Giảm thiểu tác động tới môi trường để phát triển nền kinh tế xanh

Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc tầm quan trọng cũng như trách nhiệm trong việc cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy tăng trưởng xanh để đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững.

Sáng 18-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự “Diễn đàn khu vực châu Á lần thứ 4 về giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn” (3R). Diễn đàn 3R (3R: Reduce - Giảm thiểu, Reuse - Tái sử dụng, Recycling - Tái chế ) là một phần của nỗ lực chung toàn cầu hướng tới phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Diễn đàn 3R.
Ảnh: VGP/Từ Lương

Tham dự Diễn đàn có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường Nhật Bản Shinji Inoue, bà Chikako Takase, Giám đốc Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc và bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Diễn đàn được tổ chức thường niên và có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu. Diễn đàn khu vực châu Á về 3R được tổ chức lần đầu tiên năm 2009 tại Nhật Bản. Hội nghị này đã xác định các định hướng tổng thể và các ưu tiên nhằm thúc đẩy 3R tại các quốc gia thuộc châu Á – Thái Bình Dương.

Hội nghị lần thứ 2 của Diễn đàn được tổ chức năm 2010 tại Malaysia với chủ đề chung là “3R - Vì một nền kinh tế xanh và xã hội tuần hoàn vật chất hợp lý”.

Năm 2011, Hội nghị lần thứ 3 của Diễn đàn được tổ chức tại Singapore với chủ đề “Chuyển giao công nghệ thúc đẩy 3R - Thích ứng, thực hiện và mở rộng quy mô công nghệ thích hợp”.

Với chủ đề “3R trong bối cảnh hướng tới đạt được các kết quả của Rio+20 - Tương lai chúng ta mong muốn”, Diễn đàn năm nay nhằm hướng tới nền kinh tế xanh thông qua việc thúc đẩy các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả hơn, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, môi trường ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có nhiều nước châu Á, tiếp tục bị ô nhiễm do lượng chất thải tăng nhanh. Đa dạng sinh học suy giảm mạnh. Tài nguyên đang dần bị cạn kiệt. Từ bối cảnh đó, mỗi quốc gia cần phải nghiêm túc xem xét lại mô hình tăng trưởng nhằm tìm ra hướng đi, mô hình phát triển mới để giải quyết các vấn đề đặt ra một cách tốt nhất.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với các nhiệm vụ chính là giảm nhẹ cường độ phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xây dựng lối sống bền vững. Xanh hóa sản xuất hướng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh không gây hại đến môi trường, tạo ít chất thải hơn. Tương tự, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu, tái chế và tác sử dụng các loại chất thải trong sinh hoạt và tiêu dùng.

Đặc biệt, một trong những giải pháp được nhấn mạnh trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là đẩy mạnh tái sử dụng, tái chế chất thải thông qua việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, thúc đẩy hoạt động tái chế thành năng lượng, vật liệu và phân vi sinh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Diễn đàn lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội là cơ hội để các quốc gia cùng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm thực tiễn, công nghệ và công cụ chính sách thúc đẩy 3R và qua đó, các nước châu Á ​thúc đẩy đối thoại chính sách cấp cao để cùng hướng tới phát triển bền vững. Tham gia Diễn đàn, Việt Nam cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quí báu, đồng thời cũng triển khai được nhiều hoạt động hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực này.

Trong 40 năm qua, đến nay tư duy về phát triển của nhân loại đã có những thay đổi. Từ chỗ ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, phát triển trước, bảo vệ môi trường sau (những năm 1970-1980), đến lồng ghép bảo vệ môi trường với tăng trưởng kinh tế (1990-2000) và đến nay là ưu tiên đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, gìn giữ nguồn vốn tự nhiên để tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Nguồn chinhphu.vn