Anh Nguyễn Tấn Lộc yêu nghề, đam mê sáng tạo

(NTO) Khi giới thiệu với chúng tôi về anh Nguyễn Tấn Lộc, một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, ông Nguyễn Văn Hồng, Quản đốc Phân xưởng cơ khí thuộc Xí nghiệp Muối Cà Ná (Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận) bày tỏ niềm tự hào về người học trò của mình: “Ở phân xưởng, Lộc là người thợ máy lành nghề, nhiệt tình, hăng say và trách nhiệm với công việc. Trong thời gian công tác ở phân xưởng, Lộc đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích cho đơn vị”.

Ở phân xưởng, anh Lộc đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Sửa chữa cơ khí. Anh quê ở làng biển Thương Diêm, xã Phước Diêm (Thuận Nam). Ngay từ nhỏ, Lộc đã bị cuốn hút bởi những tiếng ro ro ồ tai của chiếc máy hàn, máy tiện, của mùi kim loại bị nung mà hàng ngày người cha của anh miệt mài với công việc vất vả của người thợ tiện. Cũng chính vì vậy mà sau khi học hết phổ thông, anh quyết tâm “khăn gói” ra Phú Yên học nghề, sau đó về mở tiệm cơ khí nhỏ tại nhà. Năm 2004, Xí nghiệp Muối Cà Ná tuyển thợ cơ khí, anh Lộc nộp đơn và được tuyển dụng vào Tổ Sửa chữa của phân xưởng.

Anh Nguyễn Tấn Lộc với công việc sửa chữa, bảo trì máy móc, thiết bị ở Phân xưởng cơ khí.

Gần 10 năm công tác tại xí nghiệp, anh Lộc luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Đặc thù của một đơn vị sản xuất muối là các thiết bị phải vận hành liên tục nên cần được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, rất cần đội ngũ có trình độ kỹ thuật. Do đó, anh luôn có ý thức tự trau dồi nghề nghiệp để tiếp cận với công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại. Anh thường mua các loại sách kỹ thuật đọc, qua đó giúp anh có nhiều sáng kiến, cải tiến có giá trị. Đáng kể là sáng chế trục kéo bạt phục vụ sản xuất muối sạch tại xí nghiệp. Anh Lộc cho biết: Việc trải bạt cho ruộng muối không khó nhưng nặng nhọc và tỉ mỉ. Theo cách làm thông thường, trung bình một ngày, 16 nhân công của xí nghiệp phủ bạt được khoảng 1.600m2 ruộng muối. Thấy anh em kéo thủ công như vậy, tôi mới nảy ra ý tưởng sao không dùng sức máy để đỡ nhọc nhằn cho anh em. Khi nghe tôi trình bày ý tưởng, Ban Quản đốc Phân xưởng và anh em trong Tổ đã đồng tình và cùng tôi bắt tay vào chế tạo chiếc trục quay. Gần một tháng mày mò và chạy thử nghiệm, kết quả cho thấy, sử dụng trục quay thì tiến độ trải bạt nhanh gấp 2 lần, lượng nhân công giảm đi một nửa.

Như được tiếp thêm “lửa” từ thành công đầu tay, anh Lộc lại say sưa với công việc của một người thợ cơ khí và tiếp tục tạo ra công cụ phục vụ sản xuất của đơn vị. Chiếc máy dập bát Inox tạo lỗ thoát nước cho khu sản xuất muối, thay thế chiếc máy phay tay, hiệu quả công việc tăng đáng kể. Cụ thể, nếu sử dụng máy dập do anh Lộc chế tạo, 1 giờ dập được 60 tấm, trong khi dập bằng máy tiện phay lỗ chỉ đạt 1-2 tấm/giờ. Những giải pháp của anh đã giúp xí nghiệp tiết kiệm một khoản lớn chi phí và nhân công, góp phần tăng lợi nhuận kinh tế.

Giỏi nghề, anh lại rất tâm huyết với lớp trẻ. Tổ Sửa chữa cơ khí của phân xưởng là nơi có nhiều lao động trẻ được đào tạo qua trường lớp nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế đến học việc. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Anh cũng thường xuyên đôn đốc anh em tổ viên ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn còn phải nêu cao tinh thần chia sẻ công việc cho anh em thợ máy ở các tổ chuyên môn của phân xưởng. Bản thân anh luôn là người nhiệt tình, đi đầu, tham gia hỗ trợ kịp thời các Tổ đầu kéo-máy móc, Tổ cơ-điện mỗi khi có sự cố bất thường, đảm bảo tiến độ chung cho dây chuyền sản xuất. Anh Nguyễn Tấn Lộc chia sẻ: Sự biểu dương của tỉnh không chỉ là phần thưởng của riêng tôi mà chính là thành tích của cả tập thể Phân xưởng cơ khí. Bởi những người đồng nghiệp có trách nhiệm và gắn bó trong công việc sẽ tiếp tục khích lệ tôi có sáng kiến mới về những giải pháp hạn chế sức lao động cho anh em, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho xí nghiệp, góp phần cải thiện thu nhập cho công nhân.