Kỹ thuật nuôi ong của anh Tà La Văn Tuệ đạt hiệu quả cao

(NTO) Đá Hang và Cầu Gãy là hai thôn khó khăn nhất của xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Địa bàn có 131 hộ đồng bào dân tộc Raglai, với 518 người. Cuộc sống của các hộ dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do đất đai ít, bạc màu nên bà con thường lên rừng làm rẫy, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Trước những hạn chế trên, năm 2007, huyện Ninh Hải phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thực hiện Dự án Xây dựng hệ thống canh tác nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào địa phương.

Anh Tà La Văn Tuệ chăm sóc đàn ong.

Dự án gồm ba hợp phần: Thử nghiệm và triển khai mô hình trồng các loại cây phân tán, thử nghiệm và triển khai mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán cây, thử nghiệm giống mới và chuyển giao mô hình thâm canh cây lúa. Năm 2011, Dự án triển khai đồng loạt các mô hình; trong đó, trồng phân tán 500 cây dừa dứa, 150 cây mít nghệ, 240 cây chanh không hạt, 4,8 ha lúa nước, 100 thùng ong lấy mật. Kết quả bước đầu các loại cây phân tán phát triển tốt, tỉ lệ cây sống đạt từ 83% đến 95%; năng suất lúa đạt 5,5 tấn/ha, cao gấp đôi so với sản xuất truyền thống. Riêng mô hình nuôi ong lấy mật, bước đầu chưa hiệu quả. Đồng chí Mang Hàng, Trưởng BQL thôn Đá Hang, cho biết: Trước khi thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật, các hộ được tập huấn kỹ thuật, đồng thời đi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi ong ở Long An. Quá trình nuôi, bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật nhưng ong không chịu ở, khiến một số người chán nản.

Với quyết tâm phải thực hiện thành công mô hình, sau nhiều ngày theo dõi, cuối cùng anh Tà La Văn Tuệ ở thôn Đá Hang phát hiện nguyên nhân ong bay lên rừng hút mật rồi không về là do thời tiết nắng nóng. Sau khi chuyển các thùng ong xuống dưới các gốc dừa, điều, rồi đào con mương nhỏ dẫn nước chảy qua ong mới làm tổ. Tuy nhiên, ong vẫn sinh sản chậm, cho ít mật. Nhận định nhiệt độ trong thùng ong cao hơn bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của ong, nên anh Tuệ đã làm lại thùng, sử dụng ván mỏng có tác dụng tỏa nhiệt, kết quả ong tăng đàn nhanh, 32 thùng ong trong vườn nhà đã cho mật. Tháng 5-2012, anh thu lứa mật đầu tiên được 15 lít, bán được hơn 6 triệu đồng (bình quân 400.000 đồng/lít). Hiện tại ong đang cho lứa mật thứ hai, dự kiến sản lượng tăng gấp đôi so với đợt đầu.

Hiện nay, anh Tà La Văn Tuệ trở thành kỹ thuật viên của Dự án, có nhiều kinh nghiệm nuôi ong nhất trong vùng. Anh tích cực hướng dẫn các hộ nuôi ong ở địa phương điều chỉnh lại cách đặt thùng nuôi ở những nơi thoáng mát, cho ong ăn thêm đường mía vào mùa cây rừng chưa ra hoa. Nhờ đó, nhiều hộ nuôi ong khác đến nay đã thu được mật. Đơn cử như hộ chị Patâu Thị Cảnh ở thôn Cầu Gãy.

PGS. TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, người tham gia thực hiện Dự án, cho biết: Điều kiện tự nhiên ở địa phương phù hợp với mô hình nuôi ong lấy mật. Đàn ong chỉ bay khoảng một cây số là lấy được nguồn mật từ hoa rừng tự nhiên ở Vườn Quốc gia núi Chúa. Chất lượng mật tốt, dễ bán, với giá cao. Hiện nay, nhờ có sự giúp đỡ của anh Tà La Văn Tuệ, các hộ nuôi đang chăm sóc để giữ số lượng đàn. Dự kiến đến cuối năm nay, tạo ong chúa mới và tách thêm đàn để nhân rộng ra ở các hộ nuôi khác.