Những lỗi thường gặp của học sinh khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn

(NTO) Nhiều năm chấm thi môn Ngữ văn, chúng tôi thấy những lỗi thường gặp trong các bài thi tốt nghiệp THPT, xin nêu ra để cùng rút kinh nghiệm.

Kể lại cốt truyện, “diễn nôm” bài thơ

Đối với những tác phẩm văn xuôi, bất luận là đề có yêu cầu gì thì học sinh cũng tha hồ kể. Mặc dù yêu cầu của đề là cảm thụ, đánh giá chứ không phải là kể lại câu chuyện. Nhiều bài thi rất dài, nhưng không có ý, chỉ kể lại chuyện, thậm chí còn thêm thắt nữa.

Đề yêu cầu phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành thì thí sinh hầu như từ đầu đến cuối kể lại cốt truyện. Đành rằng có trí nhớ tốt là đáng ghi nhận, song yêu cầu của đề là muốn kiểm tra xem học sinh hiểu câu chuyện như thế nào, trình bày rõ ràng về một vấn đề cụ thể từ câu chuyện ấy, chứ không phải là kể lại câu chuyện. Các chi tiết cần được dẫn ra một cách thông minh, để làm sáng tỏ luận điểm.

Đối với tác phẩm thơ thì không ít thí sinh sa vào “diễn nôm” lại ý nghĩa của những câu thơ. Tuy cần phải cắt nghĩa, giảng giải để hiểu rõ thêm, để thấy được những đặc sắc riêng của câu thơ, bài thơ, nhưng không có nghĩa là học sinh chỉ việc diễn nôm lại ý nghĩa bài thơ. Câu “Câu thơ này cho thấy, đoạn thơ này nói lên, bài thơ này nghĩa là….”…đó trở thành “công thức” trong bài làm của thí sinh. Ngoài cắt nghĩa, giảng giải còn cần phải làm rõ các biện pháp tu từ, khả năng biểu đạt của ngôn từ, ngắt nhịp, hiệp vần…được tác giả sử dụng để cho thấy cái hay của câu thơ, bài thơ. Phân tích kiểu “diễn nôm” chỉ làm nghèo nàn, mất đi cái hay của thơ.

Nội dung trọng tâm chưa giải quyết vội liên hệ so sánh

Nhiều thí sinh khi làm bài đã vận dụng thao tác so sánh. Đây là phương pháp sẽ đạt hiệu quả cao nếu như biết xử lý phù hợp. So sánh khiến cho vấn đề được mở rộng, thú vị hơn, chứng tỏ người viết có kiến thức, tư duy. Ví dụ khi phân tích bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng thì so sánh, liên hệ với bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu, hai bài thơ cùng viết về những chiến sĩ Vệ quốc thời kỳ đầu của kháng chiến chống Pháp…Tuy nhiên, không ít thí sinh trong khi so sánh lại rơi vào tình trạng nội dung trọng tâm chưa giải quyết đã vội liên hệ so sánh, nghĩa là sa đà vào phân tích nội dung liên hệ, mở rộng, mà lơ là phần nội dung chính của bài làm. Hậu quả là bài văn tuy có vẻ bay bổng, “uyên bác”, song về vấn đề chính chưa được trình bày đầy đủ, sâu sắc, nên kết quả điểm vẫn không cao.

Không phù hợp với phong cách ngôn ngữ

Không ít thí sinh dùng các từ “Ôi, Than ôi, Biết mấy…” xuất hiện với tần suất khá cao trong bài. Khi yêu cầu bình luận một câu danh ngôn về tình bạn, thí sinh viết “Các bạn ơi, tình bạn là thiêng liêng, cao quý lắm!”. Bài văn nghị luận là văn bản thuộc phong cách khoa học, cần chú trọng yêu cầu chính xác, khách quan, có bằng chứng xác đáng, lôgic. Vì vậy, viết “các bạn ơi”, “các bạn ạ”, “các bạn biết không” hay “kính thưa thầy cô”…đều không phù hợp. Và không phải là thêm vào mấy từ “Ôi, biết bao, biết mấy”…là bài văn có cảm xúc, hay hấp dẫn hơn.

Chưa nắm được kết cấu của bài nghị luận xã hội

Từ năm 2009 trong đề thi Ngữ văn có câu nghị luận xã hội (30% số điểm). Đa số thí sinh mất nhiều điểm ở câu này, bởi vì chưa biết cấu trúc bài làm.

Bài nghị luận xã hội có hai dạng: Nghị luận (bàn bạc) về một tư tưởng, đạo lý. Nghĩa là trao đổi, thảo luận về một ý kiến, một quan điểm. Dạng thứ hai là nghị luận về một hiện tượng đời sống, yêu cầu người viết trình bày nhận thức, nêu quan điểm về những hiện tượng đáng lưu ý, “có vấn đề” trong đời sống. Ứng với mỗi dạng có cấu trúc làm bài khác nhau.

♦ Dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý có cấu trúc chung:

Giải thích vấn đề cần nghị luận

Chứng minh trong thực tế cuộc sống

Bàn luận đánh giá đúng sai, mở rộng, liên hệ đến bản thân

♦ Dạng nghị luận về một hiện tượng đời sống có cấu trúc chung:

Nêu thực trạng của hiện tượng

Nguyên nhân hiện tượng

Đề xuất giải pháp, phương hướng khắc phục hoặc phát huy

Thí sinh cần phải lập dàn bài trước khi viết chính thức để tránh lan man và thiếu ý.