Giới thiệu các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng

1. Ngành Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên

Nơi đào tạo: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học khả năng thiết kế, tổ chức thi công xây dựng các công trình liên quan đến cảnh quan cũng như có khả năng quản lý, thực hiện các vấn đề về xây dựng tôn tạo các cảnh quan và dịch vụ có liên quan.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có khả năng nghiên cứu, thực hiện thiết kế và tổ chức thi công về cảnh quan và hoa viên; có cơ hội phát triển nghề nghiệp tại các cơ quan tư vấn, nghiên cứu sản xuất như văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng, các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ sinh quyển, các Công ty công viên cây xanh, Công ty công trình công cộng, Công ty du lịch sinh thái

2. Ngành Địa chính

Địa chính là một bộ phận cấu thành không thể thiếu được của công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên và môi trường.

Nơi đào tạo: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG Hà Nội, ĐH Quy Nhơn…

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học khả năng sử dụng các thiết bị thu nhận và xử lý thông tin để xác định hình thức đặc trưng hình học của thửa đất và các thông tin địa lý của các yếu tố mặt đất có liên quan.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở Bộ Tài nguyên – Môi trường, các Doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân; có thể làm nghiệp vụ đo đạc và thông tin đất đai tại các Sở Tài nguyên – Môi trường, các Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện và cán bộ Địa chính xã, tham gia trong việc thành lập bản đồ địa chính và xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với cả lĩnh vực đo đạc địa hình, công trình dân dụng, công nghệ địa vị toàn cầu (GPS) hoặc làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường, viện có liên quan.

3. Ngành Công thôn (Công trình dân dụng nông thôn)

Là ngành học về nghiên cứu khảo sát, quy hoạch thiết kế, thi công và quản lý các công trình dân dụng: cầu cống đường xá, trạm bơm, nhà dân dụng… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông thôn vùng đồng bằng.

Nơi đào tạo: Trường ĐH Cần Thơ, trường ĐH Nông nghiệp 1, trường ĐH Lâm Nghiệp.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học năng lực chuyên môn nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là các vùng nông thôn, có khả năng nghiên cứu, quy hoạch thiết kế, thi công quản lý và vận hành các công trình thủy phục vụ nông thôn và giao thông thủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm quản lý kỹ thuật ở các đơn vị: Sở xây dựng, Sở khoa học Công nghệ, Khu chế xuất và khu công nghiệp, các công ty tư vấn thiết kế, các công ty xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các công ty xây dựng thủy lợi – thủy nông hoặc làm thầu xây dựng tư nhân

4. Ngành Đô thị học

Nơi đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tp HCM (Đô thị học), Đại học Tôn Đức Thắng (Quy hoạch vùng và đô thị), Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (Quy hoạch vùng và đô thị), Đại học Kiến trúc TP.HCM (Quy hoạch vùng và đô thị).

Mục tiêu đào tạo: Đô thị học là một ngành học mới, có khả năng ứng dụng cao, có thể giải quyết và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trong đời sống hằng ngày của xã hội. Chương trình đào tạo trang bị cho người học có khả năng xây dựng, đánh giá và thẩm định dự án ở các cấp độ khác nhau.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đảm nhiệm việc tư vấn điều phối, quy hoạch kinh tế - xã hội, thiết kế và xây dựng chính sách, thẩm định và đánh giá các dự án có liên quan đến việc phát triển đô thị trong các cơ quan công quyền ở các cấp quản lý hành chánh khác nhau (Sở Quy hoạch Kiến trúc, Phòng Quản lý đô thị - Xây dựng …), các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức phát triển phi chính phủ quốc tế…

5. Ngành Kinh tế Xây dựng (Quản trị xây dựng và quản lý)

Đây là ngành học chuyên về công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng, vì trong hoạt động của bộ máy quản lý gián tiếp tại các công ty, xí nghiệp … không thể thiếu những công việc cụ thể như: tài chính, kế toán, thống kê, tiền lương … cần sự am hiểu sâu về chuyên ngành.

Nơi đào tạo: Trường ĐH Hùng Vương (Toán ứng dụng trong quản lý kinh tế), CĐ Giao thông vận tải 3, CĐ Xây dựng số 2, ĐH Giao thông cơ sở phía Nam, ĐH Bách Khoa ĐH Đà Nẵng, ĐH Xây dựng…

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch và lập dự toán trong các doanh nghiệp xây dựng cơ bản và vận tải, phân tích và đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp xây dựng giao thông vận tải; quản lý các đội thi công công trình giao thông…

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc cho các công ty xây dựng dân dụng và công nghiệp, các bộ phận nghiệp vụ xây dựng và sửa chữa công trình của các doanh nghiệp,các tổ chức trung gian nhận thầu chính công trình và thầu phụ các hạng mục xây dựng, các viện nghiên cứu và thiết kế xây dựng, các tổ chức tư vấn, khu chế xuất, Ban quản lý Dự án Xây dựng ở một số đơn vị.

6. Ngành Kiến Trúc

Nơi đào tạo: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM/ Đà Nẵng/ Hà Nội, trường ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bác khoa ĐHQG-HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Bình Dương, ĐH Thủ Dầu Một, Viện ĐH Mở Hà Nội.

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo Kiến trúc sư có khả năng chủ trì thiết kế các công trình kiến trúc dân dụng và công nghiệp.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia các hoạt động tư vấn kiến trúc, xây dựng cơ bản, tổ chức và quản lý các công việc chuyên môn của ngành tại các phòng xây dựng, quản lý đô thị các cấp; ban quản lý dự án; các công ty xây dựng hoặc các sở ban ngành có liên quan…

7. Quy hoạch đô thị - Kiến Trúc dân dụng

Quy hoạch đô thị là một ngành có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: giao thông công cộng, cấp thoát nước, các công trình đô thị, cơ sở hạ tầng.

Nơi đào tạo: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM (Kiến trúc công trình, Kiến trúc quy hoạch đô thị, Kỹ thuật hạ tầng đô thị), trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (Ngành Kiến trúc dân dụng), trường ĐH Văn Lang (Kiến trúc), trường ĐH Tôn Đức Thắng (ngành Quy hoạch đô thị)…

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo chuyên gia đầu ngành về quản lý, sử dụng và khai thác đô thị, quản lý dự án xây dựng và quản lý phát triển đô thị mới nhằm giảm bớt những thất thoát trong công tác đầu tư quy hoạch không đúng mục đích; khai thác, sử dụng đô thị và quản lý đô thị tốt hơn.

Cơ hội nghề nghiệp: Kiến trúc sư/ Kỹ sư Quy hoạch đô thị có thể làm việc tại công ty tư vấn đầu tư xây dựng, công ty tư vấn thiết kế, công ty TNHH về kiến trúc, Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu kiến trúc, tổng công ty xây dựng, phòng quản lý đô thị quận huyện, ban quản lý công trình, Sở Kế hoạch Đầu tư, văn phòng kiến trúc Nhà nước hoặc tư nhân …

Yêu cầu khác: Giỏi phần mềm 3D, khả năng tư duy cao.

8. Ngành Kiến tạo cảnh quan môi trường

Nơi đào tạo: Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, trường ĐH Cần Thơ.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị những kiến thức tương đối toàn diện và mang tính thực hành về thiết kế, thi công cũng như quản lý cảnh quan môi trường.

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác tại các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử, các công ty công viên cây xanh, công trình công cộng đô thị, các công ty, đơn vị hoạt động du lịch …

9. Ngành Quản lý thị trường bất động sản

Nơi đào tạo: Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trường ĐH Tài chính Merketing (chuyên ngành Kinh Doanh bất động sản).

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học kiến thức căn bản về kinh tế học, quản trị kinh doanh căn bản, kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, pháp luật đất đai, hệ thống thông tin địa lý…

Cơ hội nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác trong ngành địa chính và các ngành liên quan đến quản lý sử dụng đất đai và bất động sản trong hệ thống từ trung ương đến địa phương, các loại hình kinh tế.

10. Ngành vật liệu và cấu kiện xây dựng

Nơi đào tạo: Trường ĐH Bách Khoa tp.HCM (Vật liệu và Cấu Kiện xây dựng), CĐ Xây dựng số 2 (Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng), ĐH Xây Dựng (Công nghệ kĩ thuật vật liệu xây dựng)…

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho người học những kiến thức chung của ngành xây dựng và các nhóm chuyên môn như: Công nghệ chế tạo bê tông và bê tông cốt thép đúc sẵn, công nghệ sản xuất các sản phẩm gốm xây dựng như: gạch ngói đất sét, gạch ốp trang trí, sứ … công nghệ sản xuất chất kết dính trên cơ sở nguyên liệu địa phương.

Cơ hội nghề nghiệp: Kỹ sư ngành Vật liệu và Cấu kiện xây dựng có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm vật liệu xây dựng, có khả năng thiết kế công nghệ và thi công các công trình xây dựng loại vừa và nhỏ hoặc làm việc tại các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng.

11. Ngành Xây Dựng

Nơi đào tạo: Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM, ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM (Kỹ thuật Xây dựng), ĐH Lạc Hồng (Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường), ĐH Kiến trúc TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, CĐ Giao thông vận tải 3, CĐ Xây dựng số 2, ĐH Cần Thơ, ĐH Hàng Hải, …

Mục tiêu đào tạo: Đào tạo các kỹ sư trong lĩnh vực Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp có kỹ năng thực hành cao khả năng tổ chức quản lý, lập các biện pháp thi công và thiết kế các loại công trình xây dựng nhằm phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật …

Cơ hội nghề nghiệp: Kỹ sư ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp có thể đảm nhiệm các công việc tại các doanh nghiệp xây dựng, công ty xây dựng; các cơ quan quản lý xây dựng, các cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ và đào tạo.