Cà Ná: Phát triển từ kinh tế biển

(NTO) Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam hiện có trên 1.700 hộ dân, với hơn 8.700 nhân khẩu, sống chủ yếu dựa vào kinh tế biển.

Để phát huy hết tiềm năng vốn có, đưa kinh tế địa phương phát triển, ngay sau khi được thành lập, cấp ủy, chính quyền xã Cà Ná tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng đầu tư đánh bắt xa bờ, nuôi trồng và chế biến thủy sản gắn với giải quyết việc làm. Trong đó, đối với nghề khai thác, địa phương đã vận động bà con ngư dân phát huy nội lực bằng việc góp vốn của gia đình, dòng họ đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi xa bám biển làm ăn. Chính nhờ cách làm này mà đến nay, số lượng tàu thuyền ở Cà Ná đã tăng lên đáng kể.

Đường về Cà Ná hôm nay.

Ông Huỳnh Ngọc Đức, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện nay, toàn xã có 314 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 34.452 CV. Hầu hết tàu thuyền được ngư dân trang bị các phương tiện hiện đại như: Máy tầm ngư, định vị, bộ đàm, máy kéo lưới,... rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày. Điển hình như hộ ông Phan Văn Thạch, ở thôn Lạc Nghiệp 2, trước đây có chiếc ghe nhỏ làm nghề đánh bắt vùng lộng, ven bờ tạo kế mưu sinh. Từ năm 2000, Nhà nước có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển, ông đã dồn toàn bộ số tiền dành dụm đầu tư cải hoán, đóng mới 3 chiếc tàu làm nghề pha xúc và lưới rút. Riêng trong năm 2012, ông tiếp tục đầu tư 3 tỷ đồng, để đóng mới thêm 1 chiếc tàu có công suất 500 CV, nâng tổng số tàu của gia đình lên 4 chiếc, với tổng công suất 1.155 CV. Nhờ có tàu lớn đi biển và thành thạo ngư trường, nên đội tàu của ông Thạch thường trúng đậm. Năm 2012, sau khi hoạch toán, ông Phan Văn Thạch lãi ròng gần 2 tỷ đồng, trên 50 lao động đi bạn cùng ông mỗi người có thu nhập trên dưới 40 triệu đồng. Hiện ở xã Cà Ná còn thành lập được 11 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có một số hộ dân như: Trần Bé, Phan Loan, Nguyễn Ngọc Hưng..., cũng bằng cách làm này mà đến nay đời sống đã khá lên, trung bình mỗi hộ có từ 2 - 3 chiếc thuyền công suất lớn. Sản lượng khai thác hải sản của địa phương từ đó ngày một tăng. Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong xã đã khai thác được 2.500 tấn hải sản các loại.

Về nuôi trồng thủy sản, mặc dù tình hình nuôi tôm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm, địa phương vẫn phát triển được 8 ha nuôi, sản lượng thu hoạch đạt 90 tấn. Bên cạnh đó, xã đang phát triển ổn định 40 trại tôm giống, đã xuất bán được 818 triệu con tôm post. Đặc biệt, từ khi cảng cá Cà Ná được xây dựng, nghề biển ở địa phương đã có bước phát triển khá nhanh, thu hút khá đông tàu thuyền từ các nơi tập trung về, vào mùa vụ chính hàng ngày có từ 300 – 500 tấn hải sản được chuyển lên bờ. Nhờ đó, đã góp phần đưa tổng nguồn thu trên địa bàn xã trong 6 tháng đạt 336 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 62 hộ, chiếm 3,1%.

Cùng với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, vài năm trở lại đây, trên địa bàn đã phát triển nhiều ngành nghề khác, nhất là về lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Đến nay, địa phương có 1 HTX và 39 cơ sở chế biến nước mắm, nằm trải dọc theo QL1A; 15 cơ sở chế biến cá hấp; 8 cây xăng dầu phục vụ hậu cần cho nghề cá; 2 cơ sở làm dịch vụ đóng, sửa tàu thuyền; 3 nhà hàng khách sạn và hàng trăm cơ sở ăn uống, tạp hóa.

Ngư dân xã Cà Ná nhộn nhịp vào mùa khai thác vị cá Nam năm 2013. Ảnh: Sơn Ngọc

Đồng chí Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để đưa kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã Cà Ná đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nhanh và toàn diện theo hướng: Ngư nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Theo đó, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Trợ giá xăng dầu, thực hiện lắp đặt máy dò ngang, máy Movimar định vị đường đi tàu cá, để giúp ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả, địa phương sẽ vận động ngư dân thành lập các tổ đoàn kết khai thác để vươn ra đánh bắt khơi xa. Phối hợp các đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức tập huấn để ngư dân nâng cao kỹ năng khai thác, biết cách thông tin dự báo, cứu hộ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quốc phòng – an ninh trên biển. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất tôm giống, cơ sở chế biến cá hấp và chế biến nước nắm mang thương hiệu Cà Ná. Đặc biệt, khi tuyến đường ven biển hoàn thành, xã sẽ tận dụng và phát huy thế mạnh, lợi thế của cảng cá Cà Ná để phát triển và đẩy nhanh các ngành nghề dịch vụ hậu cần phục vụ cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; kết nối hạ tầng giao thông của địa phương qua đường ven biển với các khu vực trọng điểm về phát triển du lịch như: Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Chử..., để hình thành và khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch bãi biển Cà Ná. Phấn đấu đến năm 2015, xây dựng Cà Ná trở thành đô thị loại 5 theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.

Với chiến lược đã được xây dựng, cộng với chủ trương đổi mới và quyết tâm cao của cán bộ, nhân dân địa phương, tin rằng xã Cà Ná sẽ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế biển để đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.