Lãnh đạo bằng nêu gương

Một trong 6 nội dung quan trọng được bàn bạc, quyết định trong Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa XI là vấn đề đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Nhìn lại lịch sử công tác dân vận của Đảng ta trong suốt 83 năm qua cho thấy có nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng về vấn đề này đã ghi dấu ấn rất quan trọng. Ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận”. Từ đó đến nay, bài báo này luôn có tính thời sự nóng hổi và trở thành “cẩm nang” cho những người làm công tác vận động quần chúng. Ngày 27-3-1990, trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết “Về đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân” (gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 8B). Nghị quyết đã đề ra 4 quan điểm chỉ đạo rất đúng đắn, phù hợp cho cả quá trình cách mạng nước ta từ đó đến nay: một là, cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân; hai là, động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ công dân; ba là, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; bốn là, công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Các nhiệm kỳ đại hội tiếp theo đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị rất quan trọng như: “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “Về công tác dân tộc”; “Về công tác tôn giáo”; các nghị quyết về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân; về đội ngũ trí thức; về công tác thanh niên; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...Ngày 25-2-2010, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết “Về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, trong đó quy định rõ trách nhiệm, nội dung, phương thức công tác dân vận của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Tới đây, Trung ương sẽ có quan điểm nhằm đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Tuy nhiên, có những quan điểm, nội dung, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo trước đây vẫn còn nguyên giá trị. Tất nhiên, sự lãnh đạo của Đảng phải bằng nhiều biện pháp từ tư tưởng, tổ chức, kiểm tra, dân vận, nhưng trong công tác vận động quần chúng thì một trong những phương pháp lãnh đạo công tác dân vận quán xuyến qua tất cả giai đoạn đã qua và chắn chắn cho mãi sau này. Đó lãnh đạo bằng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Về vấn đề gương mẫu trong tình hình hiện nay, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên lĩnh vực này. Đương thời, Bác Hồ đã từng khẳng định đối với người Việt Nam, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Cụ thể hóa quan điểm này của Bác Hồ, trong các văn kiện, nghị quyết của mình, Đảng thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu gương tốt trước quần chúng nhân dân. Gần đây, ngày 7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta tiếp tục yêu cầu “chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực...”. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên còn rất hạn chế. Do vậy, việc trước hết để tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình hiện nay là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng, nhân dân, theo đúng phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Quần chúng hiện nay có trình độ và biết nhiều thông tin về cán bộ, đảng viên sống xung quanh, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Do vậy, quần chúng, người dân hiện nay xem cán bộ làm như thế nào hơn là nghe cán bộ nói.

Đối với từng khía cạnh, nội dung của sự gương mẫu, quần chúng thường không quan tâm lắm đến vấn đề tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên bởi vấn đề này khó thể hiện ra ngoài, mà họ thường quan tâm đến những vấn đề cụ thể liên quan đến lối sống, tác phong, mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên cũng như người thân của họ với nhân dân. Đó là: có đi đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục? Có khiêm tốn, giản dị, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, nhân dân hay không? Có để người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi hay không, con em, con cháu, người thân ăn ở, sinh hoạt, đối xử với nhau thế nào, với hàng xóm, láng giềng ra sao? Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo hay không? Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích, khi có khuyết điểm thì nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa và có sửa chưa hay không? Có thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu hay không? Về quan hệ với quần chúng, nhân dân thì việc nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền như thế nào? Có gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân như thế nào. Trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quần chúngmuốn biết cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu học tập và làm theo như thế nào?

Gương mẫu của cán bộ, đảng viên nên tập trung vào một số nội dung sau:

Nói đi đôi với làm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi thực hành phương pháp “nêu gương”; đồng thời, là biểu hiện cụ thể, sinh động về bản chất, truyền thống cách mạng của Đảng ta, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đứng vững và vượt qua trước mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thực tế không ít hiện tượng cán bộ, đảng viên nghĩ một cách, nói một cách và làm lại là cách khác, như đồng bào, đồng chí ở Nam bộ thường hài hước “Nói zậy mà không phải zậy”. Bởi vậy, “nói đi đôi với làm” theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, theo đúng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức cách mạng càng trở nên cần thiết đối với việc giáo dục, rèn luyện đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, xa cơ sở, xa rời quần chúng; kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”, thậm chí chỉ thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm.

Thật thà tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Yêu cầu cầu bức thiết đối với Đảng ta hiện nay sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI là làm tốt hơn nữa công tác tự phê bình và phê bình. Bởi vì, đợt tự phê bình và phê bình vừa qua, nhiều nơi làm chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong Đảng có trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên có gương mẫu thì mới có thể lãnh đạo được quần chúng, nhân dân và quần chúng, nhân dân mới nghe theo, làm theo.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm về dân vận của Bác Hồ đồng thời phải thật sự làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong bài báo “Dân vận” cách đây 64 năm, Bác Hồ chỉ rõ, “những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc” và “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Ngày nay tình hình không hoàn toàn như vậy nhưng trong Bài phát biếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa XI thì vẫn còn những hiện tượng tương tự như “trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền trong công tác dân vận ở nhiều nơi bị xem nhẹ, chỉ dựa chủ yếu vào bộ máy hành chính và biện pháp hành chính. Một số tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân hoạt động kém năng động, hiệu quả, không nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cũng không đủ sức tuyên truyền, vận động, giải quyết những bức xúc của nhân dân. Tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên trách làm công tác dân vận và của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân chậm được đổi mới, tăng cường. Ðội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ít được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và cũng chưa được quan tâm đúng mức về chế độ, chính sách...”. Do vậy, phải chăng trong từng tổ chức, cấp ủy đảng cũng cần có quy định về sự nêu gương làm công tác dân vận?

Nguồn Tạp chí Xây dựng Đảng