các mô hình “nhóm học tập”, “đôi bạn cùng tiến” để các em giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong học tập…

Tuy nhiên, điều quan trọng để cải thiện tình trạng HS bỏ học ở Trường THCS Trương Văn Ly là phải có sự chung tay vào cuộc của chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh về việc học. Bên cạnh đó là sự đầu tư, hỗ trợ của ngành GD&ĐT để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng HS bỏ học vì học yếu, học kém.