Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10-8: Nghị lực phi thường

Họ là những nạn nhân của chất độc da cam, phải chịu những thiệt thòi về thể xác, những nỗi đau về tinh thần, nhưng vượt lên tất cả, họ đã khẳng định được vị trí của mình trong cuộc sống hiện nay.

Tự "đứng vững"

Sinh năm 1980, tại xã Đức Xá, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), do ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam từ người cha, một thương binh hạng 1/4, từng tham gia chiến đấu hơn 20 năm tại chiến trường Tây Nguyên, cô gái Nguyễn Thị Thanh Hà đã không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa. Từ nhỏ, đôi chân của Hà bị teo tóp, việc đi lại phải nhờ vào chiếc xe lăn. Không khuất phục trước số phận, Hà luôn tỏ ra lạc quan, yêu đời, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Giờ đây, Thanh Hà đã là nhân viên vững vàng tay nghề ở xưởng in lưới của Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Thị Thanh Hà đã trở thành một nhân viên thạo nghề. Ảnh: Phan Quân - TTXVN

Thanh Hà tâm sự: "Ngày mới sinh ra, cơ thể mình cũng bình thường như bao người khác, nhưng dần dần mình bắt đầu có biểu hiện chậm lớn, đôi chân bị teo lại. Cha mẹ rất lo lắng và đã đưa mình đi chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng ở đâu các bác sỹ cũng đều lắc đầu khi biết rằng mình chậm lớn là do di chứng của chất độc da cam/điôxin".

Số phận tiếp tục thử thách với Thanh Hà. Đang học dở chương trình tiểu học, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi lại quá vất vả, nên việc học tập của Hà đã phải dừng lại. Ở nhà, Hà tự học những kiến thức trong chương trình của sách giáo khoa dưới sự chỉ bảo của mẹ mình là cô giáo Phạm Thị Ngụ.

Với vốn kiến thức đã tích lũy được và suy nghĩ phải có một nghề để nuôi sống bản thân, năm 2005, được bạn bè giới thiệu, Hà đã đến thành phố Hà Tĩnh, xin học nghề tại Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh và học ngành tin học văn phòng. Sau gần một năm học nghề, Hà tốt nghiệp loại xuất sắc và được giám đốc trung tâm nhận về công tác tại xưởng in lưới của trung tâm, với công việc chuyên lên makét và in ấn các loại tài liệu.

Sau gần 6 năm sống và làm việc tại trung tâm, giờ đây chị Hà đã có mức lương gần 3 triệu đồng/tháng. Giám đốc Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật tỉnh Hà Tĩnh, ông Lê Đình Ý cho biết: Nghị lực vượt lên số phận của cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Thanh Hà là một tấm gương rất đáng trân trọng.

Vươn lên làm kinh tế

Cựu chiến binh Lục Vĩnh Thanh (61 tuổi) ở thôn Noong Khuấn, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã không gục ngã, mà vươn lên chiến thắng bệnh tật, làm chủ cuộc sống và đem lại hạnh phúc cho gia đình.

Năm 1970, sau khi học xong lớp 7, ông Thanh viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam, trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Bị thương trong trận đánh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, ông được đồng đội đưa xuống hầm tránh những đợt bom rải thảm của không lực địch. Khi tỉnh dậy, ông có cảm giác toàn thân đau ê ẩm. Đồng đội cho biết, ông đã bị sức ép bom đạn quá nặng, phải lui về tuyến sau.

Những năm sau đó, ông chuyển ngành trở về địa phương và công tác tại Công ty lương thực huyện Văn Bàn trong thời gian từ năm 1974 đến 1985. Sau đó, vì sức khỏe yếu, ông về nghỉ dưỡng tại gia đình. Vợ chồng ông Thanh có 5 người con (2 trai, 3 gái), trong đó có 2 người con thiếu cân, ốm yếu. Ngay cả đứa cháu nội của ông, khi mới sinh ra trông bụ bẫm, kháu khỉnh, nhưng lên 3 tuổi mới bộc lộ khuyết tật ở chi dưới, đi lại khó khăn. Đến nay, dù đã qua nhiều ca mổ chỉnh hình, cháu vẫn chưa đi lại được hoàn toàn bình thường...

Đi kiểm tra sức khỏe, ông Thanh mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam và di chứng đã truyền lại các con, cháu. Dù vậy, ông vẫn tự động viên mình và an ủi vợ con: "Mình còn sống là may lắm rồi so với đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường". Nghĩ thế, ông lại lạc quan lao vào phát triển kinh tế. Nghe ở đâu có mô hình làm kinh tế giỏi, ông lại đến học hỏi, rồi về bàn với vợ cùng làm. Năm 1985, ông Thanh chuyển nhà ra gần mặt đường cho tiện đi lại. Ông xin xã cho nhận một quả đồi rộng, trồng 3 ha quế, mỡ, luồng kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; cho thầu ao làng nuôi cá nộp sản phẩm. Ao cá đang phát triển thì thiên tai làm vỡ đập, khiến ông bị mất trắng vụ đầu. Không nản lòng, ông xoay sang chăn nuôi gia cầm giống mới, kết hợp nuôi thủy sản. Và ông đã thành công với mô hình kinh tế mới này.

Hiện nay, ngoài chăn nuôi gia súc, gia cầm, ông Thanh còn trồng nhiều loại cây lấy gỗ, cây ăn quả, khai thác vỏ cây làm hương liệu... biến quả đồi trọc thành rừng cây xanh ngát mùa nào cho quả đó. Khi rừng cây đã đến tuổi khai thác tỉa thưa, ông tận dụng những lá xanh từ cây mới đốn hạ làm thức ăn để nuôi dê. Từ một đôi dê giống ban đầu, sau 2 năm ông đã có một đàn dê, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa lợn...

Nguồn Báo Tin tức-TTXVN