Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất

(NTO) Ngày 8-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá và định hướng phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đến dự.

Được sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp, đến nay các địa phương trong tỉnh đã hình thành được 130 mô hình sản xuất có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: Nông – lâm – ngư – diêm nghiệp và thủy sản. Trong đó, trồng trọt có 47 mô hình, quy mô thực hiện 1.298 ha; chăn nuôi 40 mô hình; thủy sản 11 mô hình; cơ giới hóa 19 mô hình và lâm nghiệp, diêm nghiệp 12 mô hình. Qua kết quả đánh giá cho thấy, các mô hình đều phát huy tốt hiệu quả, điển hình như các mô hình: "1 phải, 5 giảm", sản xuất rau an toàn, sản xuất giống mía, liên kết sản xuất trên biển, nuôi tôm cộng đồng..., ngoài việc góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, thu nhập cho người nông dân còn thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại nghị.
Ảnh: Văn Miên
 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Văn Miên

Từ kết quả đạt được của các mô hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra định hướng phát triển và nhân rộng các mô hình trong thời gian tới, với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, đối với trồng trọt sẽ áp dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao, triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch và bố trí cây trồng phù hợp theo từng loại đất để hình thành nên các vùng chuyên canh cây ăn trái như nho, táo với quy mô từ 2.000 – 2.500 ha... Đối với chăn nuôi sẽ đề xuất xây dựng đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 – 2020, để từng bước đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, góp phần nâng cao chất lượng, tỷ trọng đàn theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Về phát triển thủy sản, tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, đẩy mạnh công tác phòng ngừa dịch bệnh để đảm bảo điều kiện nuôi an toàn. Tiếp tục hỗ trợ thành lập các tổ đội sản xuất trên biển, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ hiệu quả, an toàn và khuyến khích nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ nguồn lợi biển kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành sản xuất trên tất cả các lĩnh vực. Các địa phương cần nhanh chóng đánh giá, tổng kết các mô hình để đúc rút kinh nghiệm, tham mưu UBND tỉnh có chiến lược chỉ đạo, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các cây, con chủ lực của tỉnh như sản xuất nho, táo, tỏi, bò, dê... theo hướng liên kết nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp ưu tiên tạo đầu ra cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cần có chính sách, kêu gọi và khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, các dự án chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi..., nhằm tạo bước đột phá trong việc chuyển đổi tiềm năng thành cơ hội mới, hướng đến xây dựng tỉnh ta trở thành một tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển toàn diện.