Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khảo sát đào tạo nghề tại Hòa Bình

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo hiệu quả, tạo ra chuyển biến tích cực trong triển khai Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ngày 14-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã tới thăm một số mô hình tiêu biểu về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Hòa Bình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hòa Bình
về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ảnh: VGP/Từ Lương

Đầu tháng 4/2013, Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Quyết định 1956/TTg-QĐ của Thủ tướng Chính phủ nhằm đánh giá toàn diện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hòa Bình là tỉnh miền núi Tây Bắc, dân số 800.000 người, 72% dân số là người dân tộc. Với đặc điểm này, Hòa Bình được đánh giá là địa phương cần quan tâm và đầu tư mạnh cho công tác dạy nghề cho đồng bào dân tộc.

Đến năm 2020, Hòa Bình cần đào tạo cho 123.000 lao động nông thôn, bình quân 10.000 người/năm. Năm 2013, Hòa Bình tuyển sinh đào tạo 13.100 lao động, trong đó sẽ có 4.000 lao động được đào tạo theo Quyết định 1956.

Ngay sau khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Hòa Bình đã tổ chức quán triệt, lập và tổ chức triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hòa Bình đã lựa chọn một số xã làm mô hình điểm để triển khai thực hiện.

Sau 3 năm triển khai Quyết định 1956, Hòa Bình đã đạt một số kết quả như khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề; thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn; đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập; phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi ông Đinh Văn Hỉn,một trong những hộ gia đình
đang thụ hưởng chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xóm Tân Vượng,
xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Ảnh: VGP/Từ Lương

Tuy nhiên, việc tham mưu giữa các ngành chức năng trong quá trình thực hiện Quyết định 1956 còn chậm, chưa đồng bộ, dẫn tới triển khai dạy nghề cho lao động nông thôn chậm, kết quả chưa đạt mục tiêu đặt ra. Hầu hết các trung tâm dạy nghề đều mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn. Việc giải quyết việc làm sau dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự quyết liệt và chỉ đạo đúng tinh thần Quyết định 1956 của tỉnh Hòa Bình và những kết quả bước đầu đạt được.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát định mức vay bình quân cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp. Hòa Bình có tổng hợp và có báo cáo chuyên đề về các mô hình hộ nông dân tiêu biểu đã có hiệu quả thực tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân với vai trò kết nối của cơ quan nhà nước, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông dân.

Qua khảo sát các trung tâm đào tạo nghề tại Hòa Bình, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành khảo sát hiện trạng các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2013.

* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm và trồng cây lưu niệm tại trường Cao đẳng nghề Hòa Bình.

Một số mô hình tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình về thực hiện Quyết định 1956:

- Năm 2010, triển khai thí điểm mô hình nuôi lợn thịt và trồng nấm rơm đúng kỹ thuật tại huyện Lạc Sơn với 60 học viên, sau khi nhân rộng các hộ nông dân tại huyện Lạc Sơn đã cho thu nhập trên 3 triệu/tháng.

- Mô hình sản xuất chổi chít ở các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, nuôi cá lồng ở Đà Bắc, nuôi gà thịt ở Lương Sơn, dệt thổ cẩm ở Tân Lạc. Dạy nghề may công nghiệp tại công ty TNHH Hòa Bình, lao động học nghề xong đều được bố trí làm việc tại chính dây chuyền của doanh nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn.

- Đặc biệt, công tác dạy nghề trồng cam ở huyện Cao Phong đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, với thương hiệu “Cam sạch Cao Phong”, nhiều hộ gia đình tại huyện đã nhanh chóng thoát nghèo và trở thành tỷ phú nhờ trồng cam sau khi được học nghề và nâng cao kỹ thuật.

Nguồn chinhphu.vn