Hương vị Ramưwan

(NTO) Vào các làng Chăm theo đạo Bà Ni trong những ngày này, khắp các ngõ, hẻm rộn ràng những giai điệu dân ca Chăm mượt mà, nhà nhà bận rộn trang hoàng nhà cửa, đường sá tấp nập, nhộn nhịp người qua lại. Làng Chăm quê tôi cũng vậy, không khí Ramưwan đã lan tỏa đến từng hộ dân nơi đây. Ramưwan đến, mọi người lại có dịp thưởng thức các loại bánh truyền thống của đồng bào mình.

      Phụ nữ Chăm gói cốm chuẩn bị đón Ramưwan

 Ramưwan diễn ra trong vòng 1 tháng, trong đó 3 ngày đầu, bà con cúng gia tiên tại nhà. Trong các buổi cúng gia tiên, có 3 loại bánh truyền thống không thể thiếu: bánh ít (pay lik), bánh tét (pay nung), và cốm. Có 1 điểm chung giữa 3 loại bánh này đều được làm bằng gạo nếp. Tuy nhiên, mỗi loại bánh đều có hương vị, hình dáng khác nhau. Quá trình làm các loại bánh cũng mất khá nhiều công đoạn. Nhớ ngày xưa, mỗi dịp Ramưwan, mẹ lại ra chợ, lựa loại gạo nếp tốt nhất, thơm nhất về để rang thành những hạt cốm trắng tinh. Lúc ấy, chỉ có 2- 3 nhà rang nếp, nên mỗi lần đi rang nếp phải xếp hàng, chờ đợi mới tới lượt nhà mình. Khi ấy, tôi thường đi theo mẹ, ngồi nhìn gạo nếp được đổ vào cái chảo to và rang lên, những hạt cốm trắng tinh bung ra ngoài, “vỏ 1 bên, và hạt cốm 1 bên”, tiếng nổ lắp bắp nghe rất vui tai, tựa như tiếng pháo nổ giòn giã, rồi lũ trẻ chúng tôi lấy tay bịt đôi tai lại, nghe những tiếng nổ ấy càng thích thú hơn. Thời ấu thơ gắn liền với hình ảnh nhặt từng vỏ gạo lẫn lộn trong những hạt cốm trắng tinh và cả nhà quay quần bên nhau ngồi hì hà hì hục gói những chiếc cốm vừa mới đóng vừa vặn, vừa kể chuyện cuộc sống của từng thành viên trong gia đình trong những ngày qua. Nhớ nhất, là những lúc bắt chước bà mẹ, gói những chiếc bánh ít, bánh tét. Sau khi hoàn thành sản sản phẩm, những chiếc bánh của lũ trẻ chúng tôi bị “biến dạng” thành những hình dáng hoàn toàn khác. Thế nhưng, khi ấy lại vui vì được cùng mẹ làm những chiếc bánh cúng gia tiên, và đặc biệt hơn là được cảm nhận ngày tết đến thật gần. Ngày nay, đời sống hiện đại, việc làm bánh cũng được đơn giản hóa, “đốt cháy” nhiều gia đoạn. chỉ cần ra chợ, mẹ có thể xách về, 2-3 bịch hạt cốm trắng đã lựa sạch vỏ, hay mua cốm đã gói sẵn về để cúng gia tiên. Dù vậy, từng loại bánh vẫn mang đặc trưng hương vị của ngày xưa.

Một thứ cũng không thể thiếu trong trên việc thờ tổ tiên của người Chăm Bà Ni là dùng trầm hương để đốt, vì họ không sử dụng nhang. Tất cả các lễ cúng đều dùng trầm đốt lên như: khi đi tảo mộ đọc kinh Coran; vào các buổi sáng trong 3 ngày cúng. Hương trầm mùi thơm đặc trưng, mới lần đầu ngửi sẽ cảm thấy khó chịu, quen dần, mùi hương của trầm sẽ nhẹ nhàng, dễ chịu hơn, hương của trầm bay thoảng thoảng khắp ngôi nhà, mùi hương đặc trưng của ngày Ramưwan. Trong những buổi cúng gia tiên, những thức ăn được bà con chu đáo chuẩn bị, một mâm thức ăn mặn và mâm thức ăn ngọt xen kẽ lẫn nhau, việc này được làm tuần tự cho đến khi mời hết ông bà tổ tiên về “dùng cơm”.

Quê tôi, giờ đã thay da đổi thịt, nhiều nhà xây, nhà cao tầng mọc lên như nấm. Đồng thời, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa phẳng lì, sạch đẹp. Thế nhưng, dù cuộc sống đã thay đổi khá nhiều so với trước kia, có nhiều món sơn hào hải vị để cúng ông bà tổ tiên, thì 3 loại bánh: cốm, bánh tét, bánh ít là những “hương vị” không thể thiếu trong ngày Ramưwan.